(TN Xuân) Khi dải voan xanh ánh xám đá như mây chiều được căng lên dây phơi cũng là lúc Vũ Thảo nghe tiếng chân chạy trên nền đất bịch bịch. “Thảo, em đã làm chết cả thùng chàm của chị rồi”, tiếng chị Quý - người phụ nữ Nùng đã cho nhà thiết kế mượn thùng men chàm để nhuộm vải...
Thời trang của Thảo được làm từ vật liệu thiên nhiên
|
Cả nhóm của chị Quý, chị Nhất và nhiều người nữa đã rất vui ngay từ khi đón Vũ Thảo ở bến xe. Họ rúc rích cười khi Thảo vừa đặt chân xuống đất Cao Bằng. Lúc đầu còn giữ ý, sau đó họ cười mau hơn, dày hơn. Cuối cùng, người chồng của chị Nhất lên tiếng: “Thảo, đây là mặc của con trai, không phải mặc của con gái”. Hôm đó, Thảo mặc một bộ quần áo Nùng, nhưng là của nam. Với những người Nùng, kiểu mặc của Thảo thật buồn cười. Nhưng sáng tạo mới trên nền kỹ thuật may của người thiểu số đã là sở thích của cô từ rất lâu.
Thảo quen với nhóm chị Quý, Nhất qua một hội chợ đồ thủ công của người thiểu số tại Bảo tàng Dân tộc học. Trước đó, suốt thời sinh viên ở Học viện Thời trang London (Anh), cô cũng đã mặc những trang phục dân tộc Nùng rồi. Đơn giản, chỉ vì cô mê các sắc chàm trên trang phục ấy. “Nhìn nó xúc động vô cùng”, Thảo nói.
Màu sống từ thùng chàm chết
Nhưng tới lúc cùng nhau làm ra những mảnh vải chàm thì không chỉ cười, chị Quý còn ức phát khóc, đôi lúc thấy xót xa, thậm chí hoang mang. Thay vì làm kiểu truyền thống để ra chàm đen, chàm nhạt của người Nùng, Thảo lại nhắm tới những sắc màu chàm khác. “Thảo, nếu Thảo ở đây, nhuộm vải xấu thế này, không ai lấy Thảo làm vợ đâu”, chị Nhất nhiều lần nói với Thảo như thế.
Theo tục lệ, mỗi người phụ nữ Nùng đều có một thùng chàm trong nhà, ở tầng hai nhà sàn, cùng với người, bất chấp mùi của thứ men nấm trên lá này rất nặng. Thùng chàm như một cơ nghiệp nhỏ. Họ tự tay nhuộm vải may trang phục cho gia đình.
Thùng chàm nhà chị Quý to lắm, cao đến 1 m. Biết Thảo thạo kỹ thuật nhuộm của người Nùng, chị Quý cho phép cô sử dụng thùng chàm ấy. “Tôi bảo với chị, em muốn thử nhuộm cotton voan. Cách nhuộm truyền thống rất có thứ tự. Người ta trải vải lên bề mặt thùng chàm để màu thấm dần. Họ có cái giá để vải nhúng xâm xấp vào màu. Hôm sau phơi tiếp rồi lại nhúng. Nhưng tôi không làm thế. Tôi thò cả tay vào khoắng thùng chàm rồi nhúng miếng vải hơn chục mét vào. Vải lên màu ngay như tôi muốn. Sắc xanh và hơi pha xám đá”, Thảo kể.
Mảnh vải phơi lên, khô lại, vẫn giữ màu như thế, tuy không giống như truyền thống của người Nùng song lại đẹp đúng như Thảo muốn. Thảo hạnh phúc. Những người làm phát triển cộng đồng đi cùng cô cũng hân hoan ngắm dải lụa đá đó. Rồi họ nghe thấy tiếng chân chạy bịch bịch vang lên, rồi giọng chị Quý hơi ngắt ngắt từng quãng: “Thảo, em làm chết thùng chàm của chị rồi”. Cú khoắng thùng chàm của Thảo mang lại màu chàm mới trên voan, nhưng nó cũng làm nấm trong thùng của chị Quý chết theo.
Vũ Thảo (giữa) trong buổi trình diễn và sắp đặt thời trang mới nhất của cô Ảnh: nhân vật cung cấp
|
“Chị Quý sau đó cũng lên men lá, gây thùng chàm mới. Còn tôi, tôi đặt tên cho màu xanh xám đá đó là màu chàm chết. Đó là màu các bạn khách hàng nước ngoài vô cùng thích. Một màu xúc động”, Thảo nhớ lại.
