Như Báo Thanh Niên đã phản ánh, căn cứ kết quả tổng kiểm kê mới nhất ngày 29.3, đến thời điểm này, Viên Nghiên cứu Hán Nôm xác định số tài liệu Hán Nôm bị mất hoặc thất lạc là 121 cuốn, hư hại nặng 110 cuốn.
Sáng 31.3, trao đổi với Báo Thanh Niên, TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cho biết với 121 cuốn sách hiện không tìm thấy, viện đang xác định thất lạc là bởi vẫn còn hy vọng tiếp tục tìm thấy lại, đặc biệt là sau khi tìm thêm được 14 cuốn trong khoảng thời gian từ 22 - 29.3 (Báo Thanh Niên đã đưa tin).
Tránh tiếp tục để mất, thất lạc sách
Để tránh việc tiếp tục mất hoặc thất lạc sách trong thời gian tới, đồng thời cũng để tìm lại được những cuốn sách đang được cho là bị thất lạc, vừa qua viện đã điều chỉnh một số việc trong quản lý kho sách.
Trước đây, trong kho tầng 2, sách gốc và sách photocopy để trong cùng một không gian thông nhau nên tất cả nhân viên đều có thể ra vào. Nhận thấy điểm bất cập này, cuối tháng 7.2022, viện đã tổ chức làm vách ngăn bằng khung nhôm kính để chia các phân kho tại tầng 2, dồn các tài liệu gốc về một khu tách biệt, phần sách photocopy để riêng một cửa ra vào để nhân viên phục vụ độc giả hàng ngày.
Ngày 28.7. 2022, viện đã thay chìa khóa kho, giao chìa khóa kho sách gốc cho trưởng bộ phận bảo quản (vị này mới được bổ nhiệm từ tháng 8.2021). Chìa khóa kho sách photocopy được đặt tại phòng làm việc chung để các nhân viên của bộ phận bảo quản sử dụng mở cửa kho phục vụ bạn đọc hàng ngày.
Trước đó, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã ban hành quy chế quản lý, khai thác và sử dụng tài liệu Hán Nôm tại viện (ban hành cuối năm 2020). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 50 năm (1970 - 2020), Viện Nghiên cứu Hán Nôm mới có văn bản quy chế quản lý tài liệu Hán Nôm.
Ông Nguyễn Tuấn Cường khẳng định, sự việc mất hoặc thất lạc và hư hại tài liệu là tổn thất lớn đối với kho sách Hán Nôm nói riêng, với văn hiến cổ điển Việt Nam nói chung. Trước khi viện nhận bàn giao kho sách từ Nhà nước (năm 1983), đã có 238 quyển sách bị mất thuộc kho A và kho V (thời điểm đó chưa có kho ST). Còn có 2 sách bị mất năm 1986 khi mới bàn giao. Toàn bộ 240 sách mất này đều đã có "phiếu ma" đặt trên giá ở vị trí sách mất.
Đợt tổng kiểm kê này đã phát hiện thêm 121 sách bị mất hoặc thất lạc mà dấu hiệu cho thấy sự việc xảy ra rải rác trong giai đoạn từ khoảng năm 1997 trở lại đây.
"Tập thể và cá nhân có liên quan phải chịu trách nhiệm trước sự việc này, trong đó có trách nhiệm quản lý của tôi trên cương vị viện trưởng, tức là thủ trưởng đơn vị và trách nhiệm quản lý của nguyên Phó viện trưởng Nguyễn Hữu Mùi (hiện đã thôi quản lý, nhưng vẫn đang công tác) là người được phân công phụ trách kho sách. Lãnh đạo viện là những người "đứng mũi chịu sào", cần phải thẳng thắn nhận trách nhiệm quản lý trước, sau đó mới xem xét đến trách nhiệm nghiệp vụ của nhân viên", ông Cường khẳng định.
Cơ quan công an đang điều tra làm rõ sự việc với các sách đã báo mất, gồm 25 cuốn được xác định là mất đợt trước ngày 15.2; trong đó có 11 cuốn kho A, 3 cuốn kho V và 11 cuốn kho ST. 96 cuốn còn lại hiện đang xác định là thất lạc, vẫn hy vọng tìm thấy trở lại nên viện chưa báo cơ quan công an.
