Vợ chồng cụ Phiên sinh được 5 người con, gồm 1 trai 4 gái. Người con trai cả của cụ là Nguyễn Văn Đường (sinh năm 1946) nhập ngũ vào chiến trường tỉnh Quảng Trị và hy sinh năm 1971. Hai năm sau, chồng cụ Phiên mất, 4 người con gái và vợ của liệt sĩ Đường do một mình cụ Phiên chăm nom.
Sau khi sinh con được vài năm, vợ liệt sĩ Đường cũng đi thêm bước nữa. Cụ lầm lũi một mình nuôi 4 cô con gái và đứa cháu gái nội khôn lớn thành người. Thế rồi, 4 cô con gái cũng đi lấy chồng, chỉ còn cụ Phiên và đứa cháu sống nương tựa vào nhau.
Năm 1989, đứa cháu cũng đi lấy chồng xa. Từ đó đến nay, cụ sống cô độc trong căn nhà xập xệ, mọi chi phí sinh hoạt đều dựa vào hơn 1 triệu đồng tiền tuất của mẹ liệt sĩ.
tin liên quan
Sợ ngày ra đi chưa giải nỗi oan cho chồng: Đảng ủy xã phải thực hiện đúng chỉ đạo!Căn nhà của cụ nằm lọt thỏm giữa vườn tràm, lối vào nhà là con đường đất sình lầy. Bên trong ngôi nhà trống hoác, phần mái nhà thủng nhiều chỗ, cửa sổ, cửa chính nhiều chỗ bị nứt toác, gió lạnh lùa thẳng vào nhà.
Cụ Phiên nằm trên giường, co ro giữa cái lạnh mùa đông. Ở cái tuổi gần đất xa trời, tai của cụ bị lãng, phải nói thật to mới nghe thấy. Nhiều năm gần đây, cụ Phiên đau ốm triền miên, may mắn có vợ chồng người con gái thứ 4 là bà Nguyễn Thị Hồng (63 tuổi) ở gần đó qua chăm sóc. “Căn nhà này đã xuống cấp nghiêm trọng, cứ trời mưa là nước chảy lênh láng khắp nhà.
Đợt bão số 10 vừa qua, gió thổi một cây tràm đổ sập xuống làm hư hỏng phần mái nhà bếp. Vợ chồng tôi nhiều lần khuyên mẹ sang nhà tôi để ở nhưng mẹ nhất quyết không chịu. Mẹ nói nếu qua nhà tôi ở sợ bố và anh trai buồn”, bà Hồng nói và cho biết vợ chồng bà đành mua tấm bạt, căng trên phần mái nhà nơi cụ Phiên nằm để nước mưa không đổ xuống. Theo bà Hồng, cả 4 con gái của cụ đều có hoàn cảnh khó khăn nên cũng chỉ giúp mẹ được vài cân gạo và ít thực phẩm ăn qua ngày. Nhiều năm qua, cụ Phiên luôn đau đáu muốn sửa lại căn nhà dột nát để có nơi thờ tự chồng con trước khi nhắm mắt xuôi tay.
tin liên quan
Trao nhà, quà trị giá 1,4 tỉ cho các gia đình chính sáchTheo tìm hiểu của Thanh Niên, năm 2013, theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cụ Phiên là một trong 13 gia đình liệt sĩ được chính quyền địa phương lựa chọn nằm trong danh sách người có công với cách mạng được hỗ trợ về nhà ở. Vào thời điểm đó, cán bộ chính sách TT.Thiên Cầm đã về khảo sát, chụp ảnh căn nhà xuống cấp và làm hồ sơ để được hưởng chính sách hỗ trợ làm nhà ở cho người có công với cách mạng với số tiền 40 triệu đồng. “Đó là thời điểm năm 2013, nếu nhận số tiền để xây nhà thì cũng thiếu trước hụt sau không cất đủ một căn nhà, mà gia đình tôi lại quá khó khăn không thể bù thêm được nên không dám nhận”, bà Hồng cho biết.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thu Trang, cán bộ chính sách TT.Thiên Cầm, xác nhận ngôi nhà của cụ Phiên hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm về mong muốn của cụ Phiên xây lại căn nhà để có nơi thờ tự cho người chồng và người con trai liệt sĩ. “Vào năm 2013, do gia đình không nhận số tiền 40 triệu đồng xây nhà nên chúng tôi đã chuyển số tiền này cho đối tượng khác. Cuối năm 2015, vợ chồng bà Hồng lên trình bày có nguyện vọng xây nhà cho cụ Phiên nhưng địa phương đã hết nguồn. Chúng tôi cũng đã từng về động viên gia đình vay mượn tiền làm lại nhà cho cụ trước, khi có nguồn sẽ bổ sung lại sau, nhưng chắc gia đình cũng ngại đi vay mượn”.
“Trong quá trình triển khai Quyết định 22 gặp một số bất cập nên vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản cho phép điều chỉnh lại các hộ gia đình có công với cách mạng nằm trong danh sách đã được huyện phê duyệt. Trường hợp của cụ Phiên nằm trong danh sách hỗ trợ tiền xây nhà theo quyết định này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang chờ nguồn từ tỉnh và trung ương”, bà Nguyễn Thị Bảo Ngọc, Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Xuyên, nói.
Bình luận (0)