Những ngày đầu tháng 4, tin vui đến với Trường THCS-THPT Đông Du (Đắk Lắk). Dự án “Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động” của hai học sinh Vi Thị Thu Hà (lớp 11A1) và Đào Huỳnh Duy An (lớp 12A5) trường này được Bộ GD-ĐT chọn là một trong 7 dự án tham gia Hội thi khoa học - kỹ thuật quốc tế năm 2022 (ISEF 2022) tổ chức tại Mỹ (từ ngày 7 - 13.5).
Máy hút dịch chanh dây bán tự động được 2 học sinh Duy An và Thu Hà thiết kế, chế tạo |
Thanh Tâm |
Theo chia sẻ của Thu Hà, nhà em ở xã Ea Ô (H.Ea Kar, Đắk Lắk), cùng nhiều hộ nông dân khác mưu sinh bằng nghề trồng chanh dây. Hằng ngày, Hà thấy bố mẹ và bà con xóm giềng phải tốn nhiều thời gian khi lấy nước chanh dây bằng phương pháp thủ công (cắt, nạo); còn các cơ sở sản xuất thì sử dụng máy móc thô sơ, ép dập, quay ly tâm khiến nước chanh dây dính nhiều tạp chất, có vị chát… Từ đó, Hà nảy ra ý tưởng về chiếc máy hút dịch chanh dây nhằm giảm bớt được sức lao động, giảm chi phí cho bà con nông dân. Khi trao đổi với Duy An, Hà được bạn đồng tình nên cả hai cùng bắt tay nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy.
Hà cho biết máy hút dịch chanh dây được điều khiển bằng phần mềm quản lý, dựa vào lưỡi dao sắc để cắt và hệ thống xi lanh, ống dẫn để hút, chuyển dịch về bồn chứa, đảm bảo dịch chanh dây sau khi hút không lẫn tạp chất của vỏ. Theo lập trình, để cắt và hút hết 2 quả chanh dây mất khoảng 9 giây.
“Đó là theo lập trình thí điểm chậm. Nếu áp dụng vào thực tế sẽ nhanh hơn nữa”, Hà nói và cho biết thêm: “Từ khi nảy sinh ý tưởng đến thực hiện dự án, chúng em được giáo viên hướng dẫn, đầu tư công sức trong khoảng 6 tháng”.
Còn Duy An cho rằng máy hút dịch chanh dây bán tự động đang ở phiên bản nguyên mẫu; để đạt hiệu quả cao với quy mô sản xuất thực tế lớn hơn, cần có thêm cải tiến để máy hoạt động tự động hoàn toàn. Ngoài ra có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân loại trái chanh dây trước khi hút dịch, giúp sản phẩm chất lượng cao hơn…
Theo cô giáo Lưu Thị Thương, người hướng dẫn hai học sinh thực hiện dự án, máy hút dịch chanh dây này có tính ứng dụng cao, đưa vào sản xuất sẽ giúp người nông dân tiết kiệm thời gian, công sức. “Với mô hình thí điểm như hiện tại, mỗi máy có thể hoạt động đạt năng suất gấp 3 lần so với một người lao động. Khi áp dụng thực tế có thể tăng máng dẫn, tăng dung tích xi lanh để nâng công suất lên nhiều lần”, cô Thương cho biết.
Trước đó, cuối tháng 3, dự án “Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động” đã đoạt giải nhất tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2021-2022.
Bình luận (0)