Những người thường xuyên tiếp xúc với thầy thì tỏ ra thương xót: "Ôi, không có thầy ấy thì con tôi bỏ học lâu rồi, chắc đến bây giờ mặt chữ cũng chẳng nhận ra", "Thương thầy quá, cả một đời vì học sinh"... Một số ít thì thầm: "Nhìn cái mặt hiền lành tử tế, thường ngày đạo mạo thế mà cũng phạm tội á?", "Chắc cắm bản lâu ngày uất ức sinh ra thói xấu"... Chẳng ai biết vì sao thầy Đạo bị triệu tập. Người này hỏi người kia, họ bắt đầu suy đoán, một đồn mười, mười đồn trăm. Họ cứ thế mà gán cho thầy bao nhiêu tội: buôn thuốc phiện với những kẻ bên kia biên giới, lợi dụng học sinh nữ, đánh học sinh nam… Nhiều người dân ở Pu Quai bỗng trở thành quan tòa phán xét tội danh của thầy giáo Đạo.
Bản Pu Quai nằm trên đỉnh Nậm Pu quanh năm sương mù bao phủ, xung quanh là vực sâu hun hút. Từ trung tâm xã đến bản chỉ độc một con đường mòn lượn xung quanh vách núi. Ở Pu Quai chỉ có hơn năm mươi hộ dân với ngót nghét gần hai trăm khẩu nên mọi việc xảy ra tối hôm nay thì sáng hôm sau cả bản đã kháo nhau như chính chuyện xảy ra ở nhà mình vậy. Bởi thế chuyện thầy Đạo là một chủ đề nóng được người ta đưa ra bàn tán khắp nơi.
Trong chuyện này, duy chỉ có thầy mo Gà Mà tỏ ra đắc ý hơn cả. Mấy hôm nay, lão đi từ đầu bản đến cuối bản để nghe ngóng, hễ thấy có ai bàn chuyện về thầy Đạo lão lại dỏng tai lên và sung sướng như vừa chiến thắng một đối thủ đáng gờm. Gặp một đám đông đang đứng buôn chuyện, lão phóng con mắt sắc lạnh như cú vọ về phía họ phán:
- Tao đã nói từ trước rồi, nó là thầy nhưng nó làm sai ý con ma rừng, sai ý thần linh thì nó phải chịu thôi. Mấy lần tao khuyên nó đừng có xen vào chuyện người ta làm vía, xen vào chuyện người ta lấy vợ gả chồng nó có chịu nghe đâu. Cái gì là giảm hủ tục mê tín, kế hoạch hóa gia đình chứ. Người Mông ta bao đời sống ở Pu Quai này đã ai làm như thế chưa. Vậy mà nó dám tuyên truyền để bà con ta bỏ hết những điều đó. Đáng đời lắm.
Thầy mo Gà Mà nói một thôi một hồi như muốn chứng minh chân lý của mình cho mọi người hiểu, nhưng người ta đang lo bàn tán nên cũng chẳng ai để ý nhiều đến lời của lão, mặc kệ lão tức tối chạy về nhà đóng sầm cửa lại.
***
Sáng tinh mơ hơn mười năm trước, khi sương mù còn bao phủ khắp thung lũng Nậm Pu, một thanh niên dáng người mảnh khảnh, vai khoác một chiếc ba lô nhỏ, tay cầm đèn pin dò dẫm, men theo các bụi cây ven đường đến Pu Quai. Những người dân ở bản ban đầu nhìn thấy anh lấm lem bùn đất còn tưởng là kẻ xấu từ bên kia biên giới chạy sang đây. Thả chiếc ba lô xuống đất, chàng thanh niên vừa thở dốc vừa nói:
- Xin chào bà con dân bản ạ. Con là thầy giáo Đạo. Bắt đầu từ hôm nay con sẽ ở đây dạy học cho học sinh bản mình.
