|
Lãng mạn và lung linh
Khi đề cập vấn đề này, Thục Vân, học sinh (HS) Trường THPT Lê Thánh Tôn, Q.7, TP.HCM giới thiệu: “Ngôn tình được hiểu là những câu chuyện diễm tình lãng mạn, có cái kết đẹp như mơ”. Vân cho biết đã đọc cả trăm truyện ngôn tình, phần lớn là sách dịch, như: Ai hiểu được lòng em, Hãy chờ em lớn lên nhé, Yêu không lối thoát, Người yêu ơi đi nào, Tuổi xuân của em, Tòa thành của anh, Đừng nói với anh ấy tôi vẫn còn yêu…
“Nên đọc. Đừng thấy những tập sách dày mà nản. Càng đọc càng thích và không thể rời mắt khỏi sách đâu”, Thục Vân bảo.
Theo Vân, những cuốn sách này luôn túc trực trong ba lô khi đến trường cũng như gối đầu giường lúc ở nhà để “rảnh khi nào đọc khi đó”. “Lớp em hầu hết mê thể loại này, ai cũng có, đọc xong rồi đổi cho nhau. Đến giờ em đã đọc gần 150 cuốn”, Vân hào hứng cho biết thêm.
Vi Na, HS Trường THPT Gò Vấp (Q.Gò Vấp), cũng là tín đồ của loại truyện này. Na kể vì quá mê nên hễ có tiền là mua truyện ngôn tình, hiện tủ sách ở nhà đã có hơn 100 cuốn.
Trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, hàng loạt trang như: Thư viện ngôn tình, truyện ngôn tình… cũng như các trang đọc truyện ngôn tình trực tuyến thu hút hàng nghìn thành viên. Những người này luôn mong đợi cập nhật những truyện mới nhất.
Thắc mắc tại sao giữa nhiều thể loại truyện lại đi chọn ngôn tình Trung Quốc, bạn Ngọc Anh, HS Trường THPT Trưng Vương (Q.1), thẳng thắn: “Những loại truyện của VN hoặc nước khác không hấp dẫn, chưa đáp ứng được nhu cầu, sở thích của giới trẻ vì nó ngắn và dễ khiến nhàm chán. Còn truyện ngôn tình Trung Quốc có cốt truyện hay, lãng mạn, hấp dẫn, phù hợp với tuổi teen”.
Không chỉ nữ sinh bị mê hoặc, nhiều nam sinh cũng thừa nhận nghiện loại truyện này. Đức Bình, HS Trường THPT Bình Phú (Q.6), cho biết đang là hội viên hội những người yêu thích truyện ngôn tình.
Vì mê truyện ngôn tình, nhiều bạn trẻ tự sáng tác ra những tên gọi dựa theo tên các nhân vật trong những truyện từng đọc và thích được gọi bằng tên này. Nào là: Diệp Lạc Khả Ân, Âu Dĩ Phong, Quân Tư Phủ Hào, Thiên Nguyệt Hàn, Mộ Dung Thiên Chi, Nguyệt Tiểu Lang… Nhiều tín đồ của truyện ngôn tình thừa nhận đã nhiễm hẳn thói quen xưng hô, giao tiếp, trò chuyện theo cách thường được sử dụng trong truyện như: ta, ngươi, nàng, chàng, tại hạ, hảo, ân…
Nhưng không ít bạn trẻ ta thán đọc ngôn tình thấy chuyện tình đẹp lung linh, tưởng rằng tình yêu của bản thân cũng y hệt thế, đến khi nhận ra thực và ảo quá xa vời đã hụt hẫng và muốn dứt khỏi truyện ngôn tình. Tuy nhiên, theo Hồng Phúc, nữ sinh Trường THPT Thạnh Lộc (Q.12) đã và đang gặp tình cảnh tương tự, chia sẻ: “Khó lắm, đã dính vào ngôn tình rồi thì khó lòng thoát ra được”.
Nên đọc hay không ?
Tác giả trẻ Hamlet Trương cho rằng không thể nói truyện ngôn tình là xấu hay tệ hại, vì cái gì tồn tại cũng đều có lý do, truyện ngôn tình được yêu thích vì ở đó những cảm xúc tình yêu của nhân vật được khai thác sâu và những tình tiết lôi cuốn. “Mình nghĩ không có vấn đề gì mà phải bài trừ truyện ngôn tình cả. Hãy cứ đọc những gì mang lại sự giải trí, kiến thức cho mình. Và luôn ý thức ranh giới giữa sách và đời, lý thuyết và thực tế”, Hamlet Trương nói.
