Loại máu nhận tạo độc đáo này được các nhà khoa học tại Đại học Y khoa Quốc phòng ở thành phố Tokorozawa (Nhật Bản) phát triển. Trong thí nghiệm, họ đã thử truyền máu nhân tạo cho 10 con thỏ, theo Daily Mail.
Cả 10 con thỏ này đều bị mất máu nghiêm trọng. Khi được truyền máu, 6 con trong số đó đã sống và không xuất hiện tác dụng phụ. Nhóm khoa học cho biết tỷ lệ sống sót này là tương đương với việc dùng máu thật để điều trị.
Họ tin rằng phát minh đột phá có thể giúp cứu mạng nhiều người bằng cách truyền máu cho người bị thương ngay tại hiện trường. Trong khi đó, hiện tại, bệnh nhân phải được đưa về bệnh viện. Bác sĩ sẽ phân tích nhóm máu trước khi truyền.
Rất khó để cung cấp đủ lượng máu cần thiết để truyền cho những người bị bệnh hoặc gặp nạn ở những vùng đảo xa xôi. Chìa khóa có thể đến từ máu nhân tạo. Nó có thể giúp cứu sống nhiều sinh mạng, tiến sĩ Manabu Kinoshita, một trong những người tham gia nghiên cứu, cho biết.
Một chấn thương nặng có thể khiến bệnh nhân mất máu rất nhiều. Mất tiểu cầu làm máu chậm đông, trong khi tế bào hồng cầu thất thoát ra ngoài khiến không thể mang ô xy đến các cơ quan quan trọng. Do đó, việc truyền máu có ý nghĩa sống còn với bệnh nhân, theo Daily Mail.
Bác sĩ trước khi truyền phải xác định nhóm máu và phải truyền đúng nhóm máu. Nhóm máu được phân chia dựa theo các protein gọi là kháng thể và kháng nguyên.
Máu nhân tạo của các nhà khoa học Nhật lại có thể truyền được cho mọi loại máu. Truyền thông không tiết lộ bằng cách nào mà nhóm nghiên cứu khắc phục được vấn đề khác biệt về nhóm máu.
Ở nhiều nước, nhân viên cứu hộ đã tìm mọi cách để nâng cao khả năng sống sót cho người bị thương. Tại Anh, các nhân viên cứu hộ trực thăng thường mang theo nhóm máu O- đến hiện trường.
Đây là nhóm máu có thể được truyền cho hầu hết các nhóm máu khác. Điều này có nghĩa là O- cũng rất hiếm vì cầu luôn vượt xa cung, theo Daily Mail.
Bình luận (0)