Họa sĩ Đỗ Hữu Khôi đã chia sẻ một bảng màu ấm trong triển lãm Gặp gỡ 2024, nơi anh và họa sĩ Phạm Văn Trọng cùng nhau bày tranh từ 1 - 8.8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Phạm Bình Chương là người tuyển chọn 33 tác phẩm trưng bày tại đây. Đỗ Hữu Khôi có những mảng miếng màu hồng lặng lẽ dịu dàng, nhưng cũng có những mảng màu vàng - cam - xanh đan xen nhau trong một nhịp điệu nhanh và gấp…
Trong suốt 10 năm vẽ, Đỗ Hữu Khôi đã trải qua nhiều tốc độ vẽ khác nhau. Thời kỳ đầu tiên, anh vẽ bột màu, một chất liệu mang lại hiệu ứng trong trẻo trong tranh. Bột màu cũng giúp anh có thể thể hiện cảm xúc, hoàn tất việc thể hiện cảm xúc nhanh hơn, trọn vẹn hơn. Những tác phẩm đầu tiên mà Đỗ Hữu Khôi bán được cũng vẽ trên chất liệu này.
Tuy nhiên, cùng với thời gian, kỹ thuật sơn dầu của Đỗ Hữu Khôi tốt dần lên và anh có thể dùng sơn dầu để kể trọn vẹn câu chuyện của mình trên toan nhiều hơn. "Giờ tôi thấy sơn dầu vẫn phù hợp nhất, tôi tự tin vẽ sơn dầu. Còn lúc điều kiện không cho phép thì tôi vẽ bột màu", Đỗ Hữu Khôi nói.
Những tác phẩm trong Gặp gỡ 2024 cho thấy Đỗ Hữu Khôi gửi trong đó tâm trạng, những gì mà phong cảnh hay đối thoại đó soi chiếu trong mình. Vì thế, bên cạnh bảng màu ấm của ánh sáng ban ngày, anh cũng vẽ những không gian nhỏ thể hiện tâm trạng.
Trong bức tranh mô tả hai người phụ nữ cùng ngồi bên bàn trà, họ có những tư lự riêng và tuy cùng ngồi đó nhưng dường như không có kết nối liên tục với nhau. Những dáng ngồi, thế tay trong tác phẩm được Đỗ Hữu Khôi ghi chép thường xuyên sau đó đưa vào tác phẩm.
"Không quá chú trọng đến kỹ thuật, bố cục lẫn hình họa nhân vật, mọi thứ trên tranh của Khôi dường như vụng về một cách tự nhiên không gò ép. Đặc biệt là những tranh anh tự họa khi già, khi trẻ, khi suy tư, khi yêu đời. Những bức tranh anh vẽ nhân vật đơn hay đôi cũng vậy, giữa họ và không gian là một cuộc đối thoại tự thân khá thú vị", nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền viết về tranh Đỗ Hữu Khôi.
Theo nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền, nếu tranh của Đỗ Hữu Khôi gây chú ý với sắc vàng thì tranh của Phạm Văn Trọng tạo dấu ấn với những vệt màu ấn tượng và cách tạo khối.
"Ta có thể nhìn thấy ẩn giấu đâu đây trong những nét vẽ về núi, cây và những ngôi nhà. Những lớp màu tương phản ẩn hiện đan xen tạo nên những cảm xúc về nắng, về gió về sương hay cái se se lạnh lạnh của ánh trăng tĩnh tại...", nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền nhận xét.
Sau triển lãm, hai họa sĩ Đỗ Hữu Khôi và Phạm Văn Trọng dự định trích 10% số tiền bán tranh để ủng hộ Quỹ nữ sinh vùng cao. Họ muốn các em có nhà vệ sinh sạch sẽ và đồ dùng sinh hoạt.
Bình luận (0)