Mẹ chạy xe ôm chăm 2 con bại não, hội chứng down
Bế tắc
"Mẹ sinh ra tôi và anh trai, tôi may mắn được khỏe mạnh. Cả tuổi thơ nhìn mẹ chăm anh trai tâm thần cực khổ, ai ngờ đâu khi có chồng sinh con thì tôi cũng như mẹ, tôi có đến 3 đứa con đều tật nguyền…", bà Lành mở đầu câu chuyện buồn về cuộc đời thăng trầm của mình.
Năm 1993, bà sinh đôi 2 con trai đều mắc chứng bại não. Một bé thường xuyên đau bệnh, gần như năm viện 3 năm đầu đời nên bé còn lại được người họ hàng không con đón về chăm sóc.
12 năm sau, thấy vợ chồng bà loay hoay với cậu con trai nuôi hoài không lớn, người chị chồng động viên sinh tiếp để có con phụ chăm sóc sau này. Ngày con gái chào đời, bà Lành dường như nhìn thấy tia sáng ở cuối con đường, có động lực để bước tiếp. Chưa vui mừng được bao lâu, 1 tháng sau đưa con đi khám, bác sĩ báo tin con gái mắc hội chứng down.
Bà suy sụp, về nhà khóc suốt 1 tháng trời. "Bác sĩ nói chăm suốt đời, không có đi học được đâu. Tôi thấy cuộc đời vậy là bế tắc luôn rồi. Hai vợ chồng tự động viên nhau lo cày cuốc để có tiền lo cho con. Hàng xóm có người chỉ là gửi con vào trung tâm cho bớt cực, nhưng con có ra sao cũng là con mình, mình còn đây sao gửi con đi được", bà Lành kể.
Vì anh trai và 2 con đều bị khuyết tật nặng nên bà Lành phải lo cả việc vệ sinh cá nhân của từng người
Thấy vợ chồng bà người chạy xe ôm, người làm công nhân đầu tắt mặt tối với 2 đứa con tật nguyền, hàng xóm người cho sữa, người cho tã, người cho năm ba đồng, cứ vậy ngày qua ngày.
"Nếu không có sự hỗ trợ của mọi người, vợ chồng tôi không thể nào mà lo nổi qua chừng đó năm đâu", người mẹ cả đời tần tảo khẳng định.
Năm 2017, mẹ bà Lành mất, bà đón luôn người anh trai tâm thần về chăm sóc. Thử thách lại tiếp tục dồn đến vào năm 2020, chồng bà đột ngột qua đời. Ngày đám tang cha, con gái cũng biết khóc, nhưng con trai mặc áo tang mà miệng luôn cười lớn khiến bà thấy nhói ở trong lòng.
Bà bộc bạch: "Anh trai đi lạc 3 lần, tôi mướt mồ hôi chạy đi kiếm, giờ áo nào của anh cũng in tên, số điện thoại tôi ở đằng sau để lỡ anh đi lạc thì người ta gọi về. Tôi nghĩ chắc cuộc đời thử thách mình thôi. Đã vượt qua được từng đó năm rồi, không lẽ giờ không tiếp tục được?".
"Siêu nhân" trong nhà
Trước đây, bà chủ yếu chạy xe ôm, chồng ở nhà chăm sóc 2 con và anh trai. Nhưng chồng mất, bà phải tự cân đối thời gian để chu toàn mọi chuyện. Mỗi sáng, bà dậy từ sớm dọn dẹp, nấu cơm rồi đi chạy xe. Giữa buổi, bà lại vội vã chạy về, tạt qua chợ mua đồ ăn về nấu.
Mệt nhoài sau những cuốc xe đầy khói bụi, về đến nhà là cả một "bãi chiến trường" bày ra trước mặt. Bà vừa lau dọn vừa giả đò quở: "Sao bày ra đây vậy nè con, đi vệ sinh thì vào trong toilet nha". Cậu con trai vẫn cười hề hề hét lớn: "Mẹ Lành, mẹ Lành, giỏi giỏi" rồi vỗ tay tán thưởng.
