Dự kiến nguồn lực ban đầu khi đề xuất gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo Nghị quyết 42 khoảng 61.580 tỉ đồng. Trong đó, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt khoảng 35.880 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước (cả T.Ư lẫn địa phương); hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội 16.200 tỉ đồng, và thông qua việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với quy mô khoảng 6.500 tỉ đồng...
|
Cho đến nay, theo báo cáo tổng hợp của Bộ LĐ-TB-XH, có thể đánh giá việc triển khai Nghị quyết 42 chưa đạt được hiệu quả, mục đích như mong muốn. Gói hỗ trợ bằng tiền mặt mới thực hiện được 13.100 tỉ/35.880 tỉ. Trong đó, chỉ có 3,6% gói hỗ trợ được giải ngân cho nhóm đối tượng thuộc mục tiêu hỗ trợ chính, gồm: người lao động mất việc làm, hộ kinh doanh cá thể, người lao động không có hợp đồng, các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Cụ thể, chỉ có 56.026 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ với số tiền 80,6 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 0,23%. Có 37.317 hộ kinh doanh được hỗ trợ, với số tiền 38 tỉ đồng, chiếm 0,11% tổng kinh phí dự kiến thực hiện. 173.473 người lao động bị chấm dứt hợp đồng, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ với số tiền 177,6 tỉ đồng, chiếm 0,5% tổng kinh phí dự kiến thực hiện.
Khoảng 1,07 triệu người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc được hỗ trợ với số tiền hơn 1.000 tỉ đồng, chiếm 2,79% tổng kinh phí dự kiến thực hiện. Đây là tỷ lệ giải ngân vô cùng thấp.
Gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc thông qua cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội không khá gì hơn, chỉ giải ngân cho 245 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho 11.276 người với số tiền 41,8 tỉ đồng, tương ứng với 0,26% quy mô gói hỗ trợ.
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng tỷ lệ giải ngân này cho thấy tính khả thi của chính sách yếu, việc hướng dẫn thực hiện còn “làm khó” đối tượng thụ hưởng, các đối tượng cần được hỗ trợ nhất thì gần như không tiếp cận được chính sách hỗ trợ trực tiếp.
Đơn cử, để được tiếp cận nguồn vốn vay để trả lương cho người lao động thì doanh nghiệp cần phải đáp ứng nhiều điều kiện, như doanh nghiệp phải trả 50% lương ngừng việc cho người lao động, không có nợ xấu ở các ngân hàng, phải sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương, phải có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên... Thủ tục tầng tầng lớp lớp như trên, nhưng mức vay lại thấp, khiến doanh nghiệp không mặn mà.
Chính sách hỗ trợ cho người lao động mất việc cũng không “thông thoáng” gì hơn, thậm chí còn được đánh giá là cứng nhắc, với nhiều quy định đánh đố. Ví dụ, lao động tự do phải có xác nhận gia đình không có ruộng, đất nông nghiệp; có trường hợp người tạm trú phải xin được xác nhận ở nơi thường trú, nhưng về nơi thường trú lại yêu cầu xác nhận đang tạm trú ở đâu... mấy vòng xác nhận mới được hỗ trợ 1 triệu đồng.
Theo một chuyên gia trong ngành, chính sách là “chưa có tiền lệ”; hướng dẫn thiếu do triển khai gấp gáp; các địa phương lại “ngại” trách nhiệm, thiếu nguồn lực; nên làm rất chắc. Thậm chí, có địa phương báo cáo do Bộ LĐ-TB-XH không ban hành thông tư hướng dẫn Quyết định số 15/2020 mà chỉ hướng dẫn thông qua bộ hỏi - đáp trên cổng thông tin điện tử, nên “không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện”.
Bình luận (0)