Dưới góc độ tâm lý, thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tâm lý học xã hội VN, phân tích sở dĩ truyện ngôn tình khiến giới trẻ mê như điếu đổ vì đã đánh đúng và trúng tuyệt đối vào sự tò mò cũng như nhu cầu thích khám phá của giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi mới lớn về vấn đề rất “hot”: tình dục, giới tính. Với cách tiếp cận trực diện, cường điệu, câu chuyện và những hình ảnh dễ dàng đi sâu vào tâm trí bạn trẻ, kích thích trí tưởng tượng về những vấn đề hết sức nhạy cảm… Chính vì thế, thạc sĩ An khẳng định: “Phải tuyệt đối nói “không”, nhất định là không với ngôn tình, bởi đó là thỏi nam châm vô hình sẽ làm cho các bạn trẻ đắm đuối mà sao lãng các hoạt động lành mạnh khác, tác động xấu đến tâm lý và sức khỏe của chính các bạn”.
Còn tác giả trẻ Iris Cao thì khuyên “cần tiết chế với ngôn tình, nếu quá lạm dụng dễ chìm đắm và ủy mị”.
Người đọc phải tự chủ để vượt qua ngôn tình Truyện ngôn tình là chuyện tình, viết nó cũng chẳng ý tưởng gì cao xa cả. Ngôn tình là thế, chỉ là kể những tình cảm thông thường, cho tuổi mới lớn nghe. Nó có đặc điểm là viết nhẹ nhàng, pha vài sắc thái “hội ngộ rồi chia ly” như lời bài hát. Có hờn ghen giận dỗi. Thời nay có thể thêm một tí tình dục. Nó giống như một thứ ô mai, chua chua ngọt ngọt. Lứa tuổi mới lớn có nhu cầu ô mai đó. Nhưng khi tới tuổi trung niên thì tự khắc thay đổi thị hiếu. Văn học lãng mạn có điểm hơi giống ngôn tình ở chỗ cổ vũ cho tình cảm cá nhân. Nhưng văn học lãng mạn có những áng văn rất đẹp. Có thể gặp gỡ văn học lãng mạn ở điểm đó, xung đột éo le của tình yêu trắc trở. Văn đẹp hoặc đèm đẹp, du dương. Có thể sáo mòn nhưng nó du dương kiểu lưu bút học trò. Lớp người đọc ngôn tình có thể để giải trí, để cho vui, không phải vắt óc nghĩ ngợi gì nhiều. Người ta khóc, cười, vui với nhân vật trong đó, thấy nó cũng giống mình. Nhưng đến lúc cần phải nhận thức cuộc sống một cách nghiêm túc hơn, sâu sắc hơn thì ngôn tình không thể. Nếu muốn tìm đến văn học để giải đáp cho mình những câu hỏi lớn hơn về nhận thức cuộc sống thì phải vượt qua cái đó. Việc vượt qua ngôn tình cũng như giai đoạn của đời người. Ăn bột rồi ăn cơm ăn cháo. Ai không chịu nhận ra mà cứ để tiếp tục bi lụy sướt mướt quá thì cũng không nên. Nó phụ thuộc vào sự tự chủ của người đọc. Đọc ngôn tình không hẳn có hại, nhưng quá liều thì có hại. Truyện ngôn tình nhấn hơn vào tình cảm, lại theo công thức sướt mướt, bi lụy, nên người đọc không tỉnh táo dễ bị cuốn đi. Có người lo ngại chuyện tình dục được mô tả trong ngôn tình. Viết về tình dục là thứ một thời chúng ta cấm kỵ, kiêng khem nhưng giờ đây khi ăn giả bữa lại rất xô bồ, dung tục. Nhưng cũng không thể đổ tội cho có chuyện quan hệ xác thịt mà ngôn tình hấp dẫn được. Đó chỉ là một yếu tố nhỏ thôi, là một thủ thuật chứ không phải là yếu tố then chốt. Ngôn tình tràn ngập chủ yếu là do đúng thị hiếu, và bản thân văn chương trong nước không đủ lực đẩy ra. Với ngôn tình, một mặt người đọc phải tự biết vượt qua thời kỳ ô mai của mình để trưởng thành. Mặt khác, xã hội cũng phải có những sách vở với phân khúc để đáp ứng thị hiếu. Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên Trinh Nguyễn |
Bình luận
|
Nhật Hạ
>> Tác giả tự truyện 192 hours đến Việt Nam
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Tình yêu của người vợ
>> Sách ngôn tình mất tiếng
Bình luận (0)