Mâu thuẫn học phí online giữa nhà trường và phụ huynh: Thế nào là 'tự thỏa thuận' ?

01/05/2020 08:14 GMT+7

Đã không có sự thống nhất giữa phụ huynh và nhà trường về vấn đề học phí online trong thời gian học sinh ở nhà vì dịch Covid-19 .

Những ngày vừa qua, phụ huynh nhiều trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài liên tục gửi đơn cầu cứu, kiến nghị lên Bộ GD-ĐT, UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM về học phí online. Có trường, ngoài việc gửi đơn, phụ huynh còn cùng nhau đến trường kiến nghị.
Ở đây đã không có sự thống nhất giữa phụ huynh và nhà trường về vấn đề học phí  online trong thời gian học sinh ở nhà vì dịch Covid-19.
Phía các trường cho rằng vẫn phải trả lương cho đội ngũ giáo viên, nhân viên, cũng phải đầu tư cho chương trình học online từ cơ sở hạ tầng đến nhân lực để đào tạo trực tuyến... Ngoài ra, giáo viên cũng phải bỏ ra thời gian, công sức gấp nhiều lần khi dạy online so với việc dạy bình thường.
Vì vậy, lãnh đạo nhiều trường vẫn quyết định không hoàn học phí học kỳ 2 năm học 2019 - 2020 (có các tháng học sinh học online) và ra thông báo thu học phí năm học mới. Có trường sau nhiều phản ứng của phụ huynh, đưa ra mức hoàn trả học phí online nhưng lại quá thấp so với đề nghị của phụ huynh nên cũng không được sự đồng thuận.
Phía phụ huynh cho rằng qua việc quan sát cũng như học cùng con, theo họ chất lượng đào tạo online không như kỳ vọng, không đáp ứng yêu cầu, không so được với việc học bình thường. Học phí trường thu trong thời gian này còn bao gồm cả những khoản như trông trẻ, học các môn nghệ thuật, thể chất... mà học online không thể thay thế được. Mức học phí mà phụ huynh đang đóng lên đến hàng trăm triệu đồng/năm. Từ đó, phụ huynh đề nghị trường học phải giảm học phí cho con em ở những thời điểm học sinh nghỉ học ở nhà, phải học online.

Phụ huynh phản ứng, Trường Sao Việt hoàn 100% học phí học trực tuyến

Ngày 30.4, Trường Sao Việt (VStar School) đã có thư ngỏ đăng trên website của trường và gửi phụ huynh, trong đó có nội dung hoàn 100% học phí trong thời gian học sinh học trực tuyến. Hiện tại, Sở GD-ĐT TP.HCM đã nhận đơn kiến nghị, cầu cứu của phụ huynh: Trường Sao Việt (VStar School), Trường quốc tế Việt Úc (VAS), Trường quốc tế Úc (AIS) và đã đề nghị các trường giải trình.
Phụ huynh cũng cho rằng trường không chia sẻ với phụ huynh, những người cũng bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Không những chưa thống nhất về việc có giảm hay giảm tỷ lệ bao nhiêu học phí online mà ngay cả khi chưa biết thời điểm chính thức học sinh đi học lại, trường đã thông báo thời hạn yêu cầu phụ huynh đóng tiền năm học mới.
Dịch Covid-19 khiến tất cả mọi người đều bị động và lúng túng. Học sinh không đến trường, học online trở thành giải pháp tạm thời khi không còn cách nào khác. Chất lượng dạy và học online chưa như kỳ vọng. Học phí online thu như thế nào cũng chưa có tiền lệ...
Chính cơ quan quản lý cũng lúng túng trước phát sinh mới này. Theo ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT), các dịch vụ hỗ trợ học online và hướng dẫn học trong thời gian nghỉ dịch là dịch vụ phát sinh ngoài chương trình học chính khóa, do đó việc này phụ huynh học sinh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau, không tính bù vào chương trình học và thu học phí thêm. Các Sở GD-ĐT cũng căn cứ vào đây hướng dẫn các trường và phụ huynh “tự thỏa thuận” về mức thu học phí online. Tuy nhiên, phụ huynh, thậm chí là các trường, đang cần nhiều hơn thế! Với cụm từ “tự thỏa thuận”, cụ thể ra sao mới gọi là đồng thuận? Nếu trường tự ý quyết định mức học phí, phụ huynh không đồng ý sẽ tìm đến đâu để bảo vệ quyền lợi cho mình?
Những mâu thuẫn nói trên, đặc biệt về học phí online,  cần phải giải quyết một cách triệt để. Thế nên, các cơ quan quản lý giáo dục không thể im lặng trước diễn biến này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.