1.Thực ra ngay từ đầu, chuyện bố lấy vợ kế tôi đã không đồng ý. Chuyện mẹ mất đã ba năm, bố đi bước nữa khi tuổi chưa được bốn lăm cũng là lẽ thường, nhưng tôi không thích. Tệ hơn, tôi còn phản đối quyết liệt. Bố tôi đẹp trai, có học. Đàn ông sinh ở thập niên 1950 mà học đại học đã khó kiếm. Đàn ông xóm núi cỡ đó càng khó kiếm hơn! Khổ cái bố tôi nghèo. Từ thành phố dắt mẹ tôi trôi dạt về xứ núi vì những lý do khó nói. Khó gì khó, gặp tôi, tôi cứ nói toạc. Đi phê phán đấng sinh thành e ra chỗ… hỗn; chứ thực tình, tôi không cùng chí hướng với bố trong vụ này dẫu chỉ một ly! Ai đâu tốt nghiệp đại học ở thành phố mà chấp nhận xách đít về xó núi làm nông. Ông ngoại tôi lâu lâu về chơi, rượu ba chén vào buồn lên lại chửi: "Nó muốn làm sếp chớ không chịu làm lính. Nghĩ coi: học mới ra trường, chân ướt chân ráo vô công ty mà đòi làm sếp người ta. Gặp ai cũng chê. Ngon quá, giỏi quá mà! Giỏi vậy nên rốt cuộc thành… tiều phu đó!". Không nói thẳng, nhưng ngoại ngấm ngầm quy kết: mẹ tôi khổ sở, mất sớm là lỗi ở ba. Mẹ đẹp lắm, nghe bảo nhan sắc cỡ Thẩm Thúy Hằng chứ chẳng vừa. Mẹ mất sau trận băng huyết khi sinh thằng em tôi. Đứa em trai còn đỏ hỏn bố tính đem cho. Bố bảo, một mình bố không đủ sức lo cho hai anh em. Bố lý lẽ: Nếu em được một gia đình tốt nuôi dưỡng lớn lên sẽ tốt hơn ở với ông bố ruột bất tài vô tướng (giờ thì bố tự nhận!). Tôi nghe, nổi khùng thật sự. Hồi đó tôi mới lớp 5, nhưng nhìn thằng em đỏ hỏn tự nhiên tôi thấy gắn kết không thể tách rời. "Con sẽ đi theo em nếu bố cho người ta", tôi tuyên bố chắc nịch, xanh rờn! May, bà ngoại tôi ở thành phố lên thăm; nghe nói bố con tôi đang "đối đầu" chuyện thằng em mới nghĩ cách dàn hòa, ngỏ ý đón em tôi về nuôi. Đương nhiên bố đồng ý. Tôi - ngẫm nghĩ giây lâu cũng xuống thang, gật đầu. Xấu còn hơn quá tệ: em ở với ngoại lâu lâu đi về vẫn gặp, vẫn còn là em tôi, khá hơn nhiều so với chuyện đem cho người khác! Thỏa thuận chóng vánh: em theo về ngoại còn tôi vẫn ở với bố...
2.Tôi lên lớp 8.
Một bữa đi học về tự nhiên thấy có người đàn bà lạ và hai đứa trẻ trong nhà. Bố chỉ bà ta giới thiệu: "Mẹ kế con, vợ bố đó; con gọi dì đi. Còn đây là hai em con dì. Từ nay chúng ta sẽ là người một nhà"… Cục tức dâng lên chẹn ngang cổ, nước mắt đâu bỗng trào ra như suối. Tôi quăng cặp, hét:
- Bố thích một nhà với ai thì cứ việc. Con không! Còn bà, biến khỏi nhà tôi ngay. Đây là nhà mẹ tôi, không có chỗ cho bà!
- Trung, không được hỗn!
Bố tôi quát. Như sấm, mắt vằn đỏ. Lần đầu tiên thấy bố tôi tức đến vậy.
Tôi bỏ chạy sang nhà dì Ba hàng xóm trốn đòn. Dì Ba hỏi, tôi vừa khóc vừa tường thuật "sự vụ". Dì nghe, lắc đầu, lấy cơm cho tôi ăn, dỗ ngủ xong mới xách nón sang tìm gặp bố.