Sau những chuyến xe đầy khói bụi, bà Lành quay về nhà dọn dẹp "bãi chiến trường"
Độc Lập
Nấu cơm, cho con và anh trai ăn xong, bà Lành khóa cửa, tranh thủ chạy xe tiếp nhưng đến giờ cơm là phải về nhà. Cuộc sống không có một giây phút nghỉ ngơi cho đến tối mịt, bà Lành cũng không biết từ khi nào bản thân lại có sức khỏe phi thường đến vậy.
Người mẹ U.60 tâm sự: "Niềm vui của tôi chỉ là khi về nhà, nhìn các con vẫn còn ngồi ở đó. Thỉnh thoảng các bé nói "Thương mẹ" rồi hôn má, dù lớn vậy đó nhưng tâm hồn của 2 đứa vẫn như trẻ lên 3 thôi".
Mỗi ngày, bà Lành kiếm được chừng 100.000 – 200.000 đồng với những cuốc xe loanh quanh Hóc Môn, Q.12 mà không dám nhận những cuốc đi xa vì không an lòng các con ở nhà.
Hàng xóm, những người khách quen biết hoàn cảnh gia đình, thường hỗ trợ gạo, nước tương, nước mắm, dầu ăn… Những đồ dùng cơ bản trong nhà không bao giờ phải mua, mỗi tháng, bà cũng lãnh thêm được 960.000 đồng trợ cấp của anh trai, 720.000 đồng cho mỗi người con từ chính quyền nên vừa đủ trang trải.
Suốt cả ngày không có thời gian cho mình, cũng không có ai để chia sẻ nỗi niềm, bà Lành thường tự nói chuyện một mình với con, dù chưa bao giờ nhận được một lời an ủi nào.
"Nhiều khi ra đường nhìn con người ta bằng tuổi con mình mà có vợ có chồng, còn mình vẫn chăm con như ngày vừa sinh, thấy cũng tủi thân, mà hoàn cảnh mình sao mình phải chấp nhận vậy thôi. Mà tôi nghĩ không biết nếu sau này tôi già đi, nằm xuống thì ai lo cho tụi nó đây không biết", người mẹ chạy xe ôm thở dài.
30 tuổi, nhưng con trai đầu của bà Lành nhận thức chỉ như đứa trẻ lên 3
Đó cũng là nỗi niềm lớn nhất của người phụ nữ cả cuộc đời tần tảo vì con, vì gia đình. Nhìn anh trai và các con mỗi ngày, bà Lành không cho phép mình được nghỉ ngơi, có mệt đến mấy, mỗi sáng bà đều bật dậy miệt mài với những công việc quen thuộc.
Chứng kiến em dâu tần tảo gần cả cuộc đời chăm con, bà Nguyễn Thị Ngọc Sang (59 tuổi, chị chồng bà Lành) nhận xét: "Chưa thấy ai kiên cường như nó. Dù bản chất của Lành là đàn bà nhưng tính cách đàn ông, nhờ vậy mới lo được cho 3 người bệnh cùng lúc, chứ yếu đuối chắc lo không nổi đâu".
Theo bà Sang, bà Lành đã từng đi bán vé số, nhưng để có thời gian chăm con, bà chuyển qua chạy xe ôm. Cuộc sống của mấy mẹ con bà Lành với sự đùm bọc của bà con hàng xóm vẫn đủ ăn qua ngày, nhưng khi các con đau bệnh thì là cả một vấn đề. Do vậy, ngoài công việc chính, ai thuê gì bà Lành cũng cố gắng thu xếp việc nhà rồi làm thêm.
Theo ông Hồ Ngọc Mai, Tổ trưởng tổ dân phố 12, ấp Tây Lân, xã Bà Điểm, bà Lành đang một mình nuôi 3 người khuyết tật là anh trai và 2 con. Ngoài thời gian chăm sóc, lo cơm nước, thỉnh thoảng bà Lành chạy xe ôm.
"Con của bà Lành có nhận được trợ cấp người khuyết tật từ địa phương, mỗi khi có đơn vị đến hỗ trợ, chúng tôi cũng ưu tiên, giới thiệu gia đình bà Lành. Ngày trước còn có chồng chăm phụ, mà chồng chết rồi nên bà Lành gánh vác hết", ông Mai nói.
Bình luận (0)