“Cho nên ai về Nha Trang tắm biển, họ thường ít đến đây, họ chỉ đến nơi nào đỡ cực thôi”, mẹ nói. Trong ký ức hanh hao màu nắng của mình thuở ấy, lời nói ấy khiến tôi tin ngay, như cả cuộc đời này, tôi chưa bao giờ không tin mẹ.
Dốc Lếch (*) thuở ấy hoang vu lắm, những đụn cát cao, bỏng rát chạy dài ngăn đôi giữa biển và đời. Mỗi ngày của mẹ, cùng đôi quang gánh của con tôm cái tép, mẹ bước dài trong màn trời vàng cháy màu nắng, gió lộng, cùng cái nóng lún chân của dải cát bỏng. Bước chân mẹ cùng đôi quang gánh chông chênh hằn lên vệt dài, mong manh kéo đến tận chân trời. Lũ anh em chúng tôi đứng nhìn dáng mẹ hút dần về phía xa, rồi reo lên ùa chạy vù ra đồi cát thỏa sức chơi đùa.
Ngày hai đứa em tôi lên 3 lên 4, chúng hay nằng nặc đòi theo mẹ vượt qua những đồi cát để về làng Ninh Thủy, nơi mẹ buôn bán. Mẹ mỉm cười rồi chiều ý. Thế là từ những lần như vậy, mẹ để mỗi đứa vào một đầu gánh, và nhọc nhằn gồng gánh hai con qua dặm dài đồi cát. Hai đứa tíu tít cười đùa, mẹ mím môi cười qua đôi mắt, biển như thương tình, thổi gió ào ạt, tấm áo lưng mẹ vẫn bền bệt mồ hôi.
Lần đó, anh em chúng tôi biết mẹ chưa tầm giờ về và kéo ra biển như mọi bận. Nhưng hôm đó mẹ bệnh, phải sớm phiên chợ về. Từ trên cao đồi cát, mẹ thấy ba anh em chúng tôi lặn ngụp nơi khúc biển vắng, mẹ tung đôi quang gánh, chạy ào theo triền cát lao về phía chúng tôi. Chúng tôi thấy mẹ té, rồi mẹ đứng lên chạy, mẹ ra sức ngăn chúng tôi, mẹ lại té lăn theo triền cát. Trận đòn đêm ấy không làm tôi đau, nhưng tôi đau vì lần đầu tiên trong đời, tôi thấy mẹ té vùi trong cát.
Lũ anh em chúng tôi lớn dần lên và bước chân mẹ trên những đồi cát dường như lại tất tả hơn cùng cát nóng. Sáng sớm tinh mơ, mẹ đã trẩy đôi quang gánh vượt đồi cát ra chợ, trưa mẹ về cùng con cá con tôm, rồi mẹ lại đi. Cứ mỗi lần như vậy, chúng tôi chỉ háo hức những thứ mẹ đem về, chúng tôi nào biết đôi chân tấy đỏ, bỏng rát cùng bờ vai chai sần quang gánh mà mẹ chẳng bao giờ cho chúng tôi xem.
Ba theo tàu đi bạn ra khơi và mãi không về sau một cơn bão, mẹ chỉ còn chúng tôi và đồi cát quen thuộc. Dốc Lếch vẫn hoang vu ít ai lui lại, nhưng chúng tôi vẫn có những bạn bè, thầy cô của mình để đêm về tíu tít cùng mẹ. Những lúc như vậy, mẹ nằm võng nhìn chúng tôi mỉm cười. Mẹ nói mẹ sống ở thiên đường. Ban ngày biển xanh như ngọc, đồi cát vàng ươm thay hình đổi dạng theo từng cơn gió. Ban đêm, biển đi ngủ chỉ còn lại màn đêm cùng vô số ánh đèn thuyền câu, và bầu trời triệu sao lấp lánh. Chúng tôi cứ ngờ mặt ra trước những thứ quen thuộc mẹ kể. Nhưng mãi sau này, khi đã xa mẹ để vun vén tổ ấm riêng mình, tôi mới rưng rưng hiểu rằng, mẹ rất cô đơn.
Thiên đường của mẹ không kéo dài qua 5 tháng, rồi những tháng sau đó là khoảnh khắc của mưa quăng bão quật. Mẹ đứng trước cửa, mím môi nhìn màn trời mờ đục, con biển ầm ào xám xịt và dải cát nặng trịch gió quăng quật trước mặt. Mẹ khoác cái áo mưa, cắp đôi quang gánh rồi lầm lũi giữa màn trời giông gió. Có những đợt bão lớn kéo về, mẹ lùa ba đứa con vượt đồi cát để vào phố trú thân nhà nội. Và cứ thế năm tháng trôi qua, mẹ già lúc nào chẳng ai biết, lũ anh em chúng tôi lớn dần lên và lần lượt rời xa mẹ cùng nơi thiên đường ngắn ngủi ấy.
Dốc Lếch giờ đã thay da đổi thịt. Một góc đồi cát đã được san phẳng đi để người người khỏi nhọc bước, khách du lịch kéo về nhiều hơn, và mẹ tôi thì vẫn vậy, mẹ vẫn mỗi ngày cùng tuổi già của mình ngồi nhìn biển trời lộng gió. Ba đứa con của mẹ giờ đã thành đạt và có tổ ấm riêng của mình. Mỗi khi kéo về quê mẹ, từng người trong chúng tôi lại thở dốc khi phải lội qua những đụn cát nhỏ. Có lẽ chúng tôi không ai biết hết từng nỗi nhọc nhằn, từng giọt mồ hôi của mẹ đã đổ xuống đời cát của mình, bằng những hạt cát nơi này.
Nhìn những đứa cháu nghịch cát, rồi té cù từ doi cát xuống biển, mẹ móm mém cười. Cũng doi cát này, mẹ đã té vùi khi lao về chúng tôi lúc xưa. Con cháu về rồi lại đi, nhưng lúc nào tôi cũng biết rằng, nơi một góc miền Trung xa lắc, vẫn còn mẹ tôi ngồi đó, trầm ngâm cùng thiên đường hiu hắt của mình. Một thiên đường nặng trĩu yêu thương suốt một quãng đời in hằn dấu chân đời cát của mẹ.
(*) Dốc Lếch: giữ nguyên địa danh theo phương ngữ mà tác giả dùng.
|
Bình luận (0)