|
Hai vở kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ là Mùa hạ cuối cùng, Lời thề thứ 9, và hai chùm hài kịch Đời cười, Nụ cười chiến sĩ sẽ ra mắt khán giả tại Nhà hát TP.HCM và Nhà hát Quân đội (TP.HCM) từ 14.12.2013 đến 10.1.2014.
Nhân dịp này, Thanh Niên Online đã có một cuộc trò chuyện thú vị với anh.
Xin hỏi anh vì sao anh lại đem kịch Lưu Quang Vũ vào Nam trong khi hầu hết các đoàn kịch phía Nam đã lâu không dựng lại những kịch bản ấy? Và liệu nó có còn thích hợp cho thời buổi thị trường hiện nay không?
Khi nói đến kịch Lưu Quang Vũ, có lẽ những người làm nghệ thuật như tôi ai cũng có cảm hứng khi được truyền tải tác phẩm của anh. Mấy chục năm trôi qua nhưng kịch Lưu Quang Vũ vẫn luôn cuốn hút khán giả bởi thông điệp nhân văn sâu sắc và nóng hổi tính thời sự.
Chẳng hạn vở Mùa hạ cuối cùng đề cập đến vấn đề giáo dục, nào đã lạc hậu. Tôi tin khán giả phía Nam cũng sẽ có cùng cảm nhận!
Khi dàn dựng, anh hoàn toàn giữ nguyên kịch bản của Lưu Quang Vũ hay có thay đổi?
Không thể giữ nguyên hoàn toàn. Trải qua mấy chục năm, thời đại cũng khác, như điện thoại bàn ngày xưa đã thay bằng chiếc di động, cái máy đánh chữ lọc cọc bây giờ là laptop, là máy tính bảng.
Do đó, tôi phải thêm thắt, sửa chữa một vài chi tiết cho phù hợp, nhưng về cơ bản vẫn là hồn cốt Lưu Quang Vũ, đậm chất thơ trong từng lời thoại.
Từng rất hăng hái và gần như năm nào cũng đưa kịch Bắc vào phương Nam, nhưng từ 8 năm trước anh lỡ hẹn mãi cho đến bây giờ?
Cũng vì chuyện xã hội hóa sân khấu. Miền Bắc không thiếu nghệ sĩ tài năng nhưng không có môi trường năng động, linh hoạt. Ưu tư với điều đó nên cách đây 4 năm, lúc còn làm trưởng đoàn kịch 2 của Nhà hát Tuổi Trẻ, tôi đã mở Nhà hát Thanh Niên làm tụ điểm hài kịch giải trí đầu tiên ở Hà Nội. Chúng tôi phải tự thu tự chi đúng với phương thức xã hội hóa, nên tôi không có nhiều thời gian Nam tiến như trước.
Mà nói thật, từ ngày tôi làm Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ nghĩa là cùng một lúc quản lý 4 đoàn, tôi không còn thời gian nữa, đành phải dừng thuê Nhà hát Thanh Niên, để tập trung cho Nhà hát Tuổi Trẻ.
Có lẽ anh là người năng động nhất của sân khấu xã hội hoá phía Bắc. Nhưng khi triển khai chắc phải gặp rất nhiều khó khăn?
Khác với miền Nam, khán giả phía Bắc có nhu cầu xem kịch khá hạn chế. Chưa kể thói quen xem kịch miễn phí vẫn còn tồn tại, nên những ngày đầu chúng tôi phải đến tận các quán cà phê, chợ, siêu thị để phát tờ rơi và bán vé qua mạng, mua theo nhóm...
|
Mặt khác, chúng tôi kết hợp với các doanh nghiệp như ngân hàng SHB, đội bóng Hà Nội T&T phát hành thẻ thành viên ưu đãi giảm giá 50% hay các chương trình như vừa xem bóng đá vừa xem kịch. Dù vắng khách nhưng chúng tôi chưa bao giờ trả vé, vẫn duy trì bình thường và đều đặn vào những tối cuối tuần.