Mọi người bắt đầu ồ lên hỏi thăm, giúp anh mang đồ đạc đến trường. Mấy tuần nay, không có giáo viên đứng lớp nên sân trường bám dày một lớp lá. Chiếc cổng trường được rào lại bằng mấy thanh gỗ tạm bợ cũng lung lay như chính lòng Đạo lúc này vậy. Anh hết nhìn cảnh trường lớp rồi nhìn đến đám trò nhỏ mà thốt lên: "Đây là nơi mình bám trụ lại để dạy học ư?". Bất giác, một nỗi ngán ngẩm trào dâng khiến Đạo thở dài.
Buổi dạy học đầu tiên đến với Đạo chán ngắt. Anh đứng trên bục giảng như kẻ không hồn. Ở bản nhỏ này chỉ vỏn vẹn gần hai lăm học sinh đủ mọi lứa tuổi. Nhìn chúng ăn mặc rách rưới, mặt mũi lấm lem Đạo không khỏi buồn lòng. Anh từng nằng nặc xin bố mẹ được lên vùng cao dạy học nhưng không nghĩ bây giờ mình lại ở trong hoàn cảnh này. Bất chợt, một học sinh nữ chừng mười ba tuổi, khuôn mặt xinh xắn đứng dậy lễ phép:
- Thưa thầy, hôm nay cho em xin về sớm được không ạ?
- Đang học em xin về làm gì? - Đạo bất giác lớn tiếng.
Nghe giọng thầy, cô học trò nhỏ bỗng nhiên rụt rè sợ hãi. Nó lí nhí chẳng nói nên lời:
- Dạ… dạ thưa thầy hôm nay nhà em làm vía cúng ma cho đứa em nhỏ đang bị ốm thầy ạ. Bố mẹ bắt em phải về để lo công việc.
- Cúng ma gì mà cúng ma. Thời buổi nào rồi còn có việc này hả? Em về thì hôm sau đừng đến lớp nữa nghe chưa?
Đạo nổi nóng đập tay lên bàn rồi đuổi cô học trò ra khỏi lớp. Trong lòng anh trào dâng một nỗi bực tức mà chính anh cũng không hiểu nổi. Nỗi bực ấy cứ vón cục lại, lớn dần như một khối u chẹn ngang lồng ngực khiến cả ngày hôm ấy anh biến thành một người khác hẳn với cái dáng vẻ hiền lành vốn có của mình. Cô học trò đáng thương gạt vội giọt nước mắt lăn trên má, im lặng ra khỏi lớp rồi chạy như bay đến khi mất hút khỏi tầm nhìn của thầy giáo.
Hôm sau, rồi hôm sau nữa vẫn không thấy Y Chia, cô học trò bị Đạo đuổi học đến lớp. Anh bắt đầu thấy lo lắng. Dò hỏi học sinh trong lớp thì các bạn đều lắc đầu. Chờ hết buổi học, Đạo lần đường tìm đến nhà Y Chia. Căn nhà gỗ đơn sơ nằm lẻ loi bên một góc đồi vẫn còn thoang thoảng mùi hương trầm sau ngày cúng. Phía trước cửa đóng một chiếc cọc, trên đó có cắm mấy lá cây để báo hiệu người lạ không được phép bước vào nhà khi gia chủ đang trong ngày kiêng cúng ma. Đạo chỉ dám đứng ngoài để gọi. Y Chia bước ra, trên tay là đứa em nhỏ mới hơn tuổi đang nằm ngặt nghẽo, mặt đỏ gay, môi tím ngắt, người lả đi. Thấy thầy giáo, nó định bụng quay lưng bỏ chạy vào nhà. Đạo vội vàng an ủi:
Y Chia, thầy đến để xin lỗi em và mong em đi học trở lại. Mấy hôm nay không có em cả lớp cũng buồn lắm.
