Nghỉ học giúp mẹ từ 15 tuổi
Gia đình Trầm Ái Linh và Lê Trầm Ái Trinh (Lê Trầm Ái Trinh khác họ là vì lúc đặt tên, bà ngoại bị nhầm lẫn và giữ đến tận bây giờ) sống trong con hẻm nhỏ ở ấp 3, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM từ hàng chục năm qua. Ba mẹ chia tay từ khi Linh đang học lớp 4, Trinh học mẫu giáo, hai chị em chỉ còn tình thương của mẹ và bà ngoại. Mẹ Linh là lao động chính, ngày ngày đi làm thuê nuôi sống gia đình, còn bà ngoại ở nhà chăm sóc 2 cháu. Tới năm học lớp 8, vì nhà nghèo, Linh xin mẹ nghỉ học, đi làm phụ giúp nuôi em ăn học. Cô gái nhỏ phải làm đủ nghề, từ bưng bê đến công nhân gia công ở các xưởng sản xuất gần nhà.
Đại dịch ập đến, cả Linh và mẹ đều thất nghiệp, phải sống nhờ vào tiền tích lũy và đồ từ thiện ở nhiều nơi. Nhưng chưa dừng lại, một biến cố lớn xảy ra khi mẹ Linh bị nhiễm Covid-19. “Ngày 15.8 vừa rồi mẹ bỗng nhiên bị cảm sốt. Cả nhà cứ nghĩ là do tắm lạnh hoặc ngủ dưới quạt mà thôi. Tầm 5 ngày sau con kêu mẹ đi xét nghiệm thì phát hiện mẹ bị dương tính. Con để ngoại và em sang nhà cậu ở, còn con ở nhà chăm sóc mẹ mỗi ngày. Hai ngày sau ngoại cũng bệnh theo, người sốt, ói rồi cũng phát hiện dương tính với Covid-19”, Trinh kể lại.
Sau thời gian tự điều trị ở nhà, mẹ Linh có biểu hiện trở nặng, không ăn được, lại thêm ói mửa. Rạng sáng 21.8, Linh dậy thật sớm nấu ăn cho mẹ, chuẩn bị thuốc xông mong mẹ khỏe mạnh trở lại. “Nhưng con đâu biết đó là lần cuối gặp mẹ. Đến sáng, con mở cửa vào phòng thì thấy mẹ nằm bất động, lạnh ngắt”, Linh nghẹn ngào nói.
Mẹ mất, còn bà ngoại phải chuyển đi cách ly ở nhà cậu, hai đứa trẻ bỗng chốc bơ vơ trong căn nhà trước đó đầy tiếng cười. Khi đội mai táng đến nhà, Ái Linh và Ái Trinh chỉ được đứng ngoài xa nhìn vào. “Con khấn mẹ hãy ra đi thanh thản, đừng suy nghĩ nhiều, đã có con chăm sóc cho em”, Linh kể lại thời điểm hai chị em gặp mẹ lần cuối trước lúc đi hỏa táng.
|
Chị ốm đau phải thay mẹ nuôi em
Trong căn nhà rộng khoảng 20 m2, Linh đặt một chiếc bàn xếp nhỏ, một chiếc ghế, trên ghế là bộ quần áo của mẹ, rồi thắp nhang thờ cúng. Có như vậy hai em mới cảm thấy mẹ như đang ở bên mình. Khi tro cốt mẹ được đưa về nhà, Linh vét toàn bộ số tiền còn lại mua nhang đèn, giấy tiền vàng mã để cúng mẹ cho tươm tất. Tuy vậy, đồ cúng cũng chỉ là 3 chén cơm trắng, trên mỗi chén đặt 3 lát tàu hủ mỏng. Cạnh đó là hai đĩa trái cây Linh mua vội ngoài chợ. Tấm ảnh cũ xỉn màu chụp từ lâu được đặt trước hũ cốt, rồi hai đứa trẻ thắp nhang cúng mẹ, ôm nhau khóc nức nở. Nhiều đêm hai cô bé mở cửa ngồi trước nhà, nhìn lên trời ước cho thời gian quay trở lại... Đó là khoảng thời gian cô đơn nhất với Linh và Trinh.
Ái Trinh mới chỉ học lớp 5 nhưng đã phải chịu nỗi đau mất mẹ. Trinh nói với chúng tôi: “Con nhớ mẹ lắm. Con cứ nghĩ trong đầu là mẹ đang sống ở bên kia, như vậy con mới ngủ được. Giờ con cũng tạm ổn, nhưng nếu còn mẹ thì sướng hơn”.
Còn Ái Linh bị suy thận từ lúc còn nhỏ, lớn hơn lại bị thêm chứng xuất huyết giảm tiểu cầu làm tóc rụng gần hết. Linh phải mua tóc giả để đội mỗi khi ra ngoài. Mỗi tháng Linh được người thân cho vài triệu đồng để đi chữa thận ở bệnh viện. Những ngày sống giãn cách kèm thêm biến cố này khiến Linh tiều tụy hơn. Thời gian này, hai cô bé sống dựa vào tình thương, sự trợ giúp của bà con hàng xóm. Ai cho gì ăn nấy hoặc đi nhận cơm từ thiện. Linh tần tảo thay mẹ chăm sóc em, giúp em học trực tuyến mỗi ngày. Đến giờ, Linh chỉ mong dịch bệnh qua mau, cuộc sống trở lại bình thường, mong ngoại về nhà sống cùng để hai chị em không còn cô độc. Linh cũng muốn sớm được đi làm, thay mẹ tiếp tục nuôi và chăm sóc em.
Ông Thái Xuân Dương, Tổ trưởng tổ 144, ấp 3, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM, cho biết gia đình hai em Ái Trinh và Ái Linh thuộc diện khó khăn ở địa phương. Khi mẹ các em mất, ấp cũng đã lập danh sách cho hộ các em được nhận hỗ trợ. Hiện tại các em sống nhờ vào sự giúp đỡ của bà con chòm xóm. Căn nhà gạch mới xây cũng từ tiền vay mượn của bà ngoại chưa trả xong.
|
Bình luận (0)