(TNO) Trung Quốc đang tỏ rõ quyết tâm trong việc triển khai chiến dịch “Săn Cáo”, chiến dịch truy bắt quan chức tham nhũng lẩn trốn ở nước ngoài. Tuy nhiên, mật vụ nước này sẽ làm được gì khi phát hiện ra “con mồi” tại Mỹ như trường hợp em trai của Lệnh Kế Hoạch?
Lệnh Hoàn Thành, em trai của Lệnh Kế Hoạch, cựu Chánh văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - Ảnh Want China Times |
Mới đây tại thành phố Plano, bang Texas, có 2 người đàn ông tự nhận là đại diện chính quyền Trung Quốc tiếp cận một giáo viên dạy toán người Mỹ gốc Hoa để hỏi địa chỉ nhà ông Lệnh Hoàn Thành, em trai của cựu Chánh văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lệnh Kế Hoạch, tờ Wall Street Journal (Mỹ) ngày 18.8 cho hay.
Doanh nhân giàu có Lệnh Kế Hoạch được báo chí Mỹ gọi là “kẻ đào tẩu nguy hiểm nhất lịch sử Trung Quốc” vì ông này nắm giữ nhiều bí mật quốc gia hệ trọng và được cho là đã trốn sang Mỹ.
Hai người này nói với giáo viên dạy toán người Mỹ rằng vợ cũ của ông làm hôn thú giả với Lệnh Hoàn Thành, đồng thời cáo buộc ông Lệnh đã tuồn trái phép một số tiền cực lớn sang Mỹ.
Bắc Kinh hiện chưa công khai cho biết doanh nhân này phạm tội gì, nhưng người anh trai Lệnh Kế Hoạch đã bị khai trừ khỏi đảng, với cáo buộc vi phạm pháp luật và kỷ luật, trong đó có việc tiếp cận trái phép một lượng lớn “thông tin mật” của đảng và nhà nước.
Tuy nhiên, giới chuyên gia pháp lý nhận định đặc vụ ngầm Trung Quốc chẳng thể làm được gì nhiều ngay cả khi họ lần ra được tung tích Lệnh Hoàn Thành tại Mỹ, vì giữa Bắc Kinh và Washington không có hiệp ước dẫn độ.
Trong tình huống này, đặc vụ Trung Quốc chỉ có hai lựa chọn để hoàn thành nhiệm vụ áp giải người đào tẩu về nước. Đó là tìm ra chổ trú ngụ, rồi thuyết phục kẻ đào tẩu hồi hương, có thể bằng cách đe dọa sẽ gây áp lực cho thân nhân của người này ở quê nhà. Cách thứ hai là tìm cách khiến họ bị truy tố vì một tội danh nào đó tại Mỹ, rồi buộc họ phải thương lượng, Wall Street Journal dẫn bình luận của nhiều luật sư và chuyên gia pháp lý có kinh nghiệm xử lý những vụ việc tương tự.
Một người đào tẩu Trung Quốc bị dẫn độ về nước sau khi bỏ trốn sang Cananda - Ảnh: Reuters |
“Phải là do (người đào tẩu) tự nguyện nộp mình”, ông Phó Hoài Linh, giáo sư luật tại trường Đại học Hồng Kông, cho hay. Ông cho biết đã từng thảo luận về vấn đề này với một điều tra viên tội phạm kinh tế của Bộ Công an Trung Quốc.
Giáo sư Phó cho biết điển hình của trường hợp nói trên là vụ Dư Chấn Đông, cựu chủ tịch một ngân hàng ở Trung Quốc. Sau khi biển thủ 485 triệu USD, ông Dư và hai đồng sự trốn sang Mỹ và đã cố gắng rửa số tiền bẩn tại các sòng bài ở Las Vegas.
Bị bắt tại Los Angeles, ông Dư đã xin thương lượng vào năm 2004 và nhận tội kiếm tiền thông qua các hoạt động phạm pháp. Cựu chủ tịch ngân hàng này được dẫn độ về Trung Quốc sau khi Bắc Kinh cam kết sẽ không bỏ tù ông quá 12 năm và không tuyên án tử hình.
Trong một trường hợp khác, hồi tháng 5, cơ quan nhập cư Mỹ thông báo đã bắt giữ ông Yang Xiuzhu, cựu quan chức thành phố Ôn Châu, người đang bị truy nã tại Trung Quốc vì tội biển thủ công quỹ. Ông Yang bị phía Mỹ liệt vào diện sẽ bị trục xuất vì vi phạm các quy định về thị thực.
Tuy nhiên, đối với những người đào tẩu Trung Quốc không phạm bất kỳ tội gì ở Mỹ và đang cư trú hợp pháp tại đây, Bắc Kinh có rất ít biện pháp để buộc họ hồi hương, Wall Street Journal dẫn lời ông Ronald Cheng, cựu luật sư liên bang Mỹ, cho biết.
Đề cập về trường hợp Lệnh Hoàn Thành, ông Cheng bình luận rằng kết hôn giả có thể bị xem như một vụ án hình sự, tùy vào quyết định từ phía công tố.
“Trong nhiều trường hợp, vi phạm này có thể không quá nghiêm trọng, nhưng vẫn có khả năng bị xem là có liên quan đến một vi phạm pháp luật lớn hơn. Trong trường hợp đó, nhiều khả năng cơ quan truy tố sẽ xem xét vụ này”, cựu luật sư chính phủ Mỹ cho hay.
Bình luận (0)