Nghe tiếng thầy, Y Chia quay lưng lại rơm rớm nước mắt:
- Em nhỏ của em đang ốm thầy ạ, nó bị sốt bốn, năm ngày nay rồi. Bố mẹ mổ lợn mời thầy mo Gà Mà về cúng ma nhưng vẫn không khỏi. Giờ bố mẹ lên nương rẫy cả, em phải ở nhà trông em.
Đạo tiến lại gần cô trò nhỏ. Sờ tay lên trán đứa bé đang nằm trong tay Y Chia, trán nó nóng như lửa. Anh đoán khả năng cao nó sẽ bị co giật nếu không hạ sốt kịp thời. Đạo vội vàng đỡ lấy đứa bé rồi bảo học trò lấy khăn ướt lau sạch sẽ khắp người nó. Xong đâu đó anh dặn Y Chia đứng đợi rồi chạy ù về trường mang thuốc hạ sốt đến. Một lúc sau thấy bé đã bớt nóng, mặt mày tươi tỉnh trở lại anh mới yên tâm trở về và không quên dặn học trò ngày mai đến lớp.
Hôm sau, khắp nơi trong bản Pu Quai đều đồn ầm lên rằng thầy giáo Đạo có tài chữa bệnh đã giúp con nhà Chứ Xồng thoát khỏi tay ma rừng. Chỉ có thầy mo Gà Mà phủ nhận điều đó. Lão luôn miệng nói đứa bé nhà Chứ Xồng khỏi bệnh là do mình làm phép đuổi ma. Đạo không quan tâm đến điều đó. Gặp mọi người anh đều bảo: "Bà con ốm đau phải đến trạm xá khám và lấy thuốc chứ. Bệnh là do con virus gây ra chứ chẳng do con ma nào cả đâu". Lời nói của Đạo đến tai Gà Mà khiến lão tức tối. Bao nhiêu năm nay lão bỏ tiền ra học nghề thầy cúng kiếm miếng cơm, vậy mà giờ lại bị một thầy giáo mới đến đạp đổ. Lão không cam tâm.
Một đêm mùa đông, gió ngoài trời thổi vi vút như muốn hất tung căn phòng lợp bằng tranh tre của thầy giáo trẻ. Đạo ngồi thu mình trong chiếc chăn quấn chặt lấy chiếc áo ấm dày cục để chống lại cái lạnh. Xứ sở Pu Quai mùa này không chỉ có gió mà sương mù cũng phủ dày đặc. Từng đợt gió len lách qua những tấm ván luồn vào căn phòng nhỏ của Đạo. Cái lạnh ở đây thật đáng sợ, nó bám lấy quần áo, da thịt y như con vắt xanh ở rừng chỉ chực chờ có người là nhảy vào hút máu. Đạo sắp tắt đèn đi ngủ thì chợt có tiếng hớt hải ngoài cửa:
- Thầy Đạo ơi, thầy nhanh đi cứu Y Kia đi. Nó sắp bị người ta bắt về làm vợ, họ đang định chạy xuống khỏi bản kia kìa.
Đạo choàng ra khỏi tấm chăn, vội vàng cầm lấy chiếc đèn pin chạy ra khỏi phòng trong đêm tối đen đặc. Trời mưa phùn rét buốt, con đường nhỏ bình thường đã khó đi nay càng trơn như mỡ. Đạo cứ nhằm thẳng về phía cuối bản mà chạy. Kia rồi, một cô gái đang cố gắng vùng vẫy để thoát khỏi tay của hai trai bản. Qua ánh đèn, Đạo biết đó là Y Kia, anh lớn giọng:
- Thả Y Kia ra ngay. Em ấy chưa đủ tuổi lấy chồng. Nếu còn không buông tôi báo công an xã đến giải quyết.
Nghe đến hai từ "công an", hai trai bản vội vàng thả Y Kia ra và lặn vào bóng tối. Chưa hết sợ hãi, cô học trò nhỏ ngồi thụp xuống đất khóc nức nở. Đạo lấy chiếc áo ấm đang mặc quàng lên người Y Kia an ủi rồi đưa em về nhà.
