Mẹ đơn thân đau đẻ khi phụ hồ: Vào viện không tiền, sinh được cặp trai gái

05/05/2019 19:02 GMT+7

Đang phụ hồ thì đau bụng đẻ, sản phụ tự vào viện mà không có tiền, không quần áo cho con. 2 phút sau sinh thường 1 bé gái rồi sinh mổ được 1 bé trai. Các bác sĩ vừa cứu mẹ cứu con, vừa lo gọi người nhà.

Bác sĩ chia nhau đỡ sinh 2 bé, gọi người nhà, xin quần áo cho bé

Ngày 5.5, bác sĩ Lê Thái Bình, Giám đốc Trung tâm y tế TX.An Nhơn (Bình Định), cho biết sức khỏe của 3 mẹ con sản phụ Võ Thị Tình (28 tuổi, ở thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng, H.Tuy Phước, Bình Định) đã ổn định, đang chờ ngày xuất viện.
Theo bác sĩ Lê Văn Vinh, Phó phụ trách khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Trung tâm y tế TX.An Nhơn), khoảng 8 giờ 48 phút ngày 3.5, bất ngờ có một sản phụ đến khoa này nói bị đau bụng đẻ, sắp sinh. Sản phụ khai tên Võ Thị Tình, mang thai lần thứ 3 và đang đi phụ hồ thì đau bụng nên tự mình đến bệnh viện.
Các bác sĩ vừa đưa sản phụ Tình vào phòng thì phải đỡ đẻ ngay. Đến 8 giờ 50 phút, sản phụ này sinh ra một bé gái nặng 2,8 kg. Sau đó, các bác sĩ phát hiện chị Tình vẫn còn một thai nhi trong bụng nhưng tư thế nằm ngang, không thể sinh thường. Bác sĩ Vinh lập tức điện trực tiếp cho bác sĩ Bình để thông báo tình hình và mời hội chẩn khẩn cấp.
“Thai nhi thứ 2 nằm ngang, bánh nhau thai vẫn còn trong bụng mẹ nên nguy cơ xảy ra băng huyết rất cao. Nếu không có giải pháp kịp thời thì sẽ nguy hiểm đến thai nhi vào sức khỏe của sản phụ. Ngoài việc mời hội chẩn khẩn cấp, chúng tôi còn cử điều dưỡng chăm sóc bé gái vừa sinh và cử điều dưỡng khác đi xin quần áo cho cháu. Chị Tình đi sinh một mình, mặc quần áo rộng thùng thình, trong người không mang theo tiền bạc và cũng chẳng có quần áo cho trẻ sơ sinh trông rất đáng thương”, bác sĩ Vinh kể.
Trung tâm y tế TX.An Nhơn HOÀNG TRỌNG
Bước vào phòng hội chẩn, bác sĩ Bình chỉ đạo đưa sản phụ đi siêu âm khẩn cấp, đồng thời yêu cầu phòng mổ chuẩn bị. Hầu hết các bác sĩ khoa sản được huy động để chuẩn bị cứu mẹ con sản phụ Tình. Khi bác sĩ siêu âm gọi điện thông báo tim thai bắt đầu suy yếu thì bác sĩ Bình yêu cầu chuyển ngay vào phòng mổ.
“Thông thường, khi sinh mổ phải có người nhà sản phụ và phải được họ đồng ý mới mổ nhưng trong trường hợp này thì không thể chờ được, bác sĩ giám đốc cơ sở y tế được quyền chỉ định mổ để cứu mẹ, cứu con. Bệnh viện chúng tôi không phải là bệnh viện ở trung tâm nên lượng máu dự trữ không có nhiều, rất cần người nhà để họ sẵn sàng cho máu trong trường hợp khẩn cấp. Nhưng trong cấp cứu thì bất chấp mọi nguyên tắc, cần phải nhanh, chính xác để kịp thời cứu người trước đã”, bác sĩ Bình nói.
Trong khi các bác sĩ đang phẫu thuật cho chị Tình, bên ngoài phòng mổ, bác sĩ Bình dùng điện thoại của sản phụ này tìm số người nhà để gọi nhưng cả 2 sim đều không còn tiền. Một nữ hộ sinh lập tức nộp tiền vào một sim trong điện thoại của chị Tình nhưng vào vẫn không gọi được vì tài khoản bị âm, số tiền vừa nạp vào đã bị trừ nợ hết.
Bác sĩ Bình dùng điện thoại của mình gọi cho anh trai chị Tình thì người này rất bất ngờ khi hay tin và cho biết mình đang ở Gia Lai nên không về kịp, nhờ bác sĩ cứu em mình và nói sẽ gọi báo người nhà.
Bác sĩ Bình tiếp tục tìm được số mẹ chị Tình nhưng khi nghe tin con mình nhập viện đẻ cũng tỏ ra bất ngờ, hỏi con mình đang ở bệnh viện nào rồi không nói gì nữa.
Bác sĩ Lê Thái Bình thăm 2 con của chị Tình ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Đến 9 giờ 10 phút cùng ngày, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công, đưa ra ngoài một bé trai nặng 2,6 kg. “Khi quyết định mổ mà không có người nhà sản phụ, tôi rất lo lắng nhưng không thể nào làm khác được. Đứng bên ngoài phòng mổ chờ, ai cũng hồi hộp. Đến khi nghe trong phòng mổ có tiếng khóc thì ai cũng vỡ òa, vui mừng. Hạnh phúc của những người làm y bác sĩ chỉ đơn giản vậy thôi”, bác sĩ Bình nói.

