Mất tour tại thị trường nội địa

25/07/2017 09:00 GMT+7

Khách Malaysia ăn, nghỉ tập trung ở một khu; khách Trung Quốc tụ về một điểm, khách Hàn Quốc cũng có những khu phố, thị trường riêng... tình trạng này ngày càng trở nên phổ biến, kéo theo những thách thức cho cơ quan quản lý khi khách quốc tế đến VN ngày càng đông.

Hình thành những cộng đồng khách ngoại
Một cán bộ quản lý du lịch tại TP.HCM cho biết, nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch nội phản ánh tình trạng một số công ty du lịch Trung Quốc (TQ) dẫn khách vào VN, ký hợp đồng với công ty dịch vụ nội, thanh toán sòng phẳng thời gian đầu để tạo lòng tin, sau đó sử dụng dịch vụ nợ và lặn mất tăm. Một nhà hàng ở Nha Trang vừa mất hơn 4 tỉ đồng vì "chiêu" này. Cụ thể, nhà hàng này ký kết với một công ty TQ lo phần ăn uống của các đoàn khách do công ty này dẫn qua VN. Ban đầu, công ty thanh toán bằng tiền mặt rất sòng phẳng, nhanh chóng. Sau một thời gian, khi đã lấy được lòng tin phía DN Việt, công ty này đề nghị thanh toán theo hình thức chuyển khoản nhưng khất lần rồi “biến mất” không dấu vết. Đáng nói là trong quá trình chủ công ty này khất lần thanh toán với lý do "ốm", các đoàn khách vẫn được đưa đến liên tục, nhà hàng vẫn phục vụ ăn uống đầy đủ khiến số tiền nợ cứ tăng lên. Khi số nợ lên đến hơn 4 tỉ cũng là lúc công ty này cắt đứt liên lạc hoàn toàn.
Vị này cho biết, không ít DN trong nước lâm vào tình trạng này nhưng không dám nói ra vì sợ ảnh hưởng thương hiệu, mất thể diện. "Có trường hợp thậm chí phá sản chứ không phải ít đâu" - vị này nói.
Từ đầu năm đến nay, việc khách TQ đổ xô vào VN hình thành nên các nhà hàng, khách sạn, quầy lưu niệm chỉ phục vụ khách TQ diễn ra ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Ninh và đang manh nha ở một số tỉnh miền Tây... khiến các nhà quản lý đau đầu. Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Lã Quốc Khánh lo ngại, khách Hàn Quốc, Malaysia, TQ tới TP.HCM ngày càng đông nhưng có xu hướng tạo thành cộng đồng riêng biệt sẽ dễ phát sinh nhiều vấn đề cả về kinh tế, xã hội trong việc quản lý.
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Lien Bang Travelink, cho biết tình trạng hình thành cộng đồng người Hàn, người Malaysia, TQ tại TP.HCM đã xảy ra từ lâu. Đáng lo ngại là các cộng đồng này đang nở rộ hoạt động kinh doanh du lịch trực tiếp tại TP. Cụ thể, cộng đồng người Malaysia sang VN học tập, làm việc, sau một thời gian sinh sống, biết tiếng đã tự trở thành hướng dẫn viên (HDV) du lịch, kiêm cả việc nhận và đặt tour. Khác với “tour 0 đồng”, họ nhận làm luôn từ khâu đón khách ở sân bay, đặt nhà hàng, khách sạn, HDV và vẫn lấy lãi. Giá của gói tour này có thể bằng hoặc thấp hơn giá từ các công ty du lịch trong nước nhưng đảm bảo vẫn có lời. Hình thức thanh toán là trả bằng nội tệ thông qua tài khoản bên nước họ. “Như vậy rất tiện lợi và nhanh chóng cho khách” - ông Thành đánh giá. “Các tour khép kín dần được hình thành do có các khu khách sạn chuyên phục vụ cộng đồng Malaysia, nhà hàng Hala, đầu bếp người Malaysia và các khu mua sắm chuyên cho người đạo Hồi. Như vậy, nhà nước thất thu, còn các công ty du lịch trong nước hoàn toàn không có cơ hội tiếp cận khách, bị “qua mặt” ngay trên chính sân nhà” - ông Thành bức xúc.
Siết quản lý
Cho rằng du khách đến VN nói chung và TP.HCM nói riêng ngày càng nhiều là tín hiệu đáng mừng song ông Lã Quốc Khánh cho rằng, để xảy ra nhiều tiêu cực, lỗi một phần ở sự chủ quan, thiếu chủ động của DN Việt và một phần lớn do quản lý nhà nước lỏng lẻo. "Đơn cử với khách TQ, họ ào ào đổ vào VN khiến chúng ta bị đột ngột, lúng túng. Việc hạn chế về khâu chuẩn bị như thiếu HDV tiếng Trung càng khiến đối tác có cơ hội chủ động, tạo áp lực cho các DN VN" - ông Khánh phân tích và cho rằng, cơ quan quản lý phải làm rõ các DN lữ hành VN dẫn khách TQ tổ chức tour trọn gói hay chỉ xin cho khách vào rồi để phía công ty TQ ký kết với các công ty dịch vụ du lịch trong nước. Phải quản lý thật chặt các công ty ký hợp đồng trực tiếp cung ứng dịch vụ du lịch với DN TQ, làm sao đảm bảo cả lợi ích cho DN cũng như lợi ích chung của toàn ngành du lịch VN. “Quản lý nhà nước phải chủ động, phải có sự tham gia phối hợp của Hiệp hội Lữ hành VN cũng như Tổng cục Du lịch. Cùng thống nhất nhận thức, từ đó mới có thể thống nhất trong hành động”, ông đề xuất.
Ông Từ Quý Thành nhận định TP cần có quan điểm rõ ràng về xung đột giữa việc tăng trưởng và ngăn chặn các hành vi này. Nếu muốn giải quyết, vấn đề không khó. Dựa vào chính nguyên lý hoạt động khép kín của các cộng đồng này để kiểm soát từ khâu đón khách, ở khách sạn nào, ăn nhà hàng nào, mua sắm những gì, ở đâu. Các DN cũng rất sẵn lòng cung cấp thông tin. Phải xác định giải quyết triệt để là chấp nhận lượng khách quốc tế giảm. “TP.HCM đủ kinh nghiệm và khả năng để giải quyết tình trạng này. Quan trọng là phải xác định rõ triệt hay để và phải làm tới nơi tới chốn”, ông Thành quả quyết.
Trước mắt, ông Lã Quốc Khánh cho biết: “Sở Du lịch TP.HCM sau khi phối hợp với Cục Lữ hành rà soát, điều tra một loạt hệ thống nhà hàng, khách sạn, các khu vực mua sắm trên địa bàn TP, sẽ tổ chức tọa đàm khuyến cáo đến các DN Việt để có cách thức phù hợp trong việc hợp tác với các DN nước ngoài. Đảm bảo lợi ích của cả nhà nước và DN”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.