"Thương thuyết" kiểu nào không biết, rốt cuộc thấy bố với "bà ấy" lò dò sang tìm tôi. Không còn vẻ tức giận, bố xuống nước nài nỉ. Con thương bố, bố sống một mình gà trống nuôi con khổ quá. Nhà không có bàn tay phụ nữ, bố khổ mà con cũng khổ. Dì Xuân cũng hoàn cảnh, thương bố thật lòng, muốn chung tay gây dựng. Thấy con vậy dì buồn lắm, định bỏ đi nhưng bố cố giữ. Muốn con nghĩ lại… "Bà ấy" tiếp lời: "Dì biết, dì không thể nào thay được mẹ của con, nhưng dì sẽ cố hết sức, mong con cho dì với bố một cơ hội"…
Kỳ lạ, tướng tá "bà ấy" trông qua vẻ đẫy đà thô nhám, nhưng giọng nói lại nhẹ nhàng tình cảm. Nhìn lại bố, chợt thấy bố dạo này già sọm, hốc hác thật. Chắc do ăn uống thất thường, lao lực quá sức. Tôi thấy lòng nguôi nguôi…
***
Hai đứa con dì Xuân một trai một gái. Thằng Hòa lớp 7, con Hợp lớp 6. Trông vẻ cũng hiền lành sáng sủa nhưng tôi quyết thu mình tự kỷ. Đừng tưởng tôi dễ bị mua chuộc. Tôi nhượng bộ, chịu về là vì bố, chứ tôi với lũ con của người đàn bà xa lạ kia luôn là hai thế giới trong một mái nhà. Còn người phụ nữ đó - dù bố yêu cầu, dù bà tự xưng - tôi cũng chưa bao giờ mở miệng gọi "dì", cứ nói trống không, kệ cho bố nhiều lần nhăn mặt! Nhăn gì nhăn, tôi không muốn gọi ai bằng dì ngoài dì Út em mẹ, người đang cưu mang thằng Trực em tôi như con ruột!
Dì Xuân làm nghề chạy chợ bán cá. Hai giờ sáng lái chiếc xe máy cũ xuống tận bến cá thị xã chờ cân mua hải sản của những ghe đi biển mới vào. Mua, ướp đá xong xuôi lại lặc lè lái "con bò già" chạy ngược lên xóm núi. Mua tận gốc bán tận ngọn nên lời lãi khá cho dù rất vất vả. May, dì khỏe mạnh xốc vác - chứ ốm yếu như mẹ tôi ngày còn sống thì đừng mơ! Mà tính chi đến mẹ tôi, ngay bố - tiếng đàn ông sức lực nhưng thử theo dì vài ba hôm đã kêu trời, thức đêm trõm mắt, đổ bịnh! Chuyện kiếm tiền nuôi gia đình, rốt cuộc, vẫn chỉ mình dì Xuân bươn chải chính. Bố tôi ruộng rẫy hên xui lắm. Mấy năm nay thời tiết khắc nghiệt, hạn hán liên miên, canh tác thất bát nhưng nhà tôi vẫn đủ cơm ăn áo mặc - tôi biết - là nhờ dì Xuân…
Biết vậy, nhưng bảo yêu mến dì thì… quá sức cho tôi! Nguyên nhân ư? Đủ thứ. Thứ nhất, so với tấm ảnh mẹ trên bàn thờ dì xấu hơn nhiều. Nhan sắc - thôi, nói trắng luôn - cứ gọi là "xách dép" cho mẹ. Nói năng còn hơi lỗ mãng, "chợ búa" (ngoại trừ hôm qua dỗ tôi về). Thế nhưng, "tội trạng" lớn nhất của dì nằm ở chỗ có lần dì đã cả gan đánh tôi hai roi. Hai roi không đến nỗi quá đau nhưng tôi hận ngút trời. Bà có mang nặng đẻ đau đâu mà có quyền đánh tôi? Đó là chưa nói - tội của tôi có tới mức ăn roi không khi lỗi nằm ở chỗ con gái bà? Chuyện đầu đuôi như sau: lần đó tôi đi học đãng trí quên đeo khăn quàng; tới trường mới phát hiện ra. Cô chủ nhiệm tôi vốn rất nghiêm khắc vụ tác phong nền nếp; hơn nữa, tôi còn là lớp trưởng. Nhớ lời cô luôn nhắc đi nhắc lại: cán bộ lớp phải chuẩn mực tác phong để làm gương cho các bạn! Trống truy bài đã nổi, tôi đang