'Mấy ai xem quảng cáo thuốc đủ trình độ đánh giá có phóng đại hay không?'

26/06/2024 17:19 GMT+7

Đại biểu Quốc hội lo việc quảng cáo thuốc đang thực hiện cơ chế tiền kiểm mà còn vướng mắc, khi chuyển sang hậu kiểm, cơ quan chức năng không kiểm soát nội dung thì có quản lý được hay không?

Chiều 26.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược. Một trong các quy định được nhiều đại biểu quan tâm là hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc.

Dự thảo luật đề xuất thay đổi cơ chế từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với hoạt động thông tin và quảng cáo thuốc. Các nội dung quảng cáo thuốc không cần yêu cầu phải được Bộ Y tế xác nhận.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, việc đặt ra sự thay đổi trong cơ chế quản lý hoạt động quảng cáo thuốc nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, song đề nghị "rất nên cân nhắc".

'Mấy ai xem quảng cáo thuốc đủ trình độ đánh giá có phóng đại hay không?'- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng quảng cáo thuốc cần được tiền kiểm vì người dân không đủ trình độ chuyên môn để thẩm định

GIA HÂN

Theo đại biểu Hải Dương, hiện cơ chế quản lý "tiền kiểm" vẫn đang áp dụng đối với quảng cáo thuốc và các thực phẩm chức năng. Song thực tế, hoạt động quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng vẫn tồn tại rất nhiều bất cập.

Bà Nga dẫn chứng nhiều quảng cáo phóng đại, gây nhầm lẫn, thậm chí lừa dối người tiêu dùng tràn lan trên các kênh thông tin khác nhau, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội, gây bức xúc trong cử tri và nhân dân.

"Thực hiện chế độ tiền kiểm mà chúng ta vẫn còn đang vướng, khó quản lý như vậy thì liệu rằng khi chuyển sang chế độ hậu kiểm, chúng ta có thể quản lý được không?", bà Nga nêu.

Bên cạnh đó, hoạt động quảng cáo thuốc có tính chất rất khác với các nội dung mà chúng ta đã từng đặt ra vấn đề hậu kiểm như phim chiếu trên không gian mạng tại luật Điện ảnh. Bà Nga cho rằng, quảng cáo thuốc thì lại khác.

"Mấy ai trong số những người xem quảng cáo có đủ trình độ chuyên môn để đánh giá xem một sản phẩm thuốc hình thành từ các thành phần khác nhau có công dụng như thế nào, có tác dụng đến đâu để đánh giá được quảng cáo đó có vi phạm, có phóng đại, có gây nhầm lẫn hay không", bà Nga nêu.

Theo nữ đại biểu, dù quảng cáo thuốc có vi phạm, người tiếp cận quảng cáo cũng khó có thể phát hiện ra để phản hồi tới các cơ quan có thẩm quyền xử lý. Đây là lý do việc thực hiện chế độ hậu kiểm sẽ rất khó khăn.

Do đó, nữ đại biểu đề nghị vẫn tiếp tục duy trì chế độ hậu kiểm như hiện nay. Đồng thời cũng cần tăng cường công tác thêm hậu kiểm để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động quảng cáo thuốc và các thực phẩm chức năng trong thời gian tới.

Quảng cáo thuốc trên truyền thông chính thống cũng nói quá sự thật

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM Nguyễn Trí Thức cũng đề nghị tiền kiểm thay vì hậu kiểm đối với việc quảng cáo thuốc. "Quảng cáo thuốc hiện nay, kể cả trên phương tiện truyền thông chính thống vẫn có những quảng cáo nói quá sự thật, nói lố hơn tác dụng thật. Tôi đề nghị những nội dung này phải được sở y tế, Bộ Y tế cho phép hoặc xem trước, kiểm nghiệm trước khi được quảng cáo trên phương tiện truyền thông đại chúng", ông Thức nói.

'Mấy ai xem quảng cáo thuốc đủ trình độ đánh giá có phóng đại hay không?'- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, phát biểu chiều 26.6

GIA HÂN

Đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) cho rằng việc quảng cáo bán thuốc đang bùng nổ trên các nền tảng mạng xã hội với việc quảng cáo không đúng sự thật về công dụng, thổi phồng tác dụng của thuốc, bán thuốc giả, đánh đồng giữa thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng… Điều này đang làm nguy hại đến sức khỏe của người dân, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng và một mức độ nào đó đã ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế.

Để giải quyết vấn đề này, đại biểu đoàn Đắk Nông đề nghị cần nghiên cứu xây dựng các quy phạm chặt chẽ hơn trong quảng cáo, kinh doanh thuốc.

Luật Dược 2016 hiện hành quy định, việc quảng cáo thuốc thực hiện theo đúng nội dung quảng cáo đã được Bộ Y tế xác nhận và theo quy định của pháp luật về quảng cáo có liên quan.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo thuốc, Bộ Y tế thẩm định và cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc. Trường hợp không cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo hoặc có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung quảng cáo, Bộ Y tế phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Dự thảo luật bỏ quy định về nội dung quảng cáo thuốc phải được Bộ Y tế xác nhận mà chỉ yêu cầu việc quảng cáo thuốc thực hiện theo pháp luật về quảng cáo cùng một số các yêu cầu cụ thể như nội dung quảng cáo thuốc phải đúng với mẫu nhãn và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc được Bộ Y tế phê duyệt.

Dự thảo luật cũng quy định không được sử dụng các thông tin, hình ảnh, câu từ vượt quá, gây hiểu nhầm, tạo ra cách hiểu không đúng hoặc suy diễn quá mức về tên thuốc, thành phần, tác dụng, chỉ định, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc đã được phê duyệt để quảng cáo thuốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.