Máy bay 'made in Japan' đầu tiên trong 50 năm thách thức Airbus, Boeing

21/04/2019 14:46 GMT+7

Máy bay phản lực 88 chỗ ngồi, đã và đang bị hoãn ra mắt từ lâu, vừa xuất hiện trên thị trường khá đúng thời điểm.

Theo Bloomberg, ngày càng nhiều thành phố ở châu Á và châu Âu tìm cách liên kết với nhau và với mạng lưới du lịch hàng không toàn cầu. Máy bay Mitsubishi Regional Jet (MRJ), tàu bay đầu tiên được chế tạo tại Nhật Bản kể từ thập niên 1960, khởi động các chuyến bay chứng nhận từ tháng trước ở bang Washington (Mỹ) để đáp ứng nhu cầu này. 
Tàu bay mới của Mitsubishi Heavy Industries đang bay thử giữa lúc nhiều hãng đối thủ chuyển sang hoạt động sản xuất máy bay lên đến 160 chỗ ngồi. Đơn cử, Boeing sắp mua 80% hoạt động thương mại của hãng Embraer trong liên doanh, trong khi Bombardier bán quyền kiểm soát dự án C Series của mình vào năm ngoái cho Airbus.
Bombardier cũng đang tìm hiểu lựa chọn chiến lược trong mảng máy bay khu vực. Thị trường tàu bay với số chỗ ngồi ít hơn được dự báo có doanh số đạt 135 tỉ USD đến năm 2037, theo Japan Aircraft Development. “Các động thái của Bombardier thực sự tạo cơ hội cho MRJ. Nó là yếu tố đơn lẻ lớn nhất hậu thuẫn MRJ”, nhà phân tích hàng không Richard Aboulafia thuộc hãng Teal Group cho hay.
Máy bay vùng có ít chỗ ngồi và thân máy bay nhỏ hơn. Chúng thuộc loại khác với máy bay thân hẹp vốn lớn hơn một chút như Boeing 737 hoặc Airbus A320. MRJ có tầm bay 3.218 km, trong khi mẫu nhỏ hơn có thể chở đến 76 người cũng với tầm bay tương tự.
Boeing 737 Max 8 Ảnh: Reuters
Mitsubishi Heavy là nhà cung ứng linh kiện từ lâu cho Boeing. Công ty phát triển MRJ để vươn lên từ chiếc bóng của khách hàng. Sau khi chi 2 tỉ USD trong hơn 10 năm, doanh nghiệp hiện tìm cách để máy bay “cây nhà lá vườn” được chứng nhận và bắt đầu được giao hàng cho đối tác ANA Holdings.
Ban đầu, Mitsubishi lên kế hoạch bay thử nghiệm vào năm 2012 song trễ hẹn vì khó khăn trong sản xuất. Giờ đây, doanh nghiệp vốn làm cả tàu, nhà máy điện hạt nhân và linh kiện hàng không vũ trụ dự kiến sẽ có tàu bay sẵn sàng cho hành khách vào năm sau. Chủ tịch Mitsubishi Aircraft, ông Hisakazu Mizutani, cho biết năm 2020 sẽ cực kỳ quan trọng với doanh nghiệp.
Sho Fukuhara, nhà phân tích tại hãng Jefferies, cho rằng Mitsubishi Heavy không nên trễ hẹn mẫu 407 MRJ thêm nữa. “Trong dài hạn, họ có thể có cơ hội song ngay lúc này, họ phải giao chiếc máy bay đầu tiên. Những khách hàng tiềm năng đang quan sát khả năng làm đúng tiến độ của hãng”. Dự kiến, Mitsubishi Heavy sẽ bơm thêm nhiều tiền nữa cho đơn vị sản xuất máy bay trong tháng 10 sắp tới. 
Comac C919 Ảnh: Bloomberg
Mitsubishi Heavy không phải hãng châu Á duy nhất đặt cược rằng họ có thể chế tạo tàu bay rẻ hơn, hiệu quả hơn. Commercial Aircraft Corp. Of China (Comac) cũng có máy bay trong vùng đang hoạt động. Korea Aerospace Industries thì đang nghiên cứu có nên phát triển tàu bay chở được 100 hành khách hay không.
“Thị trường hàng không châu Á được dự kiến phát triển hơn nữa trong những năm tới. Sẽ có nhu cầu dành cho tàu bay này. Sự thay đổi trong phân khúc hàng không khu vực mà chúng ta thấy trong năm qua có thể mở ra nhiều cơ hội”, chuyên gia Lee Dong-heon thuộc Daishin Securities nhận định.
Để cạnh tranh, Mitsubishi Heavy không thể chỉ dựa vào thị trường nội địa. Khách hàng tiềm năng lớn nhất của họ có thể nằm ở Mỹ, nơi các hãng bay đang nỗ lực cắt giảm chi phí bằng cách thuê ngoài chuyến bay chặng ngắn cho các hãng hàng không nhỏ hơn trong khu vực. Trans States Airlines, công ty khai thác các chuyến bay cho United Airlines dưới cái tên United Express, đã đặt hàng 50 máy bay, có thể sẽ đặt thêm 50 chiếc nữa.
Hiện trọng lượng và công suất hoạt động của MRJ khá lớn so với nhiều hãng hàng không khu vực. Tuy vậy, công ty Nhật có kế hoạch tung phiên bản nhỏ hơn vào năm 2021. Mới đây, bộ phận sản xuất máy bay của Mitsubishi tách mảng tiếp thị và bán hàng, mở đơn vị hỗ trợ khách hàng và chuyển trụ sở sang Renton,Washington, nơi Boeing đang lắp rắp mẫu Boeing 737.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.