'Mẹ Kiều'

07/06/2021 07:00 GMT+7

Chúng tôi mỗi người một hoàn cảnh, một ngành nghề: giáo viên, công chức, buôn bán, cả những người hưu trí... cùng ở Sài Gòn,hữu duyên quen biết nhau trong những lần thiện nguyện.

Cuộc sống cũng không dư giả nhiều, hữu duyên quen biết nhau trong những lần thiện nguyện, rồi kết nối vòng tay ngày càng rộng, cùng nhau chia sẻ đến các mảnh đời bất hạnh, nghèo khó hơn mình. Mang hạnh phúc cho người, tạo niềm vui cho mình.
Trong những lần thiện nguyện, tôi được quen biết và vô cùng ngưỡng mộ chị. Chị tên Lâm Thị Kim Kiều, chủ nhiệm Cơ sở bảo trợ xã hội Mađaguôi, một phụ nữ ngoài 50 tuổi, góa chồng. Sau khi các con có gia đình riêng yên ổn, chị tình nguyện vào ở hẳn trong trung tâm, gắn bó cuộc đời còn lại của mình với những trẻ thơ bất hạnh. Chị nắm rõ lý lịch, tính cách, sở thích, thói quen của từng bé. Những đứa trẻ ở đây cũng yêu quý, luôn gọi chị với cái tên trìu mến: "mẹ Kiều".
Lần đầu tôi biết chị Lâm Thị Kim Kiều là năm 2009 khi tham gia cùng đoàn thiện nguyện do chị Đỗ Bích Vân tổ chức. Chị Kiều khi đó mới ngoài 40, xuân sắc mặn mà như cái tên của chị. Cơ sở bảo trợ xã hội Mađaguôi lúc này còn đơn sơ nghèo khó, chỉ nắng và nắng. Vì lòng nhân ái, chị Kiều đã cùng các cô bảo mẫu chăm sóc, nuôi dạy các cháu mồ côi, khuyết tật bị bỏ rơi. Có những cháu khi mang về chưa được một tuổi, mỗi đứa trẻ là một hoàn cảnh, có cháu bị bỏ ngay cổng cơ sở bảo trợ, có cháu được người ta nhặt trong rừng đưa đến, có cháu ba mẹ mất sớm mà bà già yếu, nghèo khó không thể cưu mang nên đã đến nhờ trung tâm giúp đỡ.

Mang hạnh phúc cho người, tạo niềm vui cho mình

Ảnh: TGCC

Hơn 10 năm luôn chia sẻ cùng chị, chúng tôi vui mừng nhìn cơ sở ngày càng phát triển. Hôm nay, chào đón chúng tôi là chiếc cổng sơn trắng dưới vòm dây leo xanh mướt buông hoa thơ mộng. Dãy nhà vệ sinh được xây mới khang trang, sạch sẽ.
Nghe chị Kiều tâm sự mà thương và nể phục nghị lực phi thường của chị. Giữa không gian yên tĩnh, ngoài những đứa trẻ đang chơi đùa vô tư, có những thân hình nằm bất động, di chuyển khó khăn với tiếng kêu khóc ú ớ, la hét, tự đấm vào đầu, vào người vì đau. Những mảnh đời bất hạnh không biết nói. Cơ sở nuôi dạy, chăm sóc gần 50 trẻ mồ côi, khuyết tật và dù điều kiện sinh hoạt của các cháu gặp nhiều khó khăn nhưng các cháu ngoan, lễ phép, rất nghe lời dạy dỗ của "mẹ Kiều", tuyệt đối không nhận quà và tiền do khách đến thăm cho riêng. Các cháu bảo: "Không muốn làm mẹ Kiều buồn" - câu nói đơn giản đó làm tôi xúc động đến rưng rưng.
Những ánh mắt ngây dại, ngơ ngác nào biết được tương lai phía trước ra sao, những đôi tay, đôi chân bất động buông thõng trên giường, tiếng gọi "mẹ", gọi "ngoại", những cái ôm siết không rời khi người lạ đến thăm làm nhói lòng biết bao. Chị Kiều kể hằng ngày, chị và các bảo mẫu dậy rất sớm để dọn dẹp vệ sinh và chuẩn bị điểm tâm cho các bé trong ánh sáng mờ mờ vì không dám bật sáng đèn, chị cười hiền lành: "Bật đèn sáng mà cả đám thức dậy là khỏi làm gì luôn".
Cơ sở chỉ có bốn bảo mẫu kiêm cấp dưỡng, một lái xe kiêm kế toán, hành chính, hướng nghiệp... Với đồng lương khiêm tốn hai triệu đồng mỗi tháng. Tất cả vì lòng nhân ái mà chăm sóc yêu thương bọn trẻ. Khi không bị cơn bệnh hoành hành, các cháu rất ngoan, chơi vui vẻ cùng bạn bè hay bày tỏ tình cảm cùng các "mẹ" rất đáng yêu. Các cô bảo mẫu tâm sự: "Đau lòng nhất là khi các con bị động kinh", thật sự là một cuộc "đấu vật", ba cô bảo mẫu phải phối hợp giữ chặt chân tay, ghì người lại mỗi lần cho " con" uống thuốc, trong cơn đau "con" vùng vẫy đấm đá vào đầu vào mặt các "mẹ" nhưng vì thương nên ai cũng cố gắng. Có thuốc vào thì cơn đau sẽ dịu từ từ và chìm vào giấc ngủ vài giờ, khi tỉnh dậy chơi được một lúc lại tiếp tục lên cơn. Suốt hơn 10 năm cứ diễn ra lặp đi lặp lại như thế.
Có cậu bé với gương mặt trắng trẻo, khôi ngô, biểu lộ cảm xúc với chúng tôi bằng đôi mắt tròn to vì không biết nói và bị liệt cả tứ chi. Cậu bé nhìn bạn bè chơi đùa bằng ánh mắt thèm thuồng. Khi chúng tôi rời đi, ánh mắt đó rơm rớm nước khiến tôi không dám nhìn sâu vào nó. Trước mặt trung tâm là quốc lộ, sau lưng là rừng, nhân viên thì ít, các "con" thì đông, đứa nào khi điểm danh không thấy, các mẹ tìm tất tả. Chị Kiều huấn luyện các cháu lớn mạnh khỏe sẽ hỗ trợ các "mẹ" chăm sóc cho các "em" nhỏ hơn. Các cháu còn được hướng nghiệp làm nhang và các vòng chuỗi đá, góp phần làm kinh tế cho trung tâm. Dịch Covid-19, các nhà hảo tâm ít ghé thăm, lại thêm đợt hoả hoạn cháy rụi nhà kho chứa dụng cụ và mùn cưa để sản xuất nhang. Cơ sở gặp nhiều khó khăn hơn nhưng chị Kiều vẫn cố chèo chống giữ vững mái ấm.
Chia tay Cơ sở bảo trợ xã hội Mađaguôi trong cái nắng chói chang, tiếng hát tạm biệt non nớt cùng hình ảnh các cháu cứ theo đoàn chúng tôi về Sài Gòn. Cuộc đời vẫn đẹp sao với những người sống đẹp như chị Lâm Thị Kim Kiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.