Mênh mang con nước Nhà Bè

14/03/2020 07:44 GMT+7

H.Nhà Bè nằm ở phía đông nam Sài Gòn, có vị trí chiến lược, nằm trên đoạn đường thủy huyết mạch từ biển vào TP.HCM, có hệ thống sông ngòi chằng chịt thuận lợi cho mạng lưới giao thông đường thủy.

Chiếc sà lan số hiệu VL-11311 hiển thị trên bảng thông báo hàng hải của website Tổng công ty bảo đảm hàng hải miền Nam, trong trạng thái bị chìm lúc 8 giờ 10 ngày 21.2 trên luồng hàng hải Soài Rạp, khiến tôi nhớ đến một người có thâm niên 40 năm chạy sà lan thuộc lòng con nước của luồng sông Nhà Bè.

Chuyện xưa chuyện nay

Thông tin về số phận chiếc sà lan nói trên được cập nhật ngay, là một việc tức thì để cảnh báo tàu thuyền đi lại trên sông. Giữa vùng nước mênh mông ấy, không dễ gì đi một cách tùy hứng, vậy nên được phân luồng rất rõ. Thông báo nói rằng chiếc sà lan nói trên bị sự cố và chìm tại khu vực hạ lưu phao báo hiệu số “65” luồng hàng hải Soài Rạp, phía phải luồng và bên ngoài luồng hàng hải cửa Tắc Sông Chà, cách biên luồng khoảng 300 m tại vị trí có tọa độ tương đối, vĩ độ X, kinh độ Y…
Cái tên Soài Rạp gợi nhớ đến một đoạn từng đọc về câu chuyện đặc công Rừng Sác đã tận dụng dòng chảy của nhánh sông này, thả mình trôi theo dòng để đánh đòn quyết định vào một đêm đầu tháng 12.1972, xóa sổ cả tổng kho Nhà Bè chứa đầy xăng dầu của các hãng dầu khí lớn thế giới như Shell, Caltex, Esso vốn dành để tiếp liệu cho quân đội Mỹ ngày ấy, với tổng trị giá lên tới 20 triệu USD, tính theo giá trị 48 năm trước!
Nhưng thú vị nhất là chuyện sông nước trong tâm thức của nhân vật có nhắc đến trên đoạn “phi lộ” của bài này, là người đàn ông có biệt danh Sáu Xệ. Ông tên thật là Võ Văn Thoa (62 tuổi, người xã An Thới Đông, H.Cần Giờ, TP.HCM).
Ngay trong ngày đầu năm 2020, trên đường về Cần Giờ, tại Bến phà Bình Khánh, tôi gặp ông tình cờ khi nhắc ông về chuyện quên chưa gạt chiếc chân chống xe máy, chạy lên phà có thể bị trượt té. Ông quay lại cười tỏ vẻ cảm ơn, tôi rủ: “Qua bên kia bờ làm ly cà phê chớ anh?”. Sáu Xệ gật đầu, và nhờ thế tôi có nguồn tư liệu sống quý giá từ một người dân sở tại lâu năm.
Ông kể vắn tắt: “Nhà tui hồi xưa giàu có lắm, ba tui là ông Chủ (có lẽ theo nghĩa nhiều ruộng vườn, theo kiểu gọi địa chủ - NV), nay gia đình vẫn ở Cần Giờ. Hồi xưa những năm thập niên 60, xã An Thới Đông tui ở là thuộc Q.Quảng Xuyên, nhưng tui theo sà lan từ năm 12 tuổi, bắt đầu lái từ năm 22 tuổi, đến nay đã tròn 40 năm, nên thuộc làu sông nước từ Vũng Tàu lên đến Bến Lức (Long An)”.
Theo lời ông Sáu, đoạn tuyến luồng lạch của 2 nhánh sông Lòng Tàu và Soài Rạp, là bởi do sông Nhà Bè chia hai nhánh có tên như vậy, hồi xưa con nước “rất hiền”, sà lan chạy băng băng, nhưng sau này con người tác động dữ quá, làm biến đổi dòng chảy nên có chỗ “gập ghềnh”, nhất là lúc nước ròng nên ngành hàng hải phải phân luồng rõ ràng như vậy. Đang cà phê, ông chỉ tay ra sông: “Phía bên phải là Soài Rạp, phía bên trái là Lòng Tàu. Còn có thời gian tên cũ của ngã ba sông này là ngã ba Tam Kỳ”. Rồi ông lý giải: “Tam là ba, kỳ là kỳ cục. Hồi xưa thời Pháp có 2 đồn: Tây Hạ đóng ở Nhà Bè, Tây Thượng đóng ở Nhơn Trạch. Có ba lần quân Pháp ở cả hai đồn dồn quân đánh lên phía này, lúc ấy có tên là Phước Khánh, chớ không phải Bình Khánh như giờ. Dân và quân Phước Khánh đánh cho tan tác chạy về, cả ba lần đều thua, nên mới gọi là Tam Kỳ, là 3 lần kỳ cục, nói theo kiểu bà con chế giễu giặc đánh yếu”. Rồi ông cười, khuôn mặt đậm chất gió sóng.
Mênh mang con nước Nhà Bè1

Bến phà Bình Khánh nhìn từ H.Nhà Bè

Sông nhà bè có… tự “chia hai” ?

