Đó cũng là lí do chúng tôi tìm đến “đại bản doanh” của Công TNHH Realtime Robotics Inc VN (RtR) để tìm gặp "cha đẻ" của những chiếc drone Hera, TS Lương Việt Quốc. Công xưởng với 60 kỹ sư đều là người Việt đang tất bật với những công việc từ thiết kế, chế tạo, viết phần mềm, sản xuất và test sản phẩm để chuẩn bị giao hàng… “Chúng tôi đang xây dựng cơ sở mới trong khu Công nghệ cao, năm sau sẽ hoàn thành”, TS Quốc trong chiếc quần jean và cái áo thun bạc màu nói khi dẫn chúng tôi tham quan nơi sản xuất Hera drone.
* Drone là một sản phẩm công nghệ cao và mới phổ biến trong khoảng 10 năm nay. Thế nên thông tin người Việt sản xuất và xuất khẩu drone vào thị trường Mỹ... là niềm tự hào rất lớn nhưng rất xin lỗi, chúng tôi muốn ông xác thực thông tin này?
TS Lương Việt Quốc: Đây hoàn toàn là sự thật. Hiện tại, chúng tôi cũng đang làm việc và chuẩn bị tiến tới ký hợp đồng để xuất khẩu Hera vào Israel. Khi hợp đồng này thành công, nó sẽ là một cột mốc rất lớn của ngành drone VN vì Israel là một nước đi đầu về công nghệ đặc biệt là về drone. Hợp đồng đang ở giai đoạn hoàn tất.
* Giả sử tôi làm ra một sản phẩm và tôi có bạn ở Mỹ, họ mua sản phẩm của tôi mang về Mỹ, tôi cũng có thể khoe là sản phẩm của tôi đã xuất khẩu thành công sang Mỹ. Hoặc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm nhưng chỉ dành cho người gốc Việt, gốc Á ở Mỹ. Ông có thể vui lòng cho biết khách hàng của RtR ở Mỹ là ai, họ đã mua bao nhiêu chiếc, giá trị thế nào?
Đầu tiên, tôi phải cảm ơn câu hỏi của bạn, rất hay và sát với bản chất vấn đề. Lô hàng đầu tiên tôi ký hợp đồng với người Mỹ là 10 sản phẩm (hệ thống) có giá trị nửa triệu USD vào năm 2022. Thứ hai, tôi cũng đồng ý với cách đặt vấn đề của bạn là nếu chỉ bán cho người quen bạn bè thì là sản phẩm đó nó không có giá trị thật sự. Sản phẩm có giá trị phải được quyết định trên một thị trường minh bạch.
Đối tác đặt mua Hera là RMUS - một nhà phân phối drone chuyên nghiệp của Mỹ. Họ có lịch sử hoạt động hơn 10 năm và phân phối drone khắp thế giới. Tới đây, tôi lại phải làm rõ thêm một chi tiết quan trọng. Đối một nhà phân phối drone có 2 trường hợp xảy ra. Thứ nhất nếu chiếc drone của bạn “OK” - tạm được, bạn có thể ký gửi nhờ họ bán. Bán được họ sẽ lấy hoa hồng tùy theo thỏa thuận. Thứ hai, họ thấy sản phẩm của bạn đủ tốt, họ sẽ mua đứt nó để phân phối. Hera là ngoại lệ, họ cọc tiền cho chúng tôi sản xuất. Năm ngoái họ ký hợp đồng 10 chiếc. Đầu năm 2023 họ nhận 3 chiếc về bay trình diễn để đi tiếp thị với khách hàng. Đầu tháng 7 này họ nhận những sản phẩm thương mại thật sự để giao cho khách. Hiện tại, họ đã chuyển tiền theo tiến độ được 75%. Trên trang web của RMUS, họ chào giá khởi điểm là 58.000 USD.
* Ông có theo dõi được tiến độ bán hàng của RMUS?
