Mẹ Việt Nam anh hùng 102 tuổi vẫn chữa bệnh, cứu người

25/07/2020 08:00 GMT+7

Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sự (ở xã Hợp Thành, H.Kỳ Sơn, Hòa Bình) vẫn rất tinh anh, hằng ngày kê đơn, bốc thuốc chữa bệnh cứu người.

Bà mế chữa bách bệnh

Ngôi nhà của Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Sự - mẹ của 2 liệt sĩ Nguyễn Hùng Chước và Nguyễn Văn Diệu, nằm trên sườn đồi xóm Xạ Múc (xã Hợp Thành), xung quanh nhà là vườn cây thuốc nam xanh mướt, thoáng đãng, yên tĩnh.
Sáng 22.7, khi chúng tôi đến, mẹ đang ngồi bên ghế đá ngoài sân, bàn tay nhăn nheo đồi mồi hết sức dẻo dai, vừa thoăn thoắt bốc lá thuốc vừa phơi khô, đóng gói gửi cho người bệnh ở Hà Nội. Đã mấy chục năm nay, công việc hằng ngày của mẹ Sự đều đặn như vậy. Ở cái tuổi 102, giọng của mẹ vẫn sang sảng, dù một bên tai nghe không rõ, nhưng mẹ vẫn nói chuyện được cả bằng tiếng Việt và tiếng Mường.
Mẹ kể: “Tôi được thừa hưởng nghề bốc thuốc nam từ mẹ. Lúc còn bé, tôi theo mẹ vào rừng tìm kiếm lá thuốc về chữa bệnh cho dân bản. Nhà tôi không có con trai, tôi là con gái cả nên được mẹ truyền nghề này cho. Nay cũng “sắp gần đất, xa trời”, tôi chẳng có tài sản tiền bạc gì quý giá, chỉ có những bài thuốc dân gian từ cây cỏ có sẵn trong thiên nhiên truyền lại cho con dâu để giúp người, giúp đời”.
Anh Vũ Tuấn Hùng, cán bộ LĐ-TB-XH xã Hợp Thành, cho biết ở trong bản, ai có bệnh chỉ cần nói, mẹ Sự sẽ bắt bệnh kê đơn thuốc, từ bệnh đơn giản như cảm cúm, ho hen, đến bệnh nặng nan y, vô sinh… mẹ đều giúp bằng cái tâm, không lấy tiền.
“Trong vùng ai cũng nể phục tài chữa bệnh bằng thuốc nam của mẹ Sự, gọi mẹ với cái tên thân thương: bà mế chữa bách bệnh”, anh Hùng nói.
Bà Đỗ Thị Tiến, con dâu thứ 5 của mẹ Sự, kể những năm trước, khi còn khỏe mạnh, mẹ Sự vẫn vào rừng kiếm lá thuốc quý. Nay tuổi cao sức yếu, sợ con cháu lo lắng, mẹ Sự đã sưu tầm nhiều cây thuốc quý, tự trồng trong vườn nhà. Hằng ngày, mẹ vẫn tự tay chặt thuốc, thái lát, cắt nhỏ các vị thuốc, bào chế thuốc nam.
Dù 102 tuổi nhưng mẹ vẫn là “tay hòm chìa khóa”, trụ cột chính trong gia đình. Mẹ tính toán mọi việc cẩn thận, minh mẫn đâu vào đấy, không hề bị lẫn. Mỗi bữa mẹ Sự ăn 1 bát cơm, tối ngủ ngon giấc. “Từ ngày về làm dâu đến nay gần 50 năm, tôi chưa thấy bà gặp trọng bệnh và cũng không phải dùng đến thuốc tây. Mẹ tôi thương người nghèo, không lấy tiền thuốc chữa bệnh, ai có lòng mang gói bánh, chai rượu đến “hậu tạ” mẹ đều đặt lên bàn thờ thắp hương cho bố và 2 anh tôi là liệt sĩ. Mẹ chính là tấm gương sáng cho con cháu noi theo”, chị Tiến chia sẻ.
Khi nghe cán bộ xã Hợp Thành đến nhà thông báo mẹ được chọn là đại biểu của tỉnh Hòa Bình đi dự Gặp mặt các bà Mẹ VNAH tiêu biểu toàn quốc, mẹ Sự mừng lắm. Mẹ khoe: “Tôi chưa được thăm Lăng Bác Hồ, lần này lên, nhất định phải đi. Tôi muốn đi cho thoải mái tư tưởng nữa, xem xã hội thế nào, chứ ở quanh quẩn trong nhà làm thuốc mãi cũng tù chân. Con cháu trong nhà phấn khởi, đứa mua quần áo mới, đứa mua thuốc bổ, đứa tìm mua máy trợ thính cho tôi”.
Anh Vũ Tuấn Hùng cho hay: “Sở LĐ-TB-XH đã bố trí xe đến tận nhà đón mẹ, rồi có cả nhân viên y tế và con dâu cụ đi cùng nên cũng yên tâm. Mấy ngày nay, ngày nào tôi cũng qua thăm, động viên tinh thần, mẹ bảo yên tâm, mẹ khỏe, đã chuẩn bị đủ cả, chỉ chờ ngày lên đường thôi”.

