Máy bay Boeing 727 bán với giá...sắt vụn

09/02/2017 18:03 GMT+7

Được chấp thuận cho bán đấu giá sau 10 năm bị bỏ hoang tại sân bay Nội Bài, nhưng chiếc máy bay Boeing 727-200 sẽ chỉ có giá cao hơn... sắt vụn, do hư hại nhiều.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chấp thuận phương án đấu giá với máy bay Boeing 727-200 của hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA) bị bỏ lại tại sân bay quốc tế Nội Bài từ năm 2007.
Theo đó, Phó thủ tướng đồng ý xác lập quyền sở hữu nhà nước và phương án xử lý với máy bay này. Phó thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện bán đấu giá tài sản theo đúng quy định. Việc quản lý số tiền thu được từ việc bán đấu giá tài sản, sau khi trừ chi phí liên quan được nộp vào ngân sách nhà nước. Trong trường hợp số tiền thu được từ bán đấu giá không đủ để thanh toán các khoản chi phí, đề nghị hỗ trợ từ ngân sách.
Cục Hàng không mới đây đã trình Bộ GTVT kế hoạch bán đấu giá máy bay B727-200. Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) sẽ trực tiếp bán đấu giá máy bay, sau khi nhận được ủy quyền thực hiện từ Cục Hàng không, kinh phí sẽ do ACV tạm ứng và được hoàn lại sau khi bán. Về giá khởi điểm máy bay B727-200, ACV được phép thuê tổ chức tư vấn đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá, để xác định giá khởi điểm của máy bay, căn cứ vào tình trạng kỹ thuật hiện tại của máy bay.
Máy bay B727-200 của hãng hàng không Royal Khmer Airlines mang quốc tịch Campuchia, số hiệu đăng ký XU-RKJ, sau khi khai thác một vài chuyến, vì trục trặc kỹ thuật đã phải đỗ lại tại Nội Bài từ 1.5.2007. Cục Hàng không đã nhiều lần ra thông báo đề nghị RKA thu hồi, di chuyển máy bay và thanh toán các chi phí sử dụng bãi đỗ máy bay, nhưng tới nay vẫn chưa được phản hồi.
Do điều kiện sân đỗ hạn chế, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã phải bố trí máy bay này trên đường lăn S1A từ tháng 8.2008, đây là một trong các vị trí đỗ của phương án khẩn nguy, nằm trong phạm vi canh gác an ninh và thường được sử dụng bố trí linh hoạt cho máy bay đến dự hội nghị quốc tế lớn.
Theo Cục Hàng không, hãng RKA mới chỉ đặt cọc bằng tiền mặt 5.000 USD vào năm 2007 khi vào VN khai thác, trong khi đó, tổng phí các khoản thu từ máy bay này như dịch vụ sân đậu máy bay, dịch vụ bảo vệ máy bay, dự kiến theo tính toán của ACV đến tháng 8.2014 là 605.800 USD. Theo một ước tính, con số này tính đến đầu năm 2017 có thể lên tới xấp xỉ 800.000 USD.
 Mức giá chào bán một chiếc B727-200 (đang hoạt động) tương tự đăng trên Aircraft24.com được sản xuất tại Mỹ năm 1973 có giá 1,75 triệu USD. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Cục Hàng không, mức giá khởi điểm chiếc B727-200 tại Nội Bài khó có thể đạt mức cao như các máy bay đang sử dụng, lý do máy bay này đã bị bỏ hoang 10 năm nay, các bộ phận đã bị hư hại, không sử dụng được.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực, do đã bị hư hại quá nhiều, giá bán của B727-200 bị bỏ rơi chắc chỉ ngang hoặc cao hơn một chút so với giá sắt vụn. Tuy nhiên, nếu giá bán quá thấp sẽ khiến các đơn vị liên quan chịu lỗ khi không đủ bù đắp chi phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.