Hôm sau, từ đầu bản đến cuối bản đã rộ lên tin thầy giáo Đạo ngăn trai bản bắt vợ. Thầy mo Gà Mà hùng hồn trước đám đông:
- Trai gái người Mông ta từ bao đời nay cứ mười ba tuổi trở lên là bắt đầu dựng vợ, gả chồng. Cha ông ta cũng làm như thế, đến nay con cháu cứ theo có sao đâu. Nay thầy giáo người Kinh đến phá hỏng phong tục của ta. Nhất định phải đuổi nó ra khỏi bản thôi bà con ơi.
Đám đông bắt đầu xì xào. Người bảo không được đuổi thầy Đạo, kẻ lại cho thầy mo Gà Mà nói có lý. Bỗng từ đám đông, Y Kia chạy ra nức nở:
- Không được đuổi thầy con. Con chưa muốn lấy chồng, họ bắt con đi nhưng con không muốn. Là thầy đã giải thoát cho con, nếu phải lấy chồng bây giờ con đi ăn lá ngón cho rồi.
Tiếng bàn tán xôn xao bỗng nhiên im bặt. Đạo từ tốn đứng lên trước nói:
- Thưa bà con, các em đang tuổi ăn học đã biết gì đâu mà bắt chúng nó lấy vợ lấy chồng. Bà con thử nhìn xem, những người lấy vợ lấy chồng tuổi này đã có ai sung sướng chưa. Pháp luật quy định rồi, nữ từ mười tám, nam từ hai mươi tuổi trở lên mới được kết hôn. Ai làm trái là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý đấy.
Nghe nói đến pháp luật, mọi người đều không ai dám lên tiếng. Thầy mo Gà Mà thấy không ai nói gì nữa liền lẩn vào đám đông rồi mất hút.
***
Sáng hôm nay, sương tan nhanh, mặt trời lên sớm báo hiệu một ngày nắng ấm. Trên mái nhà lợp bằng gỗ sa mu dát lên sắc màu bàng bạc như mật của con ong đầu mùa. Từ đầu bản vang lên tiếng nói cười rộn rã. Một vài đứa trẻ con í ới gọi nhau: "Chúng mày ơi! Ra mà xem, thầy Đạo về rồi này". Nghe tiếng lũ trẻ, mọi người đổ dồn cả về phía ấy. Đạo trở về sau bốn ngày xa lũ học trò, anh tiến lại vuốt tóc từng đứa hỏi thăm như người cha mới đi xa lâu ngày trở về nựng nịu đứa con của mình. Bên cạnh, hai anh công an cùng mấy cán bộ của xã cũng đang mỉm cười. Mọi người chưa hiểu ra chuyện gì thì một anh công an đã lên tiếng:
- Thưa bà con, mấy hôm nay chúng tôi mời thầy Đạo đến để phối hợp làm rõ một số trường hợp vi phạm pháp luật trong bản. Bắt vợ là hành vi cưỡng ép, bắt vợ khi chưa đủ tuổi kết hôn phải chịu hình phạt của pháp luật đấy bà con ạ. Cũng may có thầy Đạo nên chúng tôi mới giải quyết được nhiều trường hợp, ngăn không để họ đi vào con đường sai trái. Đề nghị bà con cho một tràng vỗ tay.
Mọi người đều hân hoan. Những tràng vỗ tay vang lên xua tan bầu không khí lạnh lẽo nơi bản nhỏ. Chỉ có thầy mo Gà Mà đứng im. Lão lặng lẽ trở về thu mình trong bóng tối căn nhà dán đầy những lá bùa cúng ma. Đạo nhìn bà con, rồi dắt tay đám học trò đi về phía lớp. Mặt trời đã lên trên đỉnh Pu Quai, một ngày mới lại bắt đầu.
Bình luận (0)