Hai con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn hợp lưu ở một đoạn sông gọi là sông Nhà Bè. Mỗi dạo con nước lên, ghe thương hồ từ miệt Cửu Long lên hay dân sông nước ở Cần Giờ, Nhà Bè đi lại sinh hoạt giao thương, có thể về hai hướng: xuôi Biên Hòa theo sông Đồng Nai hay rẽ qua Gia Định, vì thế nên có câu ca: “Nhà Bè nước chảy chia hai/Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Đó là giả thuyết thứ nhất để giải thích câu ca xưa lưu truyền trong dân gian.
Còn giả thuyết thứ hai, ít người nghiêng về là ý nói sông Nhà Bè chia ra 2 nhánh sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp, nên mới có cụm từ “chia hai” trong câu ca. Bởi, theo tư liệu hàng hải xưa nay, sông Nhà Bè chỉ kéo dài khoảng 10 km. Cũng giống như đường bộ, có con đường liên quận rồi rẽ 2 nhánh ở phạm vi một quận, còn có những con đường hợp lại với nhau ở một giao lộ, rồi rẽ ra 2 hoặc 3 hướng về các quận. Cách giải thích này của người viết khi liên tưởng đến những ngã rẽ của dòng sông có vẻ hơi khập khiễng, nhưng suy luận thêm chút, sự hợp lưu giữa các chi lưu là do “trời định”. Cho nên, thật khó vận vào một cách giải thích thấu đáo cho đúng trí tưởng người xưa, khi thiên nhiên vốn như vậy. Chính vì thế, cho đến bây giờ vẫn chưa có ai dám khẳng định cái sự “chia hai” ấy của dòng sông, ngả theo cách lý giải nào!
Mênh mang con nước Nhà Bè2
Mênh mang con nước Nhà Bè3

Những khu chung cư cao tầng trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè

Ảnh: Trần Thanh Bình

Mênh mang con nước Nhà Bè4

Cầu Mương Chuối bắc qua sông Nhà Bè

Ảnh: Trần Thanh Bình

Điều mà tôi tâm đắc là khi đứng trên cầu Mương Chuối của H.Nhà Bè phóng tầm mắt nhìn về phía cầu Phú Mỹ (Q.7), nơi giao nhau của các dòng sông lớn, lại có một cảm giác mênh mang. Sông vẫn chảy ngàn đời, đất trời vẫn muôn thuở. Nhưng cái sự vươn lên của Nhà Bè khi đi dọc đường Nguyễn Hữu Thọ, băng qua Q.7 chạy xuôi về hướng khu công nghiệp Hiệp Phước thì thấy rất rõ. Hàng loạt cụm chung cư cao tầng mọc lên hai bên đường, khi hướng máy ảnh ngược lên, như thấy mây trời “giao lưu” với các tầng chót vót. Đó là một sự “khuấy động” nơi chốn đầm lầy dừa nước tồn tại ngàn đời, để cho hàng chục ngàn hộ dân cư ngụ và thụ hưởng cái gọi là view riverside (vị trí ven sông) mà doanh nghiệp bất động sản nào cũng ao ước.

Vĩ thanh

Rốt cuộc thì tôi vẫn chưa thực hiện lời hứa với một người bạn và cô học trò, đã hẹn nhau trên Facebook là sẽ về Nhà Bè ăn cá chìa vôi, một loại cá màu vàng chuyên sống ở đáy các ngã ba sông, nghe mô tả rằng rất ngon và khá hiếm. Loài cá có dãy vây trên lưng dài như cái chìa vôi của các bà các mẹ. Nhưng trong hôm ấy, khi dừng lại trên cầu Mương Chuối hỏi han hai người đàn ông lớn tuổi có tên Tư Hùng và Sáu Lém đang thả câu xuống sông Nhà Bè, họ đều trả lời “cá chìa vôi khó kiếm lắm”, và “chỉ vui vui ra đứng thả câu, năm thì mười họa bắt được vài con cá dứa nhỏ, hoặc cá bống dừa ven bờ chủ yếu là để... bớt sầu”!
Mênh mang con nước Nhà Bè5

Đường Nguyễn Bình, nơi tọa lạc các trụ sở của H. Nhà Bè

Ảnh: Trần Thanh Bình

Mênh mang con nước Nhà Bè7

Ngã ba sông Nhà Bè, nơi chia ra 2 nhánh Lòng Tàu và Soài Rạp

Ảnh: Trần Thanh Bình

Lúc băng qua đường Nguyễn Bình rợp mát, là nơi đóng “bản doanh” của các cơ quan huyện, lại nhẩn nha hỏi chuyện một cô gái bán xoài, cô ấy chỉ: “Chú đi hết đường này, rẽ qua một đoạn, ngay đầu mũi Bến phà Bình Khánh, rồi vòng lại là đường Huỳnh Tấn Phát, thẳng lên là đến Q.7 rồi về lại Sài Gòn”. Chợt nghĩ, đường thì không dài lắm, nhưng khi chạy qua dốc cầu Phú Xuân, dừng lại một chút để chụp hình con hẻm nhỏ xíu và sâu, lại ngỡ như chỗ chỉ vừa chiếc xe máy lọt vô này, có lẽ là nơi của những ngư dân bao đời vẫy vùng trên sông nước, nay đã tụ về…
H.Nhà Bè nằm ở phía đông nam Sài Gòn, có vị trí chiến lược, nằm trên đoạn đường thủy huyết mạch từ biển vào TP.HCM, có hệ thống sông ngòi chằng chịt thuận lợi cho mạng lưới giao thông đường thủy. Huyện có 7 đơn vị hành chính cấp xã gồm TT. Nhà Bè và 6 xã, diện tích tự nhiên 100 km2, hiện có 206.000 dân và mật độ dân số là 2.000 người/km2. Hai trục lộ lớn bọc phía đông và phía nam của huyện là đường Huỳnh Tấn Phát và đường Nguyễn Hữu Thọ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.