Mê bút hơn vàng

03/09/2017 20:02 GMT+7

Mon men gia nhập vào Hội sưu tầm mua bán bút máy trên Facebook rồi quen được với anh La Trọng Hưng đang sống tại Hà Nội mới hiểu được thế giới của người sưu tầm bút toàn những điều thú vị.

“Tôi không mê vàng bạc, châu báu, chỉ mê mỗi bút mà thôi. Và gia tài bút này là tất cả những gì mà tôi có được! Những năm trước, tôi để bộ sưu tập trong tủ kính chứ không chia sẻ cho bất kỳ ai. Nhưng gần đây, tôi lại nghĩ khác, tôi muốn ai cũng có thể thưởng thức được vẻ đẹp của bút nên mang ra trưng bày cho mọi người cùng ngắm”, chàng trai Hà thành chia sẻ về đam mê sưu tầm bút.
Bộ sưu tập của anh La Trọng Hưng hiện đang trưng bày ở số 5, ngõ 111, phố Thiên Hiền, Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Hiện tại, gia tài của anh chàng này có đến vài trăm cây cả bút máy và bút chì, chủ yếu được sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 1900 đến năm 1980.

tin liên quan

Chủ quán cà phê đam mê đồ cổ
(TNO) Sau nhiều năm sưu tầm khắp nơi, đến nay ông Lê Hữu Tiến (phường Đằng Hải, quận Hải An, TP.Hải Phòng) đã sở hữu nhiều món đồ cổ độc đáo, lạ mắt. 
Niềm đam mê đôi khi đến từ những điều giản dị
Trong bộ sưu tập, anh Hưng quý nhất là cây bút máy hiệu Pilot Super G-500. Tiếp theo là cây Super G-500 rồi mới đến cây Pilot Super Ultra 500… Lý do, anh quý cây Pilot Super G-500 vì: “Trước khi Pilot phổ biến rộng rãi dòng sử dụng ống mực và ruột bút mực thì người ta rất chuộng dòng bút Pilot Super G-500. Dòng bút này được ra mắt vào năm 1955, dừng sản xuất vào đầu năm 1960. Bút có thiết kế ngòi độc đáo, bản rộng, cùng với độ hoàn thiện vượt trội so với những cây khác cùng thời. Đặc biệt, bút có hệ thống bơm mực giống cây bút Hồng Hà đầu tiên sử dụng nên tôi rất thích và thường mang theo khi đi đây đó”.
Mê bút hơn vàng3
Mê bút hơn vàng4
Riêng về bút chì, anh Hưng đặt nhiều tình cảm cho cây Mordan Centennial do hãng S.Mordan & Co. sản xuất. Đây là công ty sản xuất cây chì mechanical (hay còn gọi là: bút chì bấm, bút chì kim) đầu tiên trên thế giới. Cây bút chì Mordan Centennial của anh Hưng được ra đời từ năm 1921 ở Lon Don.
Tâm sự thêm về niềm đam mê của mình, anh nói: “Tôi thích bút từ nhỏ. Nhưng đến khi sống ở Nhật Bản thì mới có cơ duyên tiếp cận với nhiều mẫu bút lạ. Tôi bắt đầu mua bút vào khoảng năm 1997. Thời đó, tôi không nghĩ là sưu tầm mà chỉ gặp thấy thích là mua về chơi. Đến năm 2006, khi số lượng đã nhiều, tôi tính bán bớt nhưng khi tìm thông tin các cửa hàng thu mua đồ cũ mới biết có rất nhiều người sưu tầm bút. Tự nhiên tôi thấy yêu và quý những cây bút của mình và mới bắt đầu ý thức được việc sẽ tìm kiếm thêm những cây bút quý”.
Tiêu chuẩn để anh sưu tầm dựa theo hình dáng ngòi, hình dáng thân, cấu trúc và cơ cấu hoạt động, vật liệu, lịch sử ra đời của bút. “Bút phải đạt được ít nhất một trong các tiêu chí đó thì tôi mới mua về”.
Tốn kém nhưng hạnh phúc
Mê bút hơn vàng1
Mê bút hơn vàng2
Anh Hưng cho biết dân chơi bút thường có thói quen luôn mang theo cây bút bên người: “Điện thoại thì có thể để quên nhưng bút là vật bất ly thân. Tôi thường để một vài cây bút trong ngăn kéo bàn làm việc ở công ty. Một vài cây trong bàn làm việc ở nhà và vài cây mang theo trong cặp xách tay để thi thoảng lôi ra viết chơi mấy chữ, hoặc rửa thay màu mực. Bấy nhiêu thôi, nhưng cũng đủ làm tôi quên luôn cả một ngày làm việc căng thẳng”.
Không có gì vui và hào hứng hơn việc tìm kiếm được thêm một cây bút mới. “Khi còn sống ở Nhật, có lần tôi không thể đợi đến sáng hôm sau nên nửa đêm đã lội tuyết đi hơn cả cây số đến nhận cây bút mới mua. Lúc ấy, trong đầu chỉ nghĩ đến lúc mở gói đồ ra chứ có nghĩ đến chân đang lạnh cóng”, anh Hưng nhớ lại một kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình sưu tầm bút.
Với anh chàng Hà thành này thì những cây bút không chỉ là món ăn tinh thần mà còn phản ánh được xu hướng thẩm mỹ, trình độ kỹ thuật. Bên cạnh đó, thú chơi này còn giúp người ta hiểu thêm về nền văn minh, văn hóa đặc thù của đất nước nơi cây bút được sinh ra.
Người ta nói thú chơi nào cũng tốn kém về thời gian và tiền bạc. Điều này rất đúng với thú sưu tầm bút. Bởi tiền để mua một cây bút có thể đủ để mua một cái ống kính hoặc một cái body máy ảnh tốt, mà người sưu tầm bút đâu thể chỉ sở hữu một cây bút. “Tốn kém là như thế đấy, nhưng những người sưu tầm thì lại cứ cố để tốn hơn. Hầu hết bọn mình thấy hạnh phúc vì điều đó!”, anh Hưng tâm sự.
Ngoài yếu tố tiền bạc thì thú chơi này còn ngốn không ít thời gian, vì không phải chỉ cần vung tiền ra mua thật nhiều bút là thành người chơi thông thái. “Phải tìm hiểu về bút từ sách, tạp chí hoặc các trang giới thiệu về bút như PenHero.com… để nắm được đặc điểm của từng dòng bút. Các tư liệu đó còn giúp người chơi có thể tự sửa được những cây bút hỏng. Người mới bắt đầu sưu tập nên tham gia vào các hội, diễn đàn để chia sẻ thông tin cùng nhau. Việc này giúp tiết kiệm được thời gian tìm hiểu, đồng thời có thể trao đổi hoặc bán lại cho người khác những cây bút mà mình không muốn giữ nữa để giảm tải trọng về tài chính”, anh Hưng khuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.