Điều khiến anh băn khoăn lẫn… khó hiểu là “nhiều đối tác cứ yêu cầu y như nhau: phải khắc họa được hình ảnh người mẹ chịu thương chịu khó, khổ cực, một mình nuôi con, buồn, cô đơn” khi mong muốn dùng âm nhạc và tranh cát động để chuyển tải tình cảm yêu thương, biết ơn dành cho những người mẹ.
Một tranh cát vẽ mẹ nghèo và buồn |
T.Đ |
“Vẽ cho một vài clip đầu thì còn hứng thú, đến cái thứ 6 - 7 thì mình hoảng thực sự vì không biết phải vẽ như thế nào với cùng ý tưởng theo yêu cầu như vậy. Cứ mẹ còng lưng thắp đèn dầu, mẹ nghèo gánh rau, mẹ già che mưa... làm tới”, anh nói và thổ lộ lý do vì sao nhiều người hỏi dạo này nhìn mặt anh hay “quạu đeo”, vì: “Vẽ sợ nhất là không trung thực, bị trùng nội dung, đề tài lặp đi lặp lại... nên thông cảm cho họa sĩ”.
Một số nhà tổ chức chương trình cho rằng những hình tượng người mẹ gắn với đèn dầu, quang gánh, nhà tranh... cũng có, nhưng đó là của thời quá vãng; ngày nay hình ảnh mẹ khác nhiều rồi, đó là những bà mẹ trẻ trung năng động, mẹ lái xe hơi, mẹ xài điện thoại thông minh trò chuyện từ xa với con cháu, bạn bè… “Khi trao đổi với đối tác, khách hàng, tôi luôn gợi mở những ý tưởng mới mẻ, hiện đại cùng lý do thuyết phục: không hẳn mẹ phải nghèo, khổ, buồn… thì mới nuôi con thành đạt và mới xúc động. Chẳng hạn như những câu chuyện khi tôi vẽ cùng bài hát Nhật ký của mẹ (Nguyễn Văn Chung), công chúng trân quý khi họ nghe bài hát về mẹ mang hơi thở đời sống đương đại, nói về tình yêu của người mẹ dành cho con, đó là một người mẹ hạnh phúc vì được thực hiện thiên chức của mình: mang thai, sinh con, nuôi con, dõi theo từng bước chân lớn khôn của con và vui sướng khi thấy con được sống trong tình yêu thương gia đình, thầy cô, bè bạn… Nhưng cứ đề cập hình ảnh một người mẹ hạnh phúc thì hiếm ai gật đầu”, họa sĩ bày tỏ.
Không chỉ trong biểu diễn tranh cát, mà sự khốn khó, đáng thương của người mẹ cũng dễ dàng bắt gặp trong trích đoạn các chương trình truyền hình thực tế hiện nay, hoặc trong MV ca nhạc. Trong khi, như lý lẽ của họa sĩ Trí Đức, tâm lý ôn nghèo kể khổ thường được ưa chuộng, nhưng điều đó dường như không đúng lắm với người thành công, thành đạt, bởi đó là những người nếu có khó khăn trở ngại họ đã phải vượt qua bằng chính ý chí của mình và quan trọng là họ phải có chỗ dựa về tinh thần vững chắc. Vậy nên luôn thể hiện hình ảnh mẹ nghèo mẹ buồn liệu có hợp lý?
“Tôi nghĩ rằng, thời nào cũng có người nghèo, thiếu thốn nhưng cứ thể hiện hình ảnh mẹ là phải nghèo khó, buồn bã thì không tự nhiên, lại khiên cưỡng nữa, trong lúc xã hội đang tốt lên hằng ngày, người ta biết cách tận hưởng niềm vui, hạnh phúc, và những người mẹ cũng vậy”, họa sĩ Trí Đức chia sẻ.
Bình luận (0)