Xứ sở của gió Lào và cát trắng, của nắng gắt và mưa dầm, của biết bao cuộc đời với đôi quang gánh trĩu nặng trên vai.
Ngày ấy quê tôi còn nghèo lắm, không ai có nổi chiếc xe đạp, ngay cả xe bò bánh lốp cũng được coi như cả một gia tài. Đàn ông hầu hết đều phải rời làng đi làm thuê làm mướn nơi xa, mọi vất vả lo toan dồn hết lên vai những người phụ nữ ở lại với bầy con thơ dại. Gánh phân ra bón ruộng, gánh khoai lúa về nhà, gánh rau đi phiên chợ sớm đều trên đôi vai các bà các mẹ. Áo mẹ tôi bao giờ cũng sờn bạc đầu tiên ở hai vai, hết tấm vá này đến tấm vá khác dày lên cùng với vết lõm xuống nhẵn bóng mồ hôi nơi đòn gánh. Sợi dây mây buộc quang gánh đã mấy lần đứt rồi thay mà manh áo vá vai vẫn theo mẹ suốt bốn mùa bởi tấm vải lành mẹ dành dụm may đồ cho mấy chị em tôi mặc đến trường khỏi tủi thân với chúng bạn.
Tôi nhớ năm lên lớp hai có lần đau chân không đi học được, mẹ bế tôi đặt vào một đầu thúng rồi gánh tới lớp, đầu kia là cặp sách và đứa em út của tôi mới vừa biết lật phải mang theo luôn vì để ở nhà không có ai trông. Tôi đội chiếc mũ tai bèo cũ rách của cha, mẹ che nắng cho em bằng chiếc nón mê thủng lỗ chỗ còn trên đầu mẹ chỉ buộc một tấm khăn vuông. Ngồi trong thúng tôi cứ ước con đường dài mãi ra để được xoay xoay bồng bềnh theo từng nhịp chân của mẹ, đâu biết rằng mẹ vừa sinh xong dậy mất sức lại thiếu ăn nên vừa run rẩy bước vừa cắn răng nén những cơn đau.
Niềm vui lớn nhất thuở ấu thơ chúng tôi là lúc mẹ đi chợ về. Đôi quanh gánh của mẹ dường như gánh theo cả thế giới bí mật thần kỳ với bao nhiêu thức quà từ phố huyện. Hôm nào mẹ đi chợ là chị em cứ tha thẩn chơi loanh quanh đầu ngõ, thấy bóng mẹ từ đằng xa liền reo lên háo hức chạy ùa tới đón. Mẹ mỉm cười lau mồ hôi đặt gánh xuống khỏi vai, chiếc mẹt thưa đậy trên thúng được mở ra từ từ, bên dưới đó thế nào cũng có một đùm kẹo bột, chiếc bánh tráng nướng giòn hay gói bỏng ngô thơm nức. Những món quà ít ỏi được chia đều cho mấy đứa con đang đứng vây xung quanh, thòm thèm đến nỗi hai tay lấm lem đất cát chỉ kịp chùi vội vào vạt áo rồi xòe ra đợi lấy phần của mình. Thế nhưng cũng có hôm chợ ế, mẹ gánh rau đi lại gánh rau về, mở chiếc thúng ra chỉ có mớ dưa cải đọt khoai héo rũ, chị em tôi ngơ ngác nhìn nhau. Mẹ nói hôm nay bà bán kẹo đi vắng nên bữa sau mới mua được nhưng bé út không chịu liền òa lên khóc nức nở. Tôi cố lục tìm lần nữa trong thúng vẫn chẳng thấy gì nên mếu máo khóc theo. Mẹ bế hai đứa lên tay càng cố sức dỗ dành thì em khóc càng to, mồ hôi lẫn với nước mắt ướt đầm manh áo vá. Hình như trong đó có cả nước mắt đắng cay xa xót phận nghèo của mẹ mà chúng tôi vô tâm nào có biết.
Khi chúng tôi trưởng thành thì cha mẹ đều đã già. Cuộc sống dẫu không còn phải lo lắng gì vì đã có con cái chu toàn nhưng thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn thích gánh hàng ra chợ bán. Tôi muốn mẹ nghỉ ngơi an dưỡng nhưng mẹ không chịu nghe theo, cha tôi bảo niềm vui tuổi già của mẹ chỉ có thế nên thôi đành cứ để mẹ đi. Đôi quang gánh của mẹ bây giờ nhỏ xíu, trong đó chỉ có mấy quả ớt, dăm bó rau thơm, trái đu đủ vừa chín tới, bán được vài đồng tiền lẻ về ngồi tỉ mẩn vuốt phẳng phiu rồi đếm đếm suốt ngày. Thương mẹ nên tôi dấm dúi gửi tiền nhờ mấy bà hàng buôn xung quanh mua hộ để mẹ mau về sớm khỏi nắng, đến chiều ghé qua nhà lại nghe mẹ rộn ràng khoe hôm nay đắt hàng, khi nào vợ chồng cần sắm sửa gì cứ nói mẹ để cho.
Thế rồi một hôm, mẹ tôi đi chợ không mang gánh về, cha nhắn tôi ra tìm thì thấy đòn gánh và thủng mủng bỏ quên nằm lăn lóc nơi xó chợ. Lần khác mẹ buộc rau muống nhưng lại để đầu cầu ao, cứ thế quẩy gánh nhẹ tênh ra đến chợ rồi ngơ ngác mãi chẳng nhớ hàng để bán ở nơi nào. Tôi xin nghỉ phép đưa mẹ đi khám khắp các bệnh viện lớn, bác sĩ lắc đầu bảo mẹ đã bắt đầu lẫn. Bệnh của người già, càng về sau càng nhanh quên. Rồi sẽ tới một lúc mẹ sẽ chẳng còn nhớ ra tên tôi nữa.
Mẹ tôi giờ chỉ ở trong nhà, đôi lúc lại lần ra đầu hè rờ rẫm chiếc đòn gánh mòn vẹt dựng bên đôi quang mây đã sút dây. Mẹ xoa đầu bảo tôi đừng khóc, đợi cha sửa lại quang gánh này rồi mẹ lại gánh tôi đến trường kịp buổi học sớm mai.
|
Bình luận (0)