Con drone mà tôi giao vào tháng 7 sẽ được chuyển cho Công ty Valmont Industries - sở hữu một phần lưới điện ở Mỹ. Giá trị của họ trên thị trường chứng khoán New York hơn 6 tỉ USD.
* Họ sử dụng Hera để làm gì?
Họ dùng nó kiểm tra đường điện cao thế theo định kỳ để đảm bảo an toàn, đây là quy định bắt buộc. Trước khi có drone họ phải đi bộ và dùng ống nhòm. Nhờ có drone, việc này nhanh và hiệu quả hơn rất nhiều. Đến thời điểm hiện tại, trên thế giới một con drone chỉ mang được một tải (camera). Trong khi kiểm tra lưới điện có đến 4 tiêu chí và buộc phải sử dụng 4 loại camera chuyên dụng khác nhau, có loại rất nặng.
Như vậy với các drone không phải là Hera, họ phải bay 4 lần và cộng thêm đó là thời gian thay đổi thiết bị. Hera chỉ cần bay 1 lần thu thập được 4 loại dữ liệu. Nhưng nếu hiểu theo logic thông thường là Hera làm việc hiệu quả hơn những drone khác 4 lần thì cũng chưa chính xác. Bạn phải hình dung ngoài thực địa, bay xong một lần có thể điều kiện thời tiết thay đổi chẳng hạn như mưa thì buổi làm việc kết thúc, công việc dở dang.
Hera có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối trong ngành điện. Đó cũng là lý do vì trong email làm việc, công ty điện lực trên cho biết trong năm nay họ cần tới 1.700 chiếc drone.
* Hera làm việc hiệu quả hơn nhiều lần thì khách hàng của anh cũng sẽ giảm được số lượng drone cần mua, cha đẻ của nó có lo thất thu?
(Cười) Ngành điện trên khắp thế giới này đều cần có một thiết bị giám sát lưới điện hiệu quả chứ không riêng một đơn vị nào cả. Dù thị trường khổng lồ như vậy, nhưng điện chỉ là một lĩnh vực rất nhỏ để drone phục vụ. Nó còn rất nhiều ứng dụng rộng lớn ở nhiều lĩnh vực khác.
* Có đơn vị nào ở VN biết và sử dụng sản phẩm của ông chưa?
Khách hàng đầu tiên ở trong nước của chúng tôi là Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an). Tuần trước chúng tôi mới hoàn thành khóa huấn luyện sử dụng Hera. Đây cũng là một lĩnh vực mà drone đóng vai trò quan trọng và Hera sẽ là công cụ rất hữu dụng nhờ lợi thế cạnh tranh vượt trội.
* Cơ duyên nào đưa ông đến với ngành sản xuất drone?
Cách đây 8 năm, nhận thấy drone có nhiều ứng dụng thực tế, tôi quyết định khởi nghiệp với lĩnh vực dịch vụ drone ở VN. Trong quá trình đó thì toàn bộ những con drone mình mua đều làm việc không như mong muốn và thậm chí có những con drone chỉ đạt hiệu suất 30 - 40% so với những gì mà nhà sản xuất giới thiệu. Có những con lại quá nặng hoặc cồng kềnh, khó lắp ráp, vận hành, pin yếu… rất nhiều vấn đề. Mình phải bắt tay vào hiệu chỉnh, sửa chữa đủ thứ hết. Từ đó tôi nghĩ đến việc sản xuất con drone theo mong muốn và nhu cầu thực tế của mình.
Vậy là tôi bắt đầu nghiên cứu, đọc tất cả các tài liệu về drone để biết thế giới đang làm gì và mình có thể làm được gì trong lĩnh vực này. Chiếc máy bay không người lái cũng như chiếc máy bay thương mại. Đó là một hệ sinh thái mà mỗi doanh nghiệp, mỗi công ty trên thế giới chỉ làm một bộ phận. Cũng xuất phát từ nhu cầu làm ra một con như ý mình muốn nên tôi bắt đầu nghiên cứu sâu vào thiết kế để làm ra thứ tốt hơn cái tốt nhất trên thị trường. Vì nó mới nên mình phải chế tạo, sản xuất và giờ mình làm hết 100%. Đến năm thứ 6 thì con drone đầu tiên ra đời. Các tính năng của nó tương đương với những con khác cùng thời trên thế giới.
