MB sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng

25/04/2022 10:20 GMT+7

Ngân hàng TMCP Quân đội trình xin ý kiến các cổ đông để nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng nhằm tái cơ cấu, mở rộng không gian tăng trưởng, cải thiện thứ hạng cạnh tranh…

Sáng 25.4, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2022.

MB tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 sáng 25.4

tp

Theo tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên, MB cho biết đã tìm kiếm và nghiên cứu cơ hội tham gia tái cơ cấu một tổ chức tín dụng (TCTD) và hỗ trợ đối với một số quỹ tín dụng nhân dân.

Việc này được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như giúp MB tận dụng các cơ hội tăng trưởng quy mô nhanh chóng so với tốc độ hiện nay, củng cố và nâng hạng vị thế trên thị trường.

Căn cứ luật Các TCTD, sau khi MB nhận chuyển giao bắt buộc TCTD thì MB trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của TCTD được chuyển giao bắt buộc; TCTD được chuyển giao bắt buộc là pháp nhân độc lập với MB.

Việc nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD giúp MB có cơ hội để tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5 - 2 lần trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới.

Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MB Lưu Trung Thái trình bày tờ trình của HĐQT cho biết thêm, hiện tại MB đã trình cơ quan quản lý nhà nước chuyển giao bắt buộc và được chấp thuận về chủ trương. Sau hợp nhất, MB được áp dụng một số quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật như: không phải thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của TCTD được chuyển giao bắt buộc; được loại trừ TCTD được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất…

“Khi giải quyết câu chuyện khó của ngành ngân hàng, giá trị thương hiệu của MB được cộng hưởng với tốc độ tăng trưởng, tăng sức cạnh tranh, tăng vốn hoá nhờ mở rộng vốn hoá. Bên cạnh đó, cũng sẽ làm lành mạnh hoá hệ thống, từng bước giải quyết khoản lỗ, giảm gánh nặng cho ngân sách. Trong khi quyền lợi, lợi ích hợp pháp được kế thừa, với tiềm lực MB cung cấp giá trị tốt hơn cho khách hàng”, ông Thái nói.

Danh tính của ngân hàng sẽ hợp nhất với MB vẫn chưa được “chốt” tại đại hội, tuy nhiên trước đó NHNN cũng đưa 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay gồm: Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank).

Mục tiêu lãi trước thuế 2022 đạt 20.300 tỉ đồng

Theo báo cáo của MB tại ĐHĐCĐ, năm 2022, ngân hàng dự kiến tổng tài sản tăng 15% lên 700.000 tỉ đồng. Vốn điều lệ tăng 24%, lên 46.882 tỉ đồng. Dư nợ tín dụng tăng khoảng 16%, lên 472.600 tỉ đồng và theo giới hạn room mà NHNN giao cho.

MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 20.300 tỉ đồng, tăng 23% so với năm 2021. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu tăng hiệu quả hoạt động các công ty thành viên, tăng tỷ trọng đóng góp lợi nhuận công ty thêm 2 - 3%. Tăng năng lực bán chéo trong tập đoàn. Đồng thời, MB muốn thu hút mới 2,5 - 3 triệu khách hàng bán lẻ trong 2022, tiếp tục nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA).

HĐQT MB cho biết, ngân hàng xây dựng các chỉ tiêu chiến lược về tài chính tăng trưởng cao hơn bình quân ngành với doanh thu và lợi nhuận kỳ vọng năm 2026 gấp 2,5 lần đến 3 lần so với 2021 theo các kịch bản linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Một nội dung quan trọng khác sẽ được trình cổ đông là kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 37.783 tỉ đồng lên 46.882 tỉ đồng, tức tăng thêm gần 9.100 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.