loay hoay cuống quít thì thấy Hợp, con em khác mẹ khác cha đứng lơ ngơ nơi góc sân trường. Hỏi nó học gì, nó kêu tới trường cho cô tập kịch. Bảo nó ra lấy xe chạy về lấy giùm khăn quàng cho anh nó kêu không được đâu, tới trễ cô la. Ui trời, tập múa trễ chút có sao đâu. Năn nỉ cách sao nó cũng nhứt quyết đứng ì. Vậy mà ba cứ mở miệng là "anh em một nhà"; tức sặc máu! Lần đó tôi hằm hằm ghi sổ, quyết không cho qua, chờ cơ hội rửa hận. Cơ hội đây: bất chợt về nhà thấy nó có mon men đứng cạnh bàn học của tôi, giương mắt đọc cái gì đấy. À, là quyển nhật ký, to gan thật. Tôi chạy vào giật phăng. Bộ dạng tôi chắc đáng sợ lắm nên nó tái xám tái xanh, mếu máo kêu em chưa đọc. Ai tin được? Nghĩ đến chuyện riêng tư của mình bị nó "khám phá" hết trơn tôi nổi điên, giáng cho nó một tát nảy lửa. Tiếng khóc của nó càng kích động sự cộc cằn, thô bạo, uất ức khiến tôi không kìm được, giơ chân đạp thêm nó một đạp, ngã dụi vô tường. Vừa lúc đó dì Xuân về. Chứng kiến nguyên xi đoạn clip như phim hành động dì nổi điên, níu bẻ cành ổi trước sân vô quất tôi hai roi. "Em sai, muốn đánh thì roi vọt đàng hoàng, sao con đá đạp như đánh kẻ thù? Chiều con quá con được nước, sinh hư phải không?", dì mắng. Hai roi khiến thịt da hơi đau một tí; nhưng nỗi đau tinh thần của tôi kể như… ngút ngàn. Tôi hận dì Xuân, người không phải mẹ tôi mà dám giơ roi quất tôi. Luật pháp cấm đánh trẻ em, nghe nói vậy. Được, vậy thì tôi sẽ đâm đơn đi kiện. Cho dì Xuân… ở tù!
Nghĩ tới thấy hơi hả dạ, nhưng lúc nguôi nguôi nghĩ lui lại thấy… không ổn. Dì Xuân đi ở tù rồi ai chạy chợ kiếm gạo, ai lo cho bố? Dạo này bố bệnh suốt, cứ mươi bữa, nửa tháng phải đưa ra trạm y tế. Cũng tay dì đèo đi. Về nhà còn phải lo đấm bóp, cháo cơm. Xong phần bố đến lượt tôi. À không, chúng tôi - tức thằng Hòa con Hợp với tôi. Khoản này công nhận dì Xuân khá công bình: hai đứa nó nhận được thứ gì tôi cũng có thứ đó nếu không muốn nói đôi khi còn phần hơn. "Anh mất mẹ sớm, thiệt thòi hơn tụi con"…, tình cờ nghe dì nói riêng với con Hợp vậy khi nó so bì, cự nự. Chưa hết, lâu lâu thấy dì còn mua quà cáp gửi xuống ngoại cho thằng Trực em tôi…
Nhớ hết từng ấy chuyện, tự nhiên ý tưởng "cho dì Xuân đi ở tù" trong tôi nhạt dần!
3.Tôi lên lớp 12.
Sắp hết năm học, bố kêu tôi vào phòng, nói riêng: con coi kiếm nghề ngỗng gì đó ít tốn tiền thầy xin đi học; chứ Đại học, Cao đẳng - ngay cả Trung cấp - bố cũng không lo nổi… Hiểu hoàn cảnh mình, tôi lặng lẽ gật không ý kiến. Phải, bố già cả bệnh đau, việc làm ăn không ra sao, thu nhập đâu đầu tư cho tôi học kia học nọ? Dì Xuân không tính, dì cưu mang bố con tôi tới chừng này đã tốt lắm, không thể đòi hỏi nơi dì nhiều hơn! Đành phận, nhưng tôi vẫn buồn. Ở trường, tôi học khá. Bạn bè cứ bu theo hỏi: mày tính "đầu quân" vô trường nào, nói chúng tao theo? Tôi cười như mếu. Đôi khi lẩn thẩn tự hỏi: nếu mẹ còn sống, liệu tôi có phải chịu cảnh trớ trêu vầy không?
