MC Lại Văn Sâm hiếm hoi hát tiếng Nga

05/12/2019 21:26 GMT+7

MC kỳ cựu của VTV Lại Văn Sâm ngẫu hứng hát tiếng Nga để thuyết phục các sếp trong chương trình Cơ hội cho ai (Whose Chance) nâng mức lương cho một ứng viên làm cả trường quay ngạc nhiên.

Trước vòng thi thương lượng lương đầy cam go giữa ứng viên Bùi Văn Dương với các sếp, MC Lại Văn Sâm chia sẻ: “Mức lương mà 4 sếp đưa ra chốt với bạn là bao nhiêu thì chúng ta chưa nghe thấy. Không biết cuộc tình duyên này nó có thành công hay không. Nhưng nó làm tôi nhớ đến một bài hát Nga có câu nói giống thế mặc dù họ nói về chiến tranh”.
Sau khi ngẫu hứng hát tiếng Nga tại trường quay, nhà báo vui vẻ giải thích nghĩa của bài hát: “Nội dung của nó đơn giản thôi. Chỉ còn một chút nữa thôi, chúng ta sẽ vào trận đánh cuối cùng. Trận đánh cuối cùng bao giờ cũng cam go nhất, khó khăn nhất”. Chia sẻ của MC quốc dân khiến cả trường quay bật cười.
Chính vị MC kỳ cựu của VTV đã giúp cho cuộc thương lượng hấp dẫn hơn khi chỉ có ông và ứng viên biết được con số bí mật trong chiếc vali mức lương kỳ vọng. Và theo luật chơi của chương trình, con số này bắt buộc phải nhỏ hơn hoặc tối đa là bằng với mức lương đề nghị từ 6 vị sếp tuyển dụng thì ứng viên mới nhận được công việc. Nếu mức lương kỳ vọng vô tình cao hơn thì nhà báo hỗ trợ ứng viên tìm cách thuyết phục các sếp thấy được khả năng của bản thân và giá trị mà họ sẽ mang lại cho doanh nghiệp. Do đó, vị MC kỳ cựu của VTV còn được sếp Phùng Tuấn Hà, Chủ tịch HĐQT Petrosetco hài hước bầu chọn làm Chủ tịch Công đoàn vì luôn bảo vệ quyền lợi của ứng viên.

Vị MC kỳ cựu của VTV thừa nhận vai trò của mình là “trung gian môi giới” giữa các cặp đôi với nhau - một bên là sếp, một bên là ứng viên và bật mí khá nhiều câu chuyện thú vị, hài hước tại trường quay của chương trình

Ảnh: BTC

Trong chương trình, nhà báo Lại Văn Sâm cũng tiết lộ câu chuyện xin việc hài hước sau 12 năm đi học ở Nga về. Ông kể: "12 năm học ở Nga, về nước không có nơi nào nhận. Đột nhiên, một hôm, có người giới thiệu tôi đến một cơ quan nói là sẽ tuyển dụng một người biết tiếng Nga. Một vị sếp khá lớn tuổi bật Đài Hoa Sen và yêu cầu tôi dịch bản tin thời sự 30 phút. Tôi cảm thấy sung sướng, vì ở Nga tôi phiên dịch không tệ. Tôi cắm cúi dịch, cứ đắn đo mãi không biết dịch đúng hay sai, có phạm chính trị không. Khi ra về, kể cho bạn giới thiệu nghe, anh bạn mắng: Mày ngu thế. Sao không kể ông ấy nghe một câu chuyện cười, vì ông ấy có biết tiếng Nga đâu”.
Và công việc đầu tiên của ông chính là dịch bản tin thể thao từ đài Hoa Sen của Liên Xô sang tiếng Việt. Công việc dần ổn định khi Lại Văn Sâm được giao phụ trách biên tập và bình luận các chương trình thể thao của Liên Xô và thế giới hằng tuần. Nhưng chỉ được vài tháng, ông cảm thấy chán vì mọi việc suôn sẻ quá. Đầu năm 1988, ông bỏ việc, về sạp hàng mỹ nghệ ở chợ Đồng Xuân phụ giúp mẹ vợ. Đến giữa năm 1988, ông quay lại Đài truyền hình VTV vì đơn vị cần người và trụ lại tới bây giờ. Trong suốt hơn 30 năm làm việc, Lại Văn Sâm đã ghi dấu ấn với nhiều chương trình, trong nhiều vai trò: MC, nhà sản xuất…
Phát biểu trên VTV, ông từng nhắc tới sạp hàng mỹ nghệ của mẹ vợ: “Nếu không vào truyền hình, rất có thể giờ này tôi vẫn phụ mẹ vợ bán đồ mỹ nghệ ở chợ Đồng Xuân hoặc rất có thể đã là một doanh nhân, tìm mọi cách để kiếm tiền và có lẽ con người tôi sẽ khác. Bị khán giả và đồng nghiệp “trách yêu” vì quá tham công tiếc việc, vì “cứ bật tivi lên là thấy “Lại Anh Sâm” nhưng ông không tự ái. Tất cả những công việc, nếu cần tới ông, Lại Văn Sâm không bao giờ từ chối. Ông tâm sự: “Tôi thường tự nhận mình là Phan Đình Giót, chỗ nào thiếu người là lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Thế nên, bất kể chương trình nào, gọi thiếu người dẫn là tôi trám vào đấy để chữa cháy cho họ“.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.