* Và tại sao lại là Hera?
Thực ra cái đầu tiên tôi đặt là Vian, trong tiếng anh có nghĩa là tràn đầy sức sống. Mình có một con gái 12 tuổi tên tiếng Anh của bé là Vivian, nói gọn lại là Vian. Nếu gọi bằng tiếng Việt là Vi An, với hàm ý sự an lành bé nhỏ của cha. Còn Hera là tên một vị nữ thần trong thần thoại Hy Lạp, bà đóng rất nhiều vai trò mà một trong số đó là Goddess of the Sky - Nữ thần của bầu trời.
* Trong 8 năm tham gia lĩnh vực hoàn toàn mới này, có bao giờ ông gặp khó khăn đến mức muốn bỏ cuộc?
Tôi tin là có đến 99% các “start up” - người khởi nghiệp đều nhiều lần đứng trước những thời khắc như vậy. Khi người ta nghĩ khởi nghiệp với A thì thường thành công (có sản phẩm thương mại hóa) thì không phải là A mà có khi tới D, E hay F. Phải lột xác nhiều lần mới thành công. Mà đầu tư và R&D (nghiên cứu và phát triển) thì như một trò đánh cược vì không ai chắc điều mình tìm kiếm sẽ ra, cũng có trường hợp cái mình tìm chưa ra thì người khác đã tìm ra rồi hoặc lúc mình tìm ra được rồi thì thị trường không có nhu cầu. Rất nhiều biến số đẩy một start up đứng trước bờ vực và quyết định sinh tử. Có nhiều trường hợp mất luôn đồng xu cuối cùng mà không tìm ra được gì.
* Vậy điều gì khiến ông tin là mình có thể làm ra được một con drone tốt vượt trội so với thế giới?
Tôi tin vào tài năng chất xám của người Việt và khả năng cạnh tranh của VN với thế giới. Toàn bộ đội ngũ kỹ sư ở đây đều là người Việt, được đào tạo trong nước và chúng tôi cùng nhau tạo ra con drone tốt vượt trội so với thế giới. Rõ ràng nếu tập trung cao độ, người Việt mình sẽ không thua kém bất cứ dân tộc nào dù đó là lĩnh vực công nghệ mới. Về năng lực cạnh tranh, tôi muốn nhấn mạnh khía cạnh chi phí. Nếu mình thành lập start up này ở Mỹ thì số tiền mà mình phải tiêu để làm được những cái mà mình cần làm ít nhất phải tốn gấp 15 - 20 lần.
Ở góc độ cá nhân, tôi rất thích câu nói “thậm chí đã rất tốt rồi vẫn có thể tốt hơn được nữa”. Khi bạn làm ra được thứ gì đó tốt hơn cái tốt nhất thì nó mới có giá trị và cạnh tranh được với thế giới. Tôi có thể tự tin như vậy vì mình đã "thực chiến" với nhiều con drone, tích lũy một lượng kiến thức rất dày cũng như trải qua một tuổi thơ khổ cực để tin rằng bất cứ khó khăn nào cũng có thể vượt qua.
Toàn bộ đội ngũ kỹ sư của RtR đều là người Việt, được đào tạo trong nước và họ cùng nhau tạo ra con drone tốt vượt trội so với thế giới.
Một tuổi thơ cơ cực, có phải là động lực để có được ngày hôm nay không, thưa ông?
Đúng thế. Khoảng năm tôi 12 - 13 tuổi, nhà tôi rất nghèo, có khi nhịn đói 1 - 2 ngày là chuyện thường. Có khi đi học về quẳng tập sách đó rồi đi nhặt rác, nhặt ve chai bán kiếm tiền đổi ít gạo nấu cháo. Còn nhà thì mình gọi như vậy chứ thực chất là cái chòi rách nát. Vào những đêm mưa phải kiếm nón lá, thau che đầu thức đợi trời sáng. Nghèo đến mức thời đó, ước mơ lớn nhất của tôi là sau này đi làm chủ sẽ cho mình ăn no tùy thích, không cần lương.
