Điểm mới tích cực nhất của bản dự thảo môn văn trong chương trình giáo dục phổ thông mới, theo chúng tôi, là cách xây dựng chương trình theo hướng mở, phát huy những kỹ năng thiết yếu của người học, hướng đến việc ứng dụng của môn ngữ văn trong việc tạo lập các văn bản, cập nhật thêm nhiều văn bản đương đại được người trẻ yêu thích, dành thời lượng chương trình cho việc thực hiện chuyên đề dạy học...
Tuy nhiên, chúng tôi thấy còn băn khoăn về một số điểm và việc áp dụng vào thực tế ở nhà trường sau đây:
Việc đưa các tác phẩm hiện hành ở những lớp cao xuống các lớp dưới (như Tuyên ngôn độc lập - Hồ Chí Minh, Hồn Trương Ba, da hàng thịt - Lưu Quang Vũ...) liệu có quá sức cho học sinh THCS, nếu không muốn làm mất đi giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc của nó?
Các ngữ liệu gợi ý chưa cụ thể từng lớp, mà còn gộp chung lớp 6, 7; lớp 8, 9; lớp 10 - 12. Ở các lớp, dự thảo chỉ mới dừng lại ở chỗ gợi ý theo nhóm thể loại và xáo trộn ngẫu nhiên chứ chưa có sự sắp xếp khoa học. Phần này chúng tôi nghĩ nên chia ra cụ thể từng lớp, thậm chí từng học kỳ để giáo viên có sự đồng bộ trong việc lựa chọn ngữ liệu và dễ dàng thống nhất về kiểm tra đánh giá. Nếu hiệu quả hơn, nên chia các ngữ liệu này (một cách tương đối) theo các thời kỳ lịch sử văn học, trào lưu văn học, hoặc các cụm đề tài, chủ đề, kể cả văn học nước ngoài... Như vậy, sẽ giúp người dạy và người học dễ dàng hệ thống kiến thức.
Theo chương trình mới thì không có những bài khái quát văn học, khái quát lịch sử văn học như hiện hành. Mà thay vào đó là những bài học theo dạng đọc hiểu văn bản, được bố trí học ở lớp 9 và lớp 12, và được tìm hiểu với những kiến thức rất sơ giản. Theo quan sát của chúng tôi từ nhiều năm dạy phổ thông, những học sinh vững về kiến thức môn văn thường nắm rất rõ trước về lịch sử văn học. Vì thế, thiết nghĩ, nên đưa những bài học này lên đầu cấp (lớp 6 và 10), có thêm bài đọc hiểu về hệ thống, khái quát.
Chương trình “mở” nhưng cần “mở” trong một giới hạn “đóng” như thế nào cho hợp lý. Vì vậy, không thể không khống chế trong việc tùy tiện lựa chọn ngữ liệu từ phía giáo viên, nhất là từ học sinh, để nhằm tránh sự chồng chéo lựa chọn văn bản. Hoặc chiều theo sở thích người học, giới trẻ mà mất đi tính định hướng của giáo dục, “bỏ rơi” những tác phẩm có giá trị. Ngoài ra, chủ trương của ngành là xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cho nên cần có nhiều văn bản về văn hóa, phong tục... để giáo dục thế hệ trẻ.
Ngoài ra, việc kiểm tra đánh giá cũng phải có sự thống nhất, cụ thể theo tình hình của ngữ liệu mở.
Bình luận (0)