TS Cường nói: "Sự việc mất hoặc thất lạc và hư hại tài liệu cần được giải quyết trên tinh thần trân trọng tài liệu một cách đúng mức (không hạ thấp, không thổi phồng) và tinh thần khoa học nghiêm túc; giải quyết một cách công khai, minh bạch, có căn cứ pháp lý. Viện sẽ sớm thực hiện tổng kiểm kê toàn bộ tài liệu Hán Nôm một lần nữa để sắp xếp, chỉnh lý lại kho sách, đóng dấu kiểm kê vào từng đơn vị tài liệu.
Thời gian tới, viện sẽ tập trung đầu tư về nhân lực và kinh phí để kiện toàn công tác bảo quản, tu bổ và số hóa, nâng cao chất lượng phục vụ độc giả, để làm tốt nhiệm vụ giữ gìn và phát huy giá trị của kho sách Hán Nôm".
TS Nguyễn Xuân Diện 2 lần từ chối việc "cai quản" kho sách
Khi Báo Thanh Niên đặt vấn đề, phải chăng nhờ sự tích cực lên tiếng của TS Nguyễn Xuân Diện, Phó phòng phụ trách Văn bản học (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), trên mạng xã hội nên Viện Nghiên cứu Hán Nôm mới tích cực, nỗ lực trong việc tìm sách thất lạc cũng như tìm giải pháp bảo quản, lưu trữ tài liệu…, ông Cường cho rằng, việc tìm kiếm tài liệu và điều chỉnh cách quản lý đã có trong kế hoạch chung của viện từ trước.
Nhưng Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng ghi nhận những phát ngôn của TS Nguyễn Xuân Diện đã có tác dụng đẩy nhanh tiến độ công việc và thu hút được nhiều người cùng quan tâm đến kho sách Hán Nôm.
Theo ông Cường, trên mạng xã hội, trên báo chí và tại đơn vị, TS Nguyễn Xuân Diện thường xuyên có những phát ngôn, qua đó đã tạo dựng được hình ảnh là người nhiệt tâm gìn giữ kho sách Hán Nôm của dân tộc. Tập thể Viện Nghiên cứu Hán Nôm trân trọng tinh thần đó. Một số góp ý có tính xây dựng, viện đã tiếp thu.
Gần đây, trong những lần họp quy hoạch tại đơn vị, có nhiều ý kiến đề nghị quy hoạch TS Diện để bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng Bảo quản (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), tức là người "cai quản" kho sách. Nếu TS Diện ở vị trí này sẽ có nhiều lợi ích chung và riêng.
Một là TS Diện đạt được tâm nguyện gìn giữ kho sách cổ của tiền nhân như ông thường bày tỏ; hai là TS Diện sẽ phát huy được kinh nghiệm nhiều năm quản lý thư viện của mình, trước khi chuyển sang phòng nghiên cứu từ khoảng 10 năm trước; ba là phù hợp với nguyện vọng được phát triển cá nhân của TS Diện (TS Diện hiện là phó trưởng phòng phụ trách, trong một buổi họp cơ quan gần đây TS Diện cũng đã đề nghị được bổ nhiệm vị trí trưởng phòng).
"Đã có ít nhất 2 lần TS Diện từ chối đề nghị này. Chúng tôi cho rằng đây là một điều rất đáng tiếc, vì đó là cơ hội để TS Diện thể hiện trách nhiệm đối với kho sách từ góc độ hành động thực tế chứ không chỉ từ phát ngôn", ông Cường cho biết.
Theo Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trong số 121 quyển sách bị mất hoặc thất lạc, có 11 quyển kho A, 3 quyển kho V, 107 quyển kho ST. Tuy nhiên, 11 quyển kho A và 3 quyển kho B đều còn lưu bản sao (scan màu và/hoặc photocopy đen trắng).
Trong số 107 quyển kho ST, có 13 quyển sách đã có bản sao scan màu và toàn bộ 107 quyển chưa có bản photocopy.
Theo sổ sách ghi chép, trong số 107 quyển ST này có 5 quyển không phải sách gốc mà là sách photocopy đen trắng, nhưng khi nhập kho vẫn cấp ký hiệu ST. Vì vậy, có 102 sách ST là sách gốc (không phải sách photocopy) hiện thất lạc.
Bình luận (0)