Thế nên tôi ý thức học là con đường duy nhất để thay đổi cuộc đời. Học. Học và học. Mình phải tự học suốt đời - đó cũng là hành trình thú vị vì nó giúp mình mở ra nhiều cánh cửa, nó khiến cuộc sống mình phong phú hơn. Ví dụ như năm 26 tuổi, tôi nghỉ việc để đi học tiếng Anh lại từ đầu. Việc học tiếng Anh giúp tôi thay đổi một phần tính cách - kiên trì hơn, vì mình không có năng khiếu. Sau đó tôi xin học bổng Fulbright để đi Mỹ học về kinh tế. Rồi lại tiếp tục cố gắng được điểm cao và xin tiếp học bổng tiến sĩ. Hay toàn bộ kiến thức về drone đều do tôi tự học và tự tích lũy. Học và bước ra thế giới cũng giúp cho chúng ta có được tầm nhìn tốt hơn.
* Vậy tầm nhìn của Hera và Công ty RtR trong 5 - 10 năm tới sẽ như thế nào?
Hera hiện tại đã khác rất nhiều so với một năm trước. Tôi tin là với tiêu chí và khát vọng làm thứ tốt hơn cái tốt nhất thì RtR sẽ có nhiều cái phát minh mới nữa. Ở đây chúng tôi không ngừng sáng tạo và luôn mong muốn sẽ là công ty sáng tạo nhất trong ngành.
Một tiêu chí khác và cũng là giá trị cốt lõi mà RtR hướng tới là doanh nghiệp drone đáng tin cậy nhất. Đáng tin cậy theo nghĩa là mình nói gì thì phải làm được cái đó, đặc biệt là đảm bảo an ninh dữ liệu. Tôi muốn nhấn mạnh điểm này vì nó giúp thế giới phân biệt được hàng của VN với hàng giá rẻ của các nước lân cận.
* Trên trang web của mình, Công ty RtR tự giới thiệu là một doanh nghiệp của Mỹ, trong khi chúng ta đang tự hào về một sản phẩm 100% VN, ông giải thích gì về điều này?
Tôi lặp ra 2 thực thể, một ở VN và một ở Mỹ. Doanh nghiệp ở Mỹ để tiếp cận thị trường. Doanh nghiệp ở VN để nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất. Cả 2 đều do tôi là người VN làm chủ. Như vậy, bạn có thể hoàn toàn yên tâm rằng đây là sản phẩm 100% VN. Cơ sở sản xuất ở đây, như bạn thấy cũng chỉ toàn kỹ sư người Việt.
Câu chuyện của Hera và RtR nó chứng minh một điều quan trọng với thế gới: Người VN có đủ năng lực về trí tuệ để sáng chế, thiết kế và chế tạo được sản phẩm không chỉ đứng đầu mà vượt trội so với thế giới- nhất là lĩnh vực công nghệ mới như drone. Mặt khác, nó cũng truyền cảm hứng cho nhiều người VN khác tự tin đi theo con đường sáng tạo. Nếu mình chọn đi theo con đường phát minh sáng chế thì người Việt có khả năng thành công. Đây cũng là con đường mà duy nhất để một nước từ vị thế là quốc gia đang phát triển thành quốc gia phát triển. Tại sao tivi Samsung đánh bại tivi Nhật, là vì Samsung có phát minh màn hình tinh thể lỏng. Nếu chỉ copy thì không thể nào vươn lên hàng đầu thế giới được. Đó là con đường Hàn Quốc đi. Trung Quốc cũng đang đi con đường này, họ cũng có một số sản phẩm công nghệ vươn lên đứng đầu thế giới.
Bình luận (0)