Ước nguyện cuối cùng

Nhìn mẹ Sự khỏe mạnh, minh mẫn, ai cũng nghĩ mẹ có cuộc sống an yên tuổi già, hạnh phúc vui vầy bên con cháu, nhưng ít ai biết, lòng mẹ vẫn còn đó một nỗi đau nặng trĩu khôn nguôi.
Năm 1966, mẹ Sự tiễn người con trai thứ 3 là Nguyễn Văn Diệu lên đường nhập ngũ. Đến năm 1971, một lần nữa, mẹ lại chia tay người con trai thứ 4 Nguyễn Hùng Chước theo chân người anh vào chiến trường miền Nam. Sau giải phóng miền Nam, mẹ Sự mới nhận được giấy báo tử, hai người con của mẹ đã hy sinh. Nén lại nỗi đau mất mát, mẹ Sự một tay chăm lo, nuôi dạy 5 người con trưởng thành.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB-XH Hòa Bình), cho biết Sở cũng đã cố gắng kết nối với các cơ quan chức năng của Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Quốc phòng... để tìm mộ liệt sĩ Diệu, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. “Do bí mật chiến tranh, trong giấy báo tử gửi về gia đình chỉ ghi hy sinh tại mặt trận phía nam. Đây là một vấn đề khó khăn, cần có thời gian để các cơ quan chức năng rà soát thông tin”, ông Huy nói.
Năm 2014, mẹ Sự được nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH, được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước, nhằm ghi nhận và tri ân đối với sự hy sinh của 2 liệt sĩ Nguyễn Văn Diệu và Nguyễn Hùng Chước. Ngoài ra, mẹ còn được tặng 2 huân chương do có công lao trong kháng chiến chống Mỹ.
Ông Nguyễn Đức Nhuần, cựu chiến binh Tiểu đoàn 647, Sư 320B, chiến đấu tại mặt trận B3 Tây nguyên, đồng đội của liệt sĩ Nguyễn Hùng Chước, kể: “Chúng tôi cùng quê, nhập ngũ cùng ngày, cùng trung đội và cùng vào chiến trường B. Ngày 24.4.1972, chúng tôi tham gia trận đánh giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh, bước vào trận đánh ngày thứ 2, anh Chước đã hy sinh anh dũng. Năm 2006, tôi quay trở lại chiến trường tìm đồng đội và đã tìm thấy mộ liệt sĩ Nguyễn Hùng Chước, khi về báo tin, gia đình mẹ Sự mừng vui không tả xiết. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện đưa về quê, nên năm 2017, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Hòa Bình vận động quyên góp tiền để cùng với gia đình đưa mộ liệt sĩ Chước và 3 đồng đội về quy tập tại nghĩa trang quê nhà”.
Bao năm qua, nỗi nhớ thương người con thứ 3 vẫn chưa nguôi ngoai, nguyện vọng của mẹ Sự là tìm thấy mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Diệu để đưa về chôn cất bên cạnh liệt sĩ Nguyễn Hùng Chước. Bà Đỗ Thị Tiến chia sẻ: “Gia đình tôi chỉ nhận được tờ giấy báo tử anh Diệu hy sinh tại mặt trận phía nam, ngoài ra không có thông tin hy sinh ở chiến trường nào. Ngày nhận giấy báo tử, gia đình tôi lấy làm ngày giỗ. Mỗi lần dịp lễ, tết, mẹ vừa thắp hương vừa gọi tên anh tôi: Diệu ơi! Con ơi ở đâu mau về với mẹ. Chúng tôi con cháu trong nhà nghe mà thắt ruột!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.