Mẹ sản phụ hay tin con đẻ thì... ngất xỉu

Mẹ chị Tình là bà Lê Thị Kim Chung (61 tuổi, mẹ chị Tính) đến Trung tâm y tế TX.An Nhơn khi con gái đã sinh xong. Lần đầu tiên nhìn thấy 2 đứa cháu ngoại vừa ra đời đang nằm ngủ, rồi nhìn con gái nằm giường bên cạnh, bà Chung nghẹn ngào.
Đến chiều 4.5, khi kể về con gái mình, bà Chung cũng không cầm được nước mắt. Vợ chồng bà có 5 người con, đều lập gia đình, ở riêng nhưng hoàn cảnh ai cũng khó khăn. Khi người con trai (hiện đang sinh sống ở Gia Lai) bị bệnh nặng, vợ chồng bà Chung phải bán ruộng để chạy chữa. Cách đây 8 năm, bà đi làm thuê cho một gia đình chuyên làm nghề bánh tráng ở gần nhà để trang trải cuộc sống.
Chị Tình có chồng sớm. Khi đứa con trai đầu được 3 tuổi thì vợ chồng li hôn, chị ôm con về ở với mẹ. Hàng ngày, chị Tình đi làm phụ hồ, đổ bê tông… để kiếm tiền nuôi con trai.
“Trong nhà chỉ có vợ chồng tôi, con Tình và đứa cháu ngoại đó. Tôi đi làm suốt ngày, đến tối mới về. Con Tình cũng đi làm suốt, dù ban đêm, sáng sớm mà có mối đổ bê tông là nó đi. Mẹ con gặp nhau có mấy đâu nên nó có thai khi nào tôi chẳng biết, nó giấu kín có nói đâu. Đến khi bác sĩ gọi điện nói nó sinh con tôi rất bất ngờ”, bà Chung ứa nước mắt kể.
Bà Lê Thị Kim Chung rưng rức nước mắt khi kể về con gái ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Bà Chung cho biết khi nghe bác sĩ báo tin con gái đẻ, bà chỉ hỏi ở bệnh viện nào rồi ngất xỉu. Bà chủ lò bánh tráng lay dậy rồi chở về nhà để lên bệnh viện nuôi con.
“Cái khó của gia đình tôi thì kể bao giờ cho hết. Tội mấy đứa nhỏ mới sinh mà mẹ nó có mua quần áo đâu, may nhờ mấy cô điều dưỡng xin về cho. Các y tá, điều dưỡng, bác sĩ và mấy người khác thấy chúng tôi khổ quá họ còn cho tiền để mua thêm sữa cho 3 mẹ con. Chúng tôi không có đồng nào mà được các y bác sĩ và mọi người cưu mang để mẹ tròn con vuông. Đấy là niềm an ủi với chúng tôi nhiều lắm”, bà Chung nói.
Theo các bác sĩ khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, mẹ con sản phụ Võ Thị Tình tuy ổn định sức khỏe nhưng cuộc sống phía trước sẽ gặp nhiều khó khăn. Hiện các cháu rất thiếu thốn về quần áo và dinh dưỡng trong thời gian sắp đến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.