Lần đầu tiên rap có hẳn một show truyền hình riêng nên sự quan tâm của “thế giới ngầm” người hâm mộ thể loại này cũng “trỗi dậy”. Bên cạnh chất lượng nội dung, MC của chương trình - nghệ sĩ Trấn Thành cũng là đề tài gây tranh cãi trên mạng. Nhiều ý kiến cho rằng phong cách Trấn Thành không hợp với sân chơi “chất và ngầu” như rap, họ “soi” cả động tác tay (hand sign) của anh không đúng với rap hay việc anh chơi chữ (word play - một trong những nét thú vị của rap) cũng… phô. Song, không ít người ủng hộ anh lẫn bày tỏ sự thích thú vì lối dẫn dắt của Trấn Thành đã góp phần đưa chương trình khó nhằn như Rap Việt đến gần và dễ tiếp cận với đại đa số khán giả hơn.
Trong vô số tranh luận về MC của Rap Việt, có những thắc mắc cùng nội dung: Vì sao cứ liên tục là Trấn Thành?, khi anh cầm trịch một loạt chương trình phát sóng gần nhau thuộc đủ thể loại: hài (Ơn giời cậu đây rồi, Người bí ẩn, Kỳ tài thách đấu), hẹn hò (Người ấy là ai?), tìm kiếm tài năng về âm nhạc - nhảy múa (Rap Việt, Thử thách cùng bước nhảy) lẫn thi thố về trí tuệ từ trẻ em đến người lớn (Nhanh như chớp nhí, Tôi tuổi teen, Siêu trí tuệ Việt Nam…).
Không dễ tìm MC thay thế
Không chỉ Trấn Thành - MC được nhiều nhà sản xuất ưu tiên chọn lựa, khi ở anh hội đủ nhiều yếu tố đảm bảo cả về nội dung lẫn hiệu ứng khán giả (rating), Quyền Linh cũng là gương mặt MC “thân quen” xuất hiện ở rất nhiều chương trình: Tiếp sức hồi sinh, Vì bạn xứng đáng, Bữa cơm gia đình, Bếp chiến, Ca sĩ bí ẩn, Bạn muốn hẹn hò, Mẹ chồng nàng dâu, Giải mã kỳ tài… Dù Quyền Linh từng chia sẻ sẽ giảm bớt hoạt động nghệ thuật, nhưng anh thổ lộ, nhiều chương trình anh khó lòng từ chối khi nhà sản xuất hết lời thuyết phục anh, thậm chí cho biết nếu không phải Quyền Linh dẫn chương trình thì nhà tài trợ… không đồng hành.
|
Cách đây 3 năm, khi nhà báo Lại Văn Sâm nghỉ hưu tại Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và quyết định không dẫn chương trình Ai là triệu phú mà ông đã gắn bó suốt 13 năm, Ban Sản xuất các chương trình giải trí (VTV3) không dễ để tìm được người thay thế vị trí này. Một cuộc tuyển chọn người dẫn chương trình Ai là triệu phú đã được tổ chức. Cuối cùng, không phải là người dẫn chương trình nào của VTV, mà nhà báo Phan Đăng mới là gương mặt được lựa chọn.
MC hiện nay không thiếu, nhưng thiếu MC đáp ứng nhu cầu mới của thị trường giải trí. Nhiều chương trình giải trí mới ra đời nhưng không ít MC vẫn chưa “đủ mới” để bắt kịp xu hướng, giúp chương trình trở nên hấp dẫnNSƯT Vũ Thành Vinh |
Năm 2019, diễn viên Nam Thư thay thế Cát Tường ở vai trò MC Bạn muốn hẹn hò, theo nhà sản xuất nhằm mang đến sự mới mẻ cho chương trình nhưng đã vấp phải không ít phản ứng từ người xem, chủ yếu vì MC mới chưa đáp ứng được sự gần gũi lẫn độ tin tưởng để người chơi sẻ chia. Sau hơn nửa năm, NSND Hồng Vân đã thay Nam Thư dẫn chương trình này vì nhiều lý do.
