Mẹ tôi xa xứ

29/11/2020 07:15 GMT+7

Mẹ làm dâu miền Nam ngót nghét 24 năm, xa xứ đến hơn nửa cuộc đời. Năm 19 tuổi, gia đình ngoại khó khăn nên mẹ vào Nam, thân con gái một mình vào Nam lập nghiệp.

24 năm gió sương, có nhà cửa vườn tược nơi xứ người nhưng nước mắt đắng cay cũng không ít. Và con biết dẫu 24 năm hay bao nhiêu năm chăng nữa, nỗi nhớ mong mẹ dành cho quê hương vẫn không bao giờ phai nhạt.
Mẹ lấy chồng xa nhưng vẫn giữ cái giọng đặc trưng của người Quảng Ngãi, con chẳng bao giờ nhận ra điều đó cho đến khi đưa bạn đến nhà chơi, 8 đứa thì cũng 7 đứa nói: “Mẹ của mày là dân miền Trung đúng không?”.
Mẹ lấy chồng xa, thèm lắm mấy thứ làm từ đường, ông ngoại có dịp gửi quà, không có gì nhiều, chỉ là mấy bịch kẹo đường màu trắng sữa. Con với chị hai chê, chỉ thích ăn kẹo mạch nha nhưng mẹ thì không. Chiều tháng 7 trời mưa, mẹ ngồi cửa sau ngắm trời, ăn mấy bịch kẹo đường ngon lành. Mẹ bảo ngày xưa nghèo, món này là xa xỉ, dịp tết mới có cơ hội ăn.
Mẹ lấy chồng xa nên lâu lắm mới có dịp về quê thăm ông bà, anh chị em. Mỗi lần về là một lần chuẩn bị bao nhiêu là thứ. Con thấy mẹ trước hôm về 2 ngày là ra tiệm đánh bóng lại cho sáng dây chuyền, bông tai bằng vàng, lôi trong tủ cái đồng hồ ba tặng mà mẹ bình thường đi lượm điều, cạo mủ su làm gì có dịp mà đeo. Ban đầu con nghĩ mẹ kỳ, hà cớ gì phải sống sĩ diện như thế. Nhưng theo thời gian mới nhận ra một mình mẹ ở xa ông bà ngoại, 8 anh em còn lại đều ở gần nhau, lâu lắm mới có dịp về, mẹ muốn cho mọi người thấy mình vẫn ổn, cuộc sống của mẹ vẫn tốt. Lâu lắm con gái mới về, ba mẹ hãy tự hào về con. Dù bao nhiêu tuổi, mẹ vẫn luôn mong mỏi điều đó.
Mẹ về quê thích đi chơi, ra ruộng nhổ đậu phộng với ông bà ngoại. Mẹ vẫn nói tiếng Quảng nhưng bằng cái giọng đặc sệt. Mẹ cười sung sướng khi hàng xóm nhà ông ngoại gọi: “Bé Lai mới về hả?”. Mẹ thấy mình trẻ ra nhiều lắm. Con thực sự thấm nhuần tình cảm của mẹ đến khi hai mẹ con mình có dịp về miền Trung ăn tết. Năm đó, mẹ bận thăm họ hàng nên lỡ mất cuộc đua ghe. Đến bờ sông khi chặng đua đã đến đích, người phụ nữ trung niên ấy cứ ngẩn ngơ tiếc mãi mà thốt lên: “Tiếc ghê Như ơi, tới sớm chút nữa là được xem rồi!”. Con quen ăn tết trong miền Nam, nơi mùng 4 tết người ta đã lên rẫy thu hoạch hạt điều nên có nào hiểu cảm giác đó của mẹ. Rất lâu sau mới chợt hiểu vì tết có đua ghe là một vùng trời ký ức của mẹ! Mẹ sinh ra trên mảnh đất miền Trung nắng gió, tuổi thơ khốn khó ăn cơm độn khoai mì; sáng đi học chiều về phụ ngoại đập lúa; 10 tuổi cạo trọc đầu vì chấy mọc đầy đầu không thể bắt xuể. Khó nhọc là thế nhưng chẳng đời nào muốn quên đi, mẹ vẫn nhớ, vẫn thương về miền Trung với tình cảm da diết nhất của người con xa xứ!
Con sinh ra ở miền Nam, 19 tuổi về quê mẹ là Quảng Ngãi được 5 lần nhưng cũng nhận ra mình yêu quê hương mẹ, yêu người miền Trung tự khi nào. Con yêu mấy đứa nhỏ ở bên cạnh nhà ngoại, biết con là cháu ngoại ông Sáu Trung ở xa về là chạy sang nhìn lén, bị con phát hiện là mỉm cười e thẹn rồi bỏ chạy. Con yêu ngôi nhà ngoại, nhà cậu mợ, nhà nào cũng có gác nhỏ xinh, với bồ lúa thật to. Căn gác nhỏ ấy là nơi mọi người cùng nhau ngồi chờ đợi khi nước dâng cao. Bồ lúa ấy là tài sản cả năm trời người miền Trung “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” mới có được. Con yêu cả những bức tường nâu của nhà. Những bức tường trắng nhưng năm nào nước lũ đục màu cà phê sữa cũng tạt vào nên đổi màu. Những bức tường ngả màu nhưng vẫn thương chủ nhân, không sụp đổ, mạnh mẽ như người dân miền Trung quê mẹ vậy! Những niềm yêu ấy, dường như mẹ đã truyền sang con.
Mẹ về thăm quê đúng lúc miền Trung lũ lụt, năm nay nước lũ dâng cao, 3 lần mẹ hủy chuyến bay vào Sài Gòn vì trời mưa bão. Ngày mai bão qua đi, chuyến bay lại cất cánh mang mẹ trở về miền Nam quê chồng. Mẹ cũng như bao người miền Trung khác, đi để trở về rồi lại đi. Nhưng tất cả họ chưa bao giờ ngưng niềm nhớ thương với mảnh đất chịu nhiều thiệt thòi ấy. Mẹ mang tiếng Quảng mộc mạc đi theo, mang sự kiên trì, chịu thương chịu khó của người miền Trung, mẹ mang cả tình yêu để cuối cùng truyền lại cho con cho cháu! L.H.N
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.