Mềm nắn, rắn buông, rồi sao nữa?

04/12/2017 05:00 GMT+7

Điểm nóng BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đang là tâm điểm của dư luận xã hội, kể cả trên các kênh truyền thông chính thống và mạng xã hội.

Thông tin cập nhật tình hình xả trạm liên tục, với đủ các trạng thái cảm xúc và bức xúc liên quan đang đặt ra yêu cầu phải giải quyết vấn đề nhanh chóng và rốt ráo.
Bản chất của vụ việc không phải là xung đột lợi ích đơn thuần của người tham gia giao thông với doanh nghiệp đầu tư Trạm BOT Cai Lậy, mà chính là sự phản đối trước một bất hợp lý do cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Giao thông vận tải tạo ra. Bộ này từng quyết định cho phép nhà đầu tư được đặt trạm như thế nào, thu mức phí ra sao và thu trong bao lâu. Có trực tiếp đi qua trạm BOT này mới thấy sự vô lối, khó chấp nhận được cái nút chặn thu phí trên tuyến huyết mạch QL1A, thay vì trên đường tránh. Và, cho dù có lý giải bằng nhiều lý do dẫn tới việc quyết định vị trí đặt trạm, Bộ Giao thông vận tải cũng chưa chứng minh được rằng khi có cái trạm BOT này thì quyền đi lại trên quốc lộ, một nhu cầu cơ bản và chính đáng của người dân có được đảm bảo hay không.
Mặt khác, bên cạnh việc tổ chức các cuộc đối thoại, đàm phán thẳng thắn giữa các bên liên quan để tìm ra giải pháp xử lý phù hợp, việc truy cứu trách nhiệm của những ai đã đặt bút ký hợp đồng để trạm BOT này hình thành là cần thiết. Thậm chí, cần có sự vào cuộc của cơ quan thanh tra nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch.
Người tham gia giao thông hiện đang đóng phí trên tuyến cao tốc TP.HCM -Trung Lương mà không hề thắc mắc gì, bởi nếu không muốn vào cao tốc, họ có thể chọn phương án ít tốn kém hơn là lưu thông trên quốc lộ đã tồn tại bao đời nay. BOT trong lĩnh vực giao thông nên như thế, là phương án đầu tư ngoài ngân sách mang tính chất bổ sung để người dân chọn lựa, với hợp đồng BOT được công khai đấu thầu, với doanh thu và lợi nhuận được kiểm toán và công khai hằng năm.
Trở lại câu chuyện “tắc trạm” rồi “xả trạm” mà cư dân mạng ví von là “BOT lại có biến”, hiện chủ đầu tư trạm đang áp dụng cách đối phó tạm thời kiểu “mềm nắn, rắn buông”. Tài xế nào đồng ý mua vé, trả phí thì cứ lái xe qua; tài xế hoặc cả hành khách trên xe nào phản ứng bằng các cách thức và lý lẽ khác nhau mà dẫn tới ùn tắc thì “xả trạm”. Có ngày, trạm BOT này “đóng” rồi “ xả” hàng chục lần. Giải pháp tình thế này chỉ làm cho căng thẳng càng kéo dài, vừa thiệt hại kinh tế, vừa ảnh hưởng đến niềm tin chính sách.
Cứ mỗi lần ùn tắc là người dân địa phương và các vùng lân cận tụ tập gần trạm để theo dõi diễn biến, bàn tán, quay clip đưa lên mạng. Mỗi lần xả trạm là họ vỗ tay, reo mừng chào đón những lượt xe qua miễn phí. Sự reo hò ấy về hình thức là giải tỏa bức xúc cộng hưởng cùng các bác tài, nhưng về sâu xa như một hệ quả của sự phản kháng xã hội tại một điểm nóng BOT cụ thể, là một thực tế đau xót rất cần được quan tâm, giải quyết. Bởi lẽ, sự đồng thuận, ủng hộ hoặc chia sẻ của người dân mới thực sự là giá trị lớn nhất để xã hội ổn định và phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.