Nhớ về Lá sầu riêng của NSND Kim Cương cách đây hơn nửa thế kỷ và Mẹ chồng rắc rối của tác giả Nguyễn Thu Phương mới toanh chừng hai năm rưỡi, chỉ cần đối chiếu 3 vở kịch này thôi đã thấy nhiều điều thú vị.
Tào Ngu có vở kịch đình đám là Lôi Vũ đã từng hớp hồn khán giả Việt Nam cách đây hơn 30 năm với tài năng của Thành Lộc, Hồng Vân, Việt Anh, Quốc Thảo, Phương Linh, Hữu Châu… Chưa kể, sân khấu Kim Cương và sân khấu cải lương cũng dựng Lôi Vũ. Cho nên, khi CLB Lệ Ngọc giới thiệu Kim Tử là vở kịch của Tào Ngu thì khán giả Sài thành đã rất kỳ vọng. Thật sự, khả năng diễn xuất của các nghệ sĩ như NSND Lệ Ngọc, NSƯT Tạ Tuấn Minh, Trương Thu Hà, Lâm Cương, Lưu Hoàng đều khá tốt. Giọng Bắc chuẩn, kỹ thuật biểu diễn tương đối chắc tay, dẫn khán giả đi suốt vở không ai ngán ngẩm bỏ về. Vậy là mừng giữa cái nơi mà thị trường sân khấu vô cùng khắc nghiệt.
Tuy nhiên, cũng có những suy ngẫm quanh nội dung vở kịch, câu chuyện về nàng Kim Tử bị ép gả vào nhà Tiêu Đại Mẫu. Bên cạnh khoảng cách giàu nghèo, còn có sự hà khắc của bà mẹ chồng, và còn có một tình yêu riêng tư bị đè nén. Cho nên, ngay từ cảnh đầu tiên vào kịch, đã thấy Kim Tử than thở với chồng về sự hà khắc đó. Nhưng người xem lập tức phản cảm với cô gái này, thay vì phải thương cô cho đúng nghĩa là “bi kịch” đời cô theo như tờ rơi quảng cáo. Bởi người ta chưa thấy bà mẹ chồng xuất hiện, mà đã nghe cô lặp lại 3-4 lần câu nói: “Mẹ anh cứ bảo em là hồ ly tinh, sẽ đi theo người khác, vậy em sẽ theo người khác cho mẹ xem”. Ôi, có thể chấp nhận kiểu trả đũa mẹ chồng như thế không?
|
Bối cảnh là giai đoạn cuối của thời phong kiến, khi người ta muốn vùng vẫy để thoát khỏi sự đè nén, nhưng cũng còn bị ảnh hưởng không nhỏ từ các chuẩn mực đạo đức Nho giáo, thì lẽ nào có một cô gái dám chà đạp đức hạnh của mình như thế? Hoặc ngay cả cô dám theo trai, thì cứ âm thầm để trong bụng, hở ra là bị ngâm lồng heo chứ chẳng phải đùa mà tuyên bố dõng dạc như thế. Thâm tâm tôi vẫn ủng hộ tình yêu, ủng hộ sự đấu tranh của cô, nhưng cái kiểu cô ăn nói như vậy làm mất cảm tình quá. Trong khi anh chồng thì rất hiền lành, cưng chiều vợ, năn nỉ vợ, đưa tiền vợ xài, hẹn xong chuyến đi buôn xa thì về sẽ mua quà cho vợ. Cô nói như tạt vào mặt chồng “em sẽ theo người khác” không có chút nào tôn trọng chồng. Một cô gái nếu ghét mẹ chồng thì cũng phải tội nghiệp chồng một chút vì anh ta quá yêu mình, thế mới gọi là “có tâm”.
