'Mẹ' của 12 trẻ khuyết tật

25/10/2018 08:46 GMT+7

Khi cô giáo đang giảng bài, dưới lớp có em ngồi co chân lên ghế, em ngủ, em đứng nói luyên thuyên... Đó là cảnh bình thường trong lớp học của cô giáo Nguyễn Thị Hội, Trường tiểu học Sơn Lạc, H.Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

[VIDEO] Chuyện hai người mẹ của những “đứa con” khuyết tật
Làm công việc mà nhiều người từ chối
Với sự tận tụy vì học sinh khuyết tật, cô Nguyễn Thị Hội sẽ được tôn vinh trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH và Tập đoàn Thiên Long tổ chức trong dịp 20.11 năm nay.
Cả 12 học sinh (HS) từ 6 - 14 tuổi trong lớp học của cô Hội đều bị khuyết tật nặng và có những thói quen không giống ai.
Chúc Minh Đức bị nhũn não bẩm sinh, kết hợp câm điếc, khi đến lớp chỉ đòi ngồi vào lòng cô giáo. Ma Văn Khánh bị tăng động, thiểu năng trí tuệ, nghịch ngợm, luôn chạy nhảy, không ngồi yên một chỗ. Lâm Thùy Nhung bị liệt 2 chân, không có cơ vòng hậu môn, không làm chủ được việc đại tiện. Chúc Thị Hoa đã đến tuổi dậy thì nhưng cũng không tự chăm sóc được bản thân do thiểu năng trí tuệ. Còn 1 em bị bệnh huyết tán, hằng tháng gia đình phải đưa đi lọc máu…
Cả 12 HS trong lớp đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em thuộc hộ nghèo, không có tiền chữa bệnh. “Tuy vậy, những lúc bên các em tôi thấy rất vui vẻ, yêu công việc mà nhiều người từ chối làm”, cô Hội tâm sự.

Kể về cơ duyên đến với nghề dạy học trẻ khuyết tật, cô Hội cho biết khi mới ra trường (năm 1989) cô có 5 năm dạy ở một trường vùng sâu của H.Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Sau đó, cô được chuyển về Trường tiểu học Sơn Lạc (xã Kim Phú, H.Yên Sơn) công tác. Từ năm 2008, cô bắt đầu nhận dạy kèm và hỗ trợ lớp khuyết tật của trường, rồi gắn bó với các em từ đó đến nay. Nhiều năm liền cô được công nhận giáo viên giỏi cấp trường. “Dạy HS khuyết tật rất vất vả vì không chỉ dạy chữ mà còn dạy các em biết tự phục vụ. Dạy HS bình thường ở lớp 1 đã khó, dạy các em khuyết tật còn khó khăn gấp nhiều lần. Để làm được việc này, giáo viên cần kiên trì, có tấm lòng, có tình yêu thương, sự thông cảm... đối với HS”, cô Hội chia sẻ.
Từ tình yêu thương của cô Hội, nhiều em đã tiến bộ và khôn lớn. “Với nhiệm vụ dạy chữ, ban đầu cháu viết chữ rất to, có cháu cả năm chỉ hoàn thiện được một chữ cái, sau đó cháu đã viết được chữ nhỏ như các cháu khác và nét chữ rõ ràng, tròn trịa, khá đẹp. Có những em như Nhung và Khánh rất ham học và học rất nhanh, nên luôn đạt điểm cao, xếp loại khá trong học tập”, cô Hội tự hào kể.
Yêu học sinh như con
“Khi được chuyển về dạy học ở Trường tiểu học Sơn Lạc, khó khăn chồng chất, cha lâm trọng bệnh, gia đình tôi phải bán hết nhà đất lo chữa bệnh mà ông cũng không qua khỏi. Chồng tôi cũng do lao động quá sức mà lâm bệnh chết, bỏ lại cho tôi đứa con trai cùng mẹ già ốm nằm liệt một chỗ. Nơi ở không có, mẹ con tôi thuê một căn nhà để ở. Nhưng nhờ sự yêu thương đùm bọc, hỗ trợ của đồng nghiệp, công đoàn nhà trường mà nay mẹ con tôi cũng có căn nhà để ở, tôi cũng yên tâm công tác hơn”, cô Hội chia sẻ.
Điều trân trọng ở cô Hội là dù hoàn cảnh éo le nhưng cô vẫn hết lòng giúp đỡ các HS, chăm lo cho các cháu như con của mình. Sáng sáng cô đến trường sớm hơn đồng nghiệp để đón em Đức vì mẹ em bán hàng ăn sáng, gửi con rất sớm; dành tiền lương của mình mua bỉm hằng tháng cho em Nhung... Mỗi lần HS bị bệnh, cô đều trích tiền lương thăm hỏi, động viên. Đặc biệt, khi có những biến cố xảy ra với các em, cô cũng đau đớn như những người đã sinh ra chúng.
“Có một kỷ niệm buồn mà tôi không bao giờ quên, đó là em Triệu Phúc Lập bị tim bẩm sinh, không có vách ngăn, hở van tim. Tình trạng bệnh của em không thể phẫu thuật được, thời gian em ốm nhiều hơn đi học. Nhưng Lập rất thích học và là một HS ngoan, luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Gia đình em lại quá khó khăn. Mỗi lần em đi truyền máu, tôi và các thầy cô trong nhà trường cũng đã quyên góp để giúp đỡ. Nhưng sau nhiều năm chạy chữa, kinh tế gia đình không còn, tình trạng bệnh xấu đi. Đến ngày 7.3.2017 em đã ra đi mãi mãi...”, cô Hội xúc động kể lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.