Luôn mấy ngày, tôi ra vô như đứa thất thần, mặt ủ mày chau. Dì Xuân thấy lạ, gặng hỏi. Ban đầu tôi cứ giấu quanh, nhưng cuối cùng phải nói thật. Dì nghe, nổi xung mắng té tát: "Trời đất, chuyện tày đình vậy mà im im nghe bố, không nói với dì được một câu. Con coi dì là ai trong cái nhà này?". Mắng tôi chưa đã, dì còn quay sang mắng cả bố: "Em không ngờ anh tệ đến vậy. Té ra đến giờ anh vẫn nghĩ thằng Trung chỉ là con anh, không phải con em?". Bố tôi ú ớ. Mắng đã miệng xong dì quay sang tôi phán, chắc nịch: "Không nói lôi thôi, anh lo thi cử đàng hoàng, đậu trường nào học trường đó. Phí tổn tôi lo! Yên tâm, không phải tôi… tốt bụng gì với anh đâu. Là tôi muốn đầu tư cho anh ăn học nên người, mai mốt còn dìu dắt các em!". Hình như dì Xuân đang cố nín cười. Kệ, hơi đâu quan tâm nhiều, tôi như con cá rô mắc cạn lê lết giữa bàu khô bỗng dưng gặp trận mưa rào, và những câu mắng xối xả của dì Xuân - lạ thay - cứ quất ràn rạt như từng làn mưa ngọt! Mà, lạ hơn, nước mưa sao… có vị mặn?
Không phải, hóa ra là nước mắt!
***
Tôi xong bốn năm đại học. Tốt nghiệp loại khá.
Lễ tốt nghiệp ra trường, bố tôi sức khỏe kém không vào dự được. Dì Xuân gọi điện, bảo để dì đi thay. Được quá, từ lâu tôi đã coi dì như người thân thiết nhất nhì của đời tôi, chỉ còn thiếu tiếng gọi mẹ cho mọi sự thật vuông tròn! Cái tiếng thiêng liêng ấy chẳng hiểu sao tới giờ tôi vẫn chưa thể gọi? Cuộc đời có những thứ người ta không thể miễn cưỡng, lạy trời…
Chuyến xe đò liên tỉnh bị hư dọc đường nên vào trễ, dì Xuân gọi điện báo. Lễ tốt nghiệp diễn ra nửa chừng, bạn đồng khóa trong trang phục cử nhân đều có người thân đồng hành, cười rạng rỡ. Mình tôi cô độc chốc chốc ngóng ra cổng, bụng như có lửa. Chiếc taxi trờ đậu, dì Xuân cuối cùng cũng hiện ra. Cái dáng cao lớn, ăn mặc "quê quê" của dì tôi đâu còn lạ. Nhưng… cái gì kia: sao chân dì lại đi cà nhắc, tay quấn băng treo?
Tôi mặc kệ lễ lạt, đâm bổ khỏi sân khấu, chạy nhào ra cổng.
Không chỉ chân tay, mặt dì Xuân còn thêm vài vết xây xát, một bên xương gò má tím bầm! Chắc đau lắm, nhưng dì cứ cười tươi như không. "Dì đi lấy hàng, đường về xe chở nặng nổ lốp nên bị ngã. May chỉ bị thương phần ngoài…". "Trời đất, vậy sao dì còn ráng vào chi?". "Đâu được? Ngày trọng đại của con, bố con không thể dự thì dì có chết cũng phải vào"… Vô ý đụng phải cánh tay quấn băng treo, dì Xuân nhăn nhó, toát mồ hôi nhưng vẫn cố cười, cái cười như mếu!
Mẹ…
Tôi sụp xuống chân dì, lần nữa chảy nước mắt!
Bình luận (0)