Chưa hết, cô còn hỏi dồn dập: “Nếu mẹ và em cùng rơi xuống nước, anh sẽ cứu ai?”. Hỏi hoài, anh chồng cứ bần thần trả lời nhát gừng: “Thì mẹ bị mù mà…”. Cô vặn: “Nghĩa là anh cứu mẹ chứ gì?”. Cô vùng vằng giận dỗi bắt anh phải nói câu “Cứu em” thì cô mới cho chồng ra đi. Anh chồng nói luôn cho xong, kẻo trễ chuyến. Cô cười hỉ hả. Còn những chi tiết về sau thì rõ ràng đẩy mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu càng sâu đậm hơn, và kết thúc bằng những cái chết ghê rợn. Nhất là khi Kim Tử dẫn người tình Cửu Hồ về nhà chồng, và chính Cửu Hồ đã giết chồng cô trong căn nhà ấy, lại gián tiếp giết đứa bé con riêng của chồng cô nữa. Đành rằng nhân quả của gia đình Tiêu Đại Mẫu đối với Cửu Hồ là phải giải quyết, nhưng cái cách mà Kim Tử tham gia vào xem ra nó kinh khủng thế nào ấy…
|
Miền Nam từng có một vở kịch đình đám mà cho đến bây giờ hơn nửa thế kỷ người ta vẫn xem đi xem lại, và vẫn khóc: Lá sầu riêng, với tài năng kiệt xuất của NSND Bảy Nam và NSND Kim Cương. Riêng nói về quan hệ mẹ chồng nàng dâu thì Kim Cương đóng vai cô Diệu, còn nghệ sĩ Túy Hoa đóng vai bà hội đồng, mẹ chồng. Bà Túy Hoa đóng xuất sắc, với vẻ dữ dằn giấu trong sự mềm mỏng, lịch sự, sang cả. Khán giả “chửi” bà mẹ chồng này nhưng đồng thời cũng “mê” bà vô cùng. Bà diễn từ tốn, không cần lên gân, nhưng từng cái liếc mắt, từng cái nghiến răng lóe lên đủ cho thấy sức nặng. Còn cô Diệu, tuy hoàn cảnh ngang trái y như Kim Tử, thậm chí còn bị hành hạ nhiều hơn cả Kim Tử, bị ăn mặc rách rưới chứ không quần áo lượt là như Kim Tử, bị làm công việc nhà quần quật, và con trai cô Diệu còn không được gọi cô là mẹ, mà gọi là chị Hai… Nhưng cô Diệu vẫn giữ được sự đoan trang, phẩm hạnh, lễ phép của một người có giáo dục. Điều này khiến người ta nể trọng Diệu hơn. Trong cảnh khổ, cô có thể lén chửi mẹ chồng được chứ, nhưng không hề. Cô giữ là giữ cho phẩm cách của mình. Chính vì vậy mà người ta nể và thương, thương từ đầu đến cuối. Sau này, khi cô kể cho con trai nghe về bà nội, cũng không có lời nào chì chiết. Lễ nghĩa ấy mới đủ dạy con thành nhân chi mỹ, mới đủ làm gương cho con quay về nẻo sáng. Sức mạnh của cô Diệu không nằm ở sự phản kháng thô tháo, mà ở lễ nghĩa tiềm ẩn trong từng cách đi đứng, ăn nói. Bất công rồi trôi qua, bi kịch rồi cũng trôi qua, cuối cùng cái còn lại là lễ nghĩa, phẩm hạnh của cô luôn ngời sáng.
Cô Diệu có một mối tình còn thơ mộng hơn cả Kim Tử. Nó e ấp trong lá sầu riêng. Nó trong trắng trong tà áo dài. Nó chân thành trong từng xu nhỏ dành dụm gửi cho anh Hoàng đi ăn học. Và nó cũng tan vỡ đớn đau khi người ta đẩy cô vào cảnh làm vợ bất đắc dĩ. Nhưng khi gặp lại nhau, hai người vẫn giữ lễ, rồi Diệu chấp nhận hi sinh chữ tình một lần nữa để chọn đứa con, bảo bọc che chở con khỏi sóng gió cuộc đời. Tình yêu của Diệu quá lớn, vượt lên mọi đấu tranh bình thường.
Đến vở Mẹ chồng rắc rối của tác giả Nguyễn Thu Phương thì mẹ chồng nàng dâu đã mang màu sắc hiện đại của năm 2016, nhưng vẫn là chừng ấy mâu thuẫn về tiền bạc, tranh giành tình cảm với người đàn ông của mình, rồi nết ăn nết ở… có khác gì chuyện xưa đâu! Chỉ khác chăng là không dễ ăn hiếp nàng dâu như xưa. Nhưng, cuối cùng vở kịch lại rất nhân văn. Khi xảy ra sự cố thì cả mẹ chồng lẫn nàng dâu đều bộc lộ tình thương, quyết hi sinh cho nhau, và biết đoàn kết để sinh tồn. Khán giả rơi nước mắt. Cần để người ta sống như thế, chứ không chỉ có đấu tranh, căng thẳng. Tình thương gia đình như ngọn lửa âm thầm cháy dưới lớp tro, không bao giờ lụi tắt. Nói gì thì nói, khi ở gần nhau thì không tình cũng nghĩa, khó thể vô cảm, lạnh lùng. Khán giả xem xong chợt yêu cả bà mẹ chồng rắc rối và cô con dâu tân thời này vô cùng, sao họ quá chừng dễ thương và gần gũi với thực tế hôm nay. Chắc chắn trong nhiều gia đình đang hiện diện cả hai nhân vật này, và chắc chắn vở kịch đã “hòa giải” giùm cho họ rất nhiều để cả nhà nắm tay nhau thêm hạnh phúc.
Xem ra Tào Ngu có giá trị riêng của ông, nhưng Kim Cương hoặc Nguyễn Thu Phương cũng có giá trị riêng, không thể cứ nói tác giả lớn là hay, kịch bản kinh điển là nhất. Nghệ thuật cần hướng người ta đến sự rung động, yêu thương. Đời đã quá nhiều cái ác, cái xấu, thì xin tưới tẩm tâm hồn bằng một chút ngọt ngào vẫn hơn.
Bình luận (0)