Về kỹ thuật, cảm biến độ sâu LiDAR sẽ giúp xác định khoảng cách giữa chính nó và một vật thể bằng cách theo dõi thời gian mà một xung ánh sáng phát ra (thường là tia laser) và phản xạ trở lại thiết bị thu phát. Nó giống như một radar, ngoại trừ thay vì phát sóng vô tuyến thì nó sử dụng ánh sáng (tia) hồng ngoại.
Thực tế, LiDAR là một biến thể cảm biến độ sâu được Apple tùy biến riêng. Trước đó, loại hình cảm biến này đã và đang xuất hiện trên nhiều thiết bị Android dưới dạng cảm biến độ sâu được gọi là ToF. Điểm khác biệt là cách mà Apple tối ưu và sử dụng nó trên iPhone có thể sẽ có chút ít khác biệt với các nhà sản xuất Android. Hãy cùng theo dõi bài viết này của trang How To Geek do Thanh Niên Online lược dịch để tìm hiểu thêm về công nghệ đầy thú vị này của Apple.
LiDAR là gì?
Trong khi radar được thiết kế để sử dụng ở khoảng cách xa thì LiDAR lại hoạt động ở quy mô nhỏ hơn, do bước sóng ánh sáng mà nó phát ra sẽ được các vật thể hấp thụ/tán xạ trên đường đi. Thông qua việc phát ra hàng trăm nghìn xung ánh sáng mỗi giây, máy quét LiDAR có thể xác định khoảng cách và kích thước vật thể với độ chính xác tương đối trong khoảng cách nhỏ nhờ vào khoảng thời gian nhận lại sự phản xạ của tia sáng phát đi.
|
Dữ liệu này sau đó có thể được sử dụng để tái tạo các mô hình 3D, đây là một trong những ứng dụng chính của LiDAR trong các dự án xây dựng và kỹ thuật. Bạn có thể đã nghe nói về việc quét laser 3D được sử dụng để thiết lập các bản vẽ tòa nhà - đó chính là LiDAR.
Thực tế, LiDAR thực sự có nhiều ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp. Các nhà khảo cổ có thể sử dụng nó để chuẩn bị địa điểm đào và các phương tiện tự hành dựa vào khả năng xây dựng bản đồ 3D thời gian thực về môi trường xung quanh chúng. LiDAR thậm chí còn được sử dụng để tạo bản đồ đường đua có độ chính xác cao và thực tế cao trong các trò chơi điện tử, như Project CARS. Ngoài ra, súng bắn tốc độ của cảnh sát cũng sử dụng LiDAR.
Và bây giờ, giống như iPad Pro mới mà Apple ra mắt hồi đầu năm nay, cảm biến LiDAR cũng đã có mặt trên iPhone 12 Pro cao cấp của Apple.
Cách iPhone 12 Pro sử dụng LiDAR
Apple sử dụng LiDAR hơi khác so với các thiết bị chuyên dụng của công trường xây dựng hay súng bắn tốc độ. Tuy cùng sử dụng nguyên tắc giống nhau, nhưng cảm biến LiDAR của Apple được ứng dụng ở quy mô nhỏ hơn do phạm vi hoạt động chỉ trong tầm 5 mét.
Mục đích chính của LiDAR trên iPhone là cải thiện việc triển khai thực tế tăng cường (AR) trong các ứng dụng và trò chơi của iOS. Nó sẽ cung cấp cho các ứng dụng thông tin hữu ích và chính xác hơn về môi trường xung quanh, để trải nghiệm AR mượt mà hơn, đáng tin cậy hơn, cho phép bạn hình dung hoặc tương tác với môi trường thực và ảo.
|
Pokémon Go là một ví dụ rõ ràng hơn về tựa game AR thành công, cho phép bạn bắt các sinh vật ảo trong thế giới thực. Trong khi ứng dụng Place cực kỳ thành công của Ikea sẽ cho bạn “xem trước” các thiết bị nội thất sẽ như thế nào khi đặt trong nhà của bạn.
Tuy vẫn còn hạn chế khi LiDAR chưa đủ sức tái tạo các vật thể 3D có độ chi tiết cao để gửi đến các máy in 3D, nhưng rõ ràng đây là một khởi đầu tuyệt vời cho khả năng này trong tương lai.
Trong thực tế, máy quét LiDAR có khả năng cải thiện hai điều cốt lõi: vị trí đối tượng ảo (như ứng dụng mua sắm) và chơi game AR. Dù những điều này đã có thể thực hiện được trên iPhone mà không cần đến LiDAR nhưng rõ ràng cảm biến này bổ sung thêm dữ liệu để tăng sự chính xác của các tính toán về kích thước, khoảng cách và hình dạng đối tượng trong môi trường mà nó bao quát.
Ngoài ra, Apple còn có ý định dùng LiDAR để cải thiện hiệu suất lấy nét của máy ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu khi mà công nghệ lấy nét theo pha (PDAF) vẫn phải phụ thuộc vào ánh sáng. Không chỉ vậy, Apple cũng triển khai LiDAR khi chụp ảnh chế độ chân dung để tạo ra các vùng tách chủ thể tốt hơn của ảnh xóa phông.
LiDAR sẽ là một tính năng quan trọng đáng để nâng cấp?
Hiện tại, Apple chỉ đưa cảm biến LiDAR vào hai biến thể cao cấp nhất của iPhone 12 là iPhone 12 Pro và iPhone 12 Pro Max. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các phần mềm sẽ bắt nhịp chậm, bởi trước đó Apple đã phát hành sẵn bộ công cụ phát triển phầm mềm (SDK) của hãng có tích hợp sẵn ARKit, cho phép các nhà phát triển tận dụng và triển khai chúng nhanh chóng trong các ứng dụng của họ, ngay cả khi iPhone vừa mới ra mắt.
|
Thậm chí, Apple có vẻ như muốn đưa cảm biến LiDAR trên iPhone tiến xa hơn các thiết bị tích hợp ToF của đối thủ trên thị trường, nhất là khi có tin đồn về chiếc kính AR mà hãng ấp ủ lâu nay có thể sẽ sớm thành hiện thực, bên cạnh việc khuyến khích các nhà phát triển tung ra các ứng dụng tận dụng cảm biến này trên iPhone và iPad mới.
Nhưng liệu LiDAR có phải là lý do đáng để bạn “lên đời” thiết bị hay không? Khi phải quyết định giữa iPhone 12 hay iPhone 12 Pro, LiDAR không phải là lý do lớn đủ để khiến bạn lung lay, trừ khi bạn quá tập trung vào các ứng dụng AR hay chụp ảnh nhiều ở môi trường thiếu sáng, bằng không bạn sẽ không thấy bất kỳ lợi ích nào “đủ lớn” trong khoảng thời gian ngắn hạn.
Ngay cả khi bạn là một game thủ quan tâm đến AR hay người nghiện trải nghiệm, việc triển khai AR trên các iPhone không có LiDAR trước đó cũng đã có cải thiện đáng kể, dù LiDAR giúp cải thiện trải nghiệm hơn nhưng có lẽ nó không đáng với mức giá cao hơn 300 USD mà Apple đưa ra cho phiên bản iPhone 12 Pro so với iPhone 12 hiện nay. Tuy nhiên, nếu bạn dư dả tài chính thì việc lựa chọn iPhone 12 Pro sẽ đảm bảo cho bạn bớt lăn tăn về lựa chọn có hay không có LiDAR, bất chấp việc nó chưa thực sự được ứng dụng nhiều trong thực tế.
Bình luận (0)