Nhà sản xuất - NSƯT Vũ Thành Vinh nhìn nhận: “MC hiện nay không thiếu, nhưng thiếu MC đáp ứng nhu cầu mới của thị trường giải trí. Nhiều chương trình giải trí mới ra đời nhưng không ít MC vẫn chưa “đủ mới” để bắt kịp xu hướng, giúp chương trình trở nên hấp dẫn”.
Tiêu chí nào cho MC thời đại mới?
Từ trải nghiệm là thí sinh của Én vàng nghệ sĩ nói riêng cũng như một khán giả, nhà văn Anh Khang nhìn nhận: “Một MC được đông đảo công chúng nhớ mặt quen tên và yêu mến phải là MC biết cách sử dụng ngôn ngữ mang đậm dấu ấn cá nhân và truyền tải ngôn ngữ đó một cách thấu cảm, đồng điệu nhất”. Với Anh Khang: “MC giỏi là người có thể biến một chương trình dành cho tất cả mọi người thành một ngôi nhà riêng của họ, nơi họ thấu rõ hết đồ đạc cất ở đâu, ngóc ngách nào. Nhưng cũng trong chốn riêng đó, MC phải làm sao để khán giả nào cũng nhận ra chính bản thân mỗi người đều thấy mình hiện diện trong ngôi nhà đó. Vậy nên, thấu cảm vẫn là từ khóa quan trọng nhất của người dẫn chương trình”.
Ở góc độ khác, nhà báo - đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng, Phó trưởng ban VTV3, Trưởng ban Giám khảo Đường tới cầu vồng (chương trình tìm kiếm người dẫn chương trình), cho hay: “MC không phải là một nghề nghiệp có thể đào tạo theo sách vở, công thức. Đó chỉ là một tập hợp các kỹ năng cần đến giúp cho một người làm chủ, điều khiển hay giới thiệu chương trình một cách hiệu quả, cuốn hút. Những kỹ năng này là do mỗi cá nhân quan sát, tự thực hành, trải qua một quá trình mà có được”.
Đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng phân tích: “Bạn có kiến thức, có chiều sâu, hiểu biết chung, giỏi nghề, làm chủ bản thân, làm chủ hoàn cảnh... hay thậm chí là có cuộc sống cá nhân đủ tốt để không bị nói ra nói vào, đó là điều kiện cần có. Nhưng điều kiện đủ, chính là sự thông thái và duyên dáng. Tôi vẫn nghĩ một MC giỏi là một MC phải chuyên nghiệp và có đầy đủ mọi tố chất, mọi điều kiện cần. Nhưng một MC xuất sắc thì cần phải có được 2 tính từ trên. Và sẽ rất hiếm có”.
Theo nhà báo - đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng: “Hãy coi MC là một công việc sáng tạo, pha trộn giữa một nghệ sĩ trước công chúng và một người làm một phần việc của công tác báo chí. Bởi nếu chỉ là một diễn viên nói rất hay, rất vui... mà thiếu đi niềm tin từ ngôn ngữ, hình thể, thông tin nói ra, có lẽ chỉ nên gọi họ là MC - Master of Ceremony, chỉ là người quản trò, làm cho cuộc vui, buổi lễ đúng hướng, hấp dẫn. Trong khi những gì diễn ra ở nhiều chương trình hiện nay cho thấy khái niệm MC đang rộng hơn: người dẫn chương trình, bình luận viên/biên tập viên lên hình, người làm chủ chương trình”.
Sau 5 năm vắng bóng, phiên bản mới của Cầu vồng - cuộc thi tìm kiếm người dẫn chương trình từ năm 2009 của VTV - vừa trở lại với tên Đường tới cầu vồng. Thay vì thí sinh thi trên sân khấu mô phỏng các thể loại chương trình truyền hình như trước, Đường tới cầu vồng đưa thí sinh vào trường quay thực của các kênh sản xuất, để họ được thử thách với nhiều định dạng khác nhau. BTC cho biết cuộc thi thu hút gần 1.000 hồ sơ đăng ký tham dự vòng sơ tuyển ở 2 miền nam - bắc.
Trong khi đó, ở Én vàng (HTV) sau 14 năm tổ chức liên tục thì có thêm phiên bản Én vàng nghệ sĩ và Én vàng học đường (từ năm 2018), trong đó phiên bản học đường thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia và tăng dần số lượng đăng ký qua hằng năm.
|
Bình luận (0)