Màu sắc cũng dần “thoát ly” truyền thống. Củ nâu không chỉ để nhuộm nâu. Nó còn dùng để pha vàng, hay gạch non rực rỡ. Sắc xanh sẫm của chàm giờ cũng biến chuyển qua nhiều tông sáng hơn, linh hoạt. Chỉ có điều duy nhất không thay đổi là ở châu Âu, khách vẫn dùng quả bồ hòn để giặt quần áo này như xưa. Kèm theo các bộ sưu tập xuất ngoại là cả thùng bồ hòn để làm quà tặng. Khách nước ngoài rất mê cách giặt nửa thô sơ, nửa kỳ công ấy. Đúng hơn, họ mê những trầm lắng văn hóa nằm trong các kỹ thuật cổ đã được trao truyền.
Trình diễn thời trang sắp đặt
Thảo không phải người đi đầu trong cách học lại các chất liệu của người dân tộc. Nhưng cách học của cô thì khác. Thảo học kỹ thuật để có thể tự làm ra những mảng miếng đó, rồi dùng rất tiết chế trên mỗi thiết kế của mình.
Khi trình diễn các tác phẩm mình thiết kế, Thảo cũng không quá lệ thuộc vào sàn catwalk. Điều cô mong muốn nhất là mọi người biết đến cả quá trình dài mà những bàn tay tài khéo của bản Nùng, bản Mông trải qua, cho đến khi có được tấm vải đẹp đến thế, thân thiện đến thế. “Chỉ chục phút trên sàn catwalk thì không ai có thể hiểu nổi giá trị của sản phẩm đó”, Thảo nói.
Do đó, Thảo rất hay làm sắp đặt cho bộ sưu tập của mình. Khi ra mắt bộ thiết kế đầu tiên ở Module 7 (Hà Nội), Thảo bày thùng chàm và nhúng một chiếc áo sơ mi trắng vào đó, để chàm thấm dần. Nhờ đó, người xem hiểu cách thức nhuộm ra sao. Những khung dệt cũng được mang tới. Còn bộ sưu tập mới nhất có tên Hạt, Thảo làm sắp đặt tại Manzi (Hà Nội). Có những bức hình bộ sưu tập in lên chính vải may áo, rồi treo lên như những bộ tứ bình. Có trang phục trên những ma nơ canh mà đầu là chùm cây nhỏ, dưới chân là bãi đất với những củ nâu trồi lên mạnh mẽ. Đó là những cây lá đã dùng để nhuộm màu.
Sắp đặt thời trang của Thảo, một chiếc áo đang từ từ được nhuộm
|
Thời trang trong bộ sưu tập mới nhất của Thảo, có tên Hạt
|
Gieo hạt bền vững
Thảo thiết kế những chiếc áo có thể mặc hai mặt, hoặc mặc nhiều kiểu khác nhau, lúc bung vạt trước, lúc vắt thành tay áo choàng... “Người nước ngoài ưa các thiết kế linh hoạt. Chưa kể khi đặt tên nhãn hàng là Km 109, tôi muốn nhấn đến sự di chuyển. Mà người đi nhiều thì đương nhiên, họ muốn hành lý nhẹ nhất, gọn nhất. Trang phục thân thiện, đa năng có thể làm được điều đó. Sự đa năng cũng giúp khách hàng có thể tự sáng tạo kiểu mặc mình thích”, Thảo nói.
“Làm kỹ và trả công xứng đáng là điều tôi theo đuổi”, Thảo tâm sự. Trả công xứng đáng, theo cách của Thảo chính là theo đuổi chuẩn sản phẩm bền vững. Theo đó, ngoài tiền lương người lao động không được làm quá giờ. Họ cũng phải được bảo đảm các điều kiện lao động...
Năm 2014, Km 109 được Hội đồng Anh trao giải thưởng lớn nhất cho doanh nghiệp sáng tạo. Từ những hạt cỏ, lá cây, Thảo đã mang tri thức bản địa cổ truyền ra thế giới. Không phải chỉ để giới thiệu “thi xong xuôi tất cả lại về”, mà như một doanh nhân nghệ sĩ.
|
Bình luận (0)