Mặt trăng đang co rúm và run rẩy

08/06/2019 07:00 GMT+7

Trong một thập niên qua, các nhà khoa học phát hiện do phần bên trong nguội dần, mặt trăng đã... teo lại so với thời điểm mới tượng hình.

Quá trình này tạo nên những đường nứt với các vách đá gọi là “đứt gãy bị đè ép” trải khắp bề mặt chị Hằng. Giờ đây kết quả phân tích mới dựa trên dữ liệu thu thập được thông qua các sứ mệnh của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy vệ tinh tự nhiên của trái đất có thể vẫn trong quá trình co lại. Đồng thời nó trải qua những đợt địa chấn dọc theo các đứt gãy, với các vách đá rung chuyển, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature Geoscience.
Các nhà khoa học đã so sánh quá trình này giống như cách thức một quả nho đang dần teo tóp, xuất hiện các vạch nhăn nheo trên bề mặt. Thế nhưng, không giống như vỏ nho, lớp vỏ bao quanh mặt trăng không có tính đàn hồi, mà thay vào đó giòn nên dễ đứt, vỡ. Các đứt gãy hình thành khi lớp vỏ di chuyển, và một phần của lớp đất đá bên trên chuồi xuống bên dưới. Điều này giải thích cho sự hiện diện của các vách đá với bề ngoài bất thường, trải dài nhiều ki lô mét trên bề mặt của mặt trăng. Để rút ra kết luận mới, nhóm chuyên gia đã sử dụng thuật toán xử lý dữ liệu địa chấn thu thập từ thập niên 1960 và 1970. Từ đó, họ phát hiện ra hiện tượng động đất trên mặt trăng, một lần nữa xác nhận chị Hằng vẫn đang trải qua hoạt động địa chấn thực thụ, theo trưởng nhóm nghiên cứu Thomas Watters của Trung tâm nghiên cứu trái đất và hành tinh của Viện Smithsonian ở thủ đô Washington D.C (Mỹ).
Đội ngũ chuyên gia giờ đây hy vọng có thể quay lại mặt trăng để nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về tình trạng đang diễn ra ở thiên thể này, một phần do các dữ liệu mà họ đang có chỉ phản ánh một số hiện tượng bề mặt. Chính quyền Tổng thống Donald Trump chỉ đạo NASA xúc tiến chương trình mặt trăng, và nhiều khả năng người Mỹ sẽ sớm tái xuất trên bề mặt chị Hằng. Washington vừa đề xuất chi ngân sách 1,6 tỉ USD để NASA đưa các phi hành gia Mỹ quay lại mặt trăng vào năm 2024, theo Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.