Mẹ Dung 18 năm là đôi chân cho con

14/03/2021 08:29 GMT+7

'Mẹ ơi, con mỏi chân, mẹ nhấc lên giúp con với', Thoại Anh khẽ nói. Bà Dung cúi sát bên con, hỏi thế này đã được chưa. 18 năm qua, người mẹ là đôi tay, đôi chân cho con bất kể ngày đêm.

Chúng tôi gặp nữ sinh Lê Thoại Anh (lớp 12, Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) và mẹ, bà Nguyễn Thị Dung, 54 tuổi. Nghe con gái kể lại hành trình 12 năm đến trường bên tình yêu thương bao la của mẹ, thầy cô và các bạn, bà Dung chấm nước mắt nghẹn ngào.

Người mẹ không được phép bệnh để chăm lo cho con

Thoại Anh bị khuyết tật bẩm sinh, teo cơ 2 tay và 2 chân. Trừ việc cầm bút viết chữ và sử dụng máy tính (trong thời gian ngắn), Thoại Anh không thể tự làm gì, kể cả tự ngồi hay ngả đầu sang hướng mà mình thích. 18 năm qua, bà Dung giúp con tất cả mọi sinh hoạt và cùng con đến trường.
“Sinh ra con đã như thế, lúc nhỏ còn cử động được chân một chút, giờ thì hoàn toàn không. Đêm con muốn cựa mình cũng gọi “mẹ ơi”. Sáng thì 5 giờ mẹ dậy, vệ sinh cho con, cột tóc, bón cơm cho con, bồng con ngồi lên xe ôm, giữ con cho khéo kẻo đau con. Bác xe ôm tôi thuê theo tháng tốt bụng lắm, thấy tôi bồng con bé là chạy tới giúp. Rồi tôi bồng con vào cổng trường, có xe lăn sẵn ở đó, đẩy con vào lớp. Con học bài thì mẹ về bán bột chiên, trưa đi đón con, ngày nào cũng vậy”, bà Dung kể.
Xe bột chiên trước nhà số 64, tổ 14, khu phố 10, P.An Bình, TP.Biên Hòa, nơi bà Dung thuê, được nhiều em học sinh tìm tới ăn, một phần là món ăn ngon, phần khác, ai cũng muốn ủng hộ người mẹ tảo tần. Mỗi tháng, bà Dung thuê xe ôm mất 1 triệu rưỡi, chưa kể tiền sinh hoạt, thuốc men. Cột sống chèn vào phổi, Thoại Anh thường xuyên bị khó thở, có đợt phải nằm viện 21 ngày ở Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM.
Thoại Anh tên ở nhà là Thỏ, “vì bé có 2 cái răng cửa như con thỏ vậy”. Bà Dung kể, 18 năm qua được là mẹ của Thỏ, bà không được phép ốm và may mắn là trời thương. “Tôi phải khỏe để bồng bế, chăm lo cho con. Con bé ăn ít cơm, nó nói sợ nặng lên thì mẹ không bế con được nữa”, bà Dung mắt đỏ hoe.

"Vì là người mẹ"

Lần đầu tiên cũng là duy nhất bà để Thoại Anh một mình ở nhà, đó là hơn 10 năm trước, sáng chủ nhật, bà tranh thủ đi nhà thờ. Chạy về nhà, con gái bị dị ứng, người nổi đầy mề đay, đang ráng sức trườn xuống sàn nhà tắm lấy nước. Bà Dung khóc òa, ôm chặt con.
Còn một kỷ niệm bà Dung nhớ mãi, ngày Thoại Anh học tiểu học, nhà gần trường, bà bồng con đi bộ. Mưa lớn, nước chảy đầy đường, không nhìn rõ, bà Dung thụt nửa bàn chân xuống nắp cống. Mẹ ngã thì được, chứ nhất quyết con không được rớt, bà Dung chới với ôm cứng lấy con, kêu ầm ĩ. Mấy người đi đường xúm lại, người bồng con giúp, người kéo bà Dung lên. Chân bà bị đau cả tuần, Thoại Anh không hề hấn gì. Bà cười: “Thỏ giờ hơn 40 kg, ai cũng khen tôi tài, sao bồng con giỏi thế. Tôi nói, vì là người mẹ. Chỉ mẹ mới có thể yêu thương con và làm mọi thứ vì con”.
Chồng bà Dung làm bảo vệ cho một trại chăn nuôi ở xa nhà, có khi cả tháng mới được về thăm vợ con một lần. Trên Thoại Anh còn một chị gái, đang là sinh viên năm cuối ngành Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Lam lũ cả đời nuôi dạy 2 con nhưng trên gương mặt hiền hậu của bà Dung, không bao giờ thấy sự oán thán.
Thoại Anh, cô nữ sinh 18 năm đi học nhờ vòng tay, đôi chân của mẹ, xúc động: “Em cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều bạn khuyết tật khác. Ba em ít nói, nhưng về nhà lần nào cũng ôm em. Ba tặng em sợi dây chuyền có hạt gạo khắc tên em. Ở trường, lúc nào em cũng được cưng chiều như một em bé. Em ước sẽ đậu ngành tâm lý học, Trường ĐH Đồng Nai để có thể giúp được nhiều hơn những bạn cùng hoàn cảnh như em”.
Còn mẹ nữ sinh bộc bạch: “Tôi cảm thấy hài lòng. Chồng tôi rất quan tâm vợ con. 2 con gái tôi ngoan ngoãn, thương nhau. Chúng tôi được nhiều người giúp đỡ. Thỏ là món quà trời tặng cho tôi. Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn được là mẹ của Thỏ, là đôi tay, đôi chân của con suốt cuộc đời”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.