Hiện nay, khán giả thủ đô đã quen dần với thói quen xem kịch, hoạt động ở nhà hát đã đi vào quỹ đạo, diễn suốt tuần từ thứ 2 đến thứ 5 là chính kịch; thứ 6, thứ 7 dành cho hài và chủ nhật diễn kịch cổ điển.
Mới đây, chúng tôi đã thành công hoàn thành 100 suất diễn miễn phí vở Mùa hạ cuối cùng cho sinh viên thủ đô bằng tiền tài trợ, sắp tới là kế hoạch trình diễn kịch Nga và nếu được, có lẽ không bao lâu sẽ có chương trình phục vụ sinh viên TP.HCM.
Anh có lo lắng trong chuyến "Nam tiến" lần này không, nhất là trong tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn? Hình như anh có nhiều mối quan hệ bạn bè khá là "nhiệt tình" ngay tại TP.HCM?
Có một chút lo lắng, nhưng tôi nghĩ rằng nhu cầu xem kịch Bắc vẫn tồn tại khi ước tính có hơn 1 triệu người miền Bắc đang sinh sống tại TP.HCM. Tôi cũng kỳ vọng lấy lại được niềm tin của khán giả miền Nam và những giá trị đẹp sẽ được đón nhận dù khác vùng miền.
Còn tình hình kinh tế, tôi lại có cảm nhận là lúc khó khăn, người ta lại quan tâm nghệ thuật hơn, vì nghệ thuật xốc lại niềm tin cho tương lai, cười để quên đói mà (cười).
Cho nên, tôi tìm được những mạnh thường quân lo lắng cho cả đoàn về vé máy bay, khách sạn, cảnh trí … Chúng tôi chỉ còn quan tâm việc bán vé để trả cát sê thôi, cũng đỡ lo.
Vâng, chúng tôi là bạn lâu năm, và dĩ nhiên có thêm bạn mới, luôn ủng hộ nhà hát, tôi rất cảm động vì tấm lòng của các bạn.
Thấy anh cũng chạy sô đóng phim nữa, coi bộ nhất định không chịu thua kém đồng nghiệp?
Eo ơi, chỉ thử sức thôi mà. Đóng phim đôi khi là để PR cái tên của mình để rồi mình quay về làm sân khấu cho thuận lợi hơn.
Thế anh có “buồn” khi mình không còn “đẹp giai” như xưa mà đã phục phịch, và diễn hài nhiều năm khiến khán giả “định hình” anh khác hẳn?
Ai mà chống được quy luật thời gian hả chị? Từng này tuổi rồi kia mà. Nhưng yên tâm, tôi sẽ làm cho các bạn thấy cái đẹp của nhân vật hơn là cái đẹp ngoại hình. Tuổi nào thì có nhân vật phù hợp cỡ đó, chỉ lo diễn không ra thôi.
Ừ, thì bao năm tôi diễn hài, nhưng vô chính kịch thì mình lại hoá thân khác chứ. Nghệ sĩ cần có bản lĩnh để đảm nhiệm được càng nhiều vai trò càng tốt. Tôi mong khán giả đến xem chúng tôi diễn, vì còn có nhiều nghệ sĩ tài năng như Lê Khanh, Đức Khuê, Ngọc Bích, Thùy Dung… làm nên một vở diễn cảm động chứ đâu phải chỉ mình tôi.
Vâng, cảm ơn anh. Hẹn gặp lại anh và các đồng nghiệp trên sân khấu với những vai diễn đầy ấn tượng.
Hoàng Kim - Vũ Anh
>> Nghệ sĩ hài Chí Trung: Xin thôi làm Táo Giao thông
>> Chí Trung chơi cổ vật
>> Chuyện đời danh hài: Chí Trung - Cười “từ ngực trở lên”
>> NSƯT Chí Trung: "Không phải tôi hấp dẫn gì...
>> Sức sống từ kịch Lưu Quang Vũ
>> Hình thể hóa kịch Lưu Quang Vũ
>> Phục dựng kịch Lưu Quang Vũ
>> Một đạo diễn trẻ “mê” dựng kịch Lưu Quang Vũ
Bình luận (0)