Ngoại nói sao nhớ quê quá tụi bây, rồi lục đục đứng dậy vô bếp. Mỗi lần nhớ quê, ngoại đều vô bếp nấu ăn. Như thể chỉ cần làm vậy, những nỗi nhớ cồn cào trong tim sẽ vơi bớt.
An Giang mùa nước nổi |
thanh dũng |
Tôi thương cái vị miền Tây trong từng món ăn ngoại nấu. Nó ngọt ngào y như giọng nói của người lớn lên từ sông nước miệt vườn. Hồi nhỏ, ba mẹ đi làm ăn xa, nên quanh năm suốt tháng tôi đều được gửi ở nhà ngoại. Sống cạnh ngoại, nên tôi cũng đâm ghiền các món ăn ngoại nấu, nó khác xa cái vị mặn mòi cay nồng trong cách nêm nếm của người miền Trung. Tôi thích món bún bò giò heo thơm lừng vị sả và cả hương ruốc mặn mòi quê mình, nhưng cũng mê món bún cá ngọt lành xứ An Giang của ngoại. Lần nào nấu bún cá lóc, ngoại cũng xuýt xoa bảo, giá mà ở quê ngoại vào mùa nước nổi, ăn bún cá với bông điên điển thì ngon hết xảy. Giọng ngoại mơ màng như trôi theo sông nước miền Tây.
Thuở bé xíu, sông nước xứ miền Tây ăm ắp cây trái qua lời kể của ngoại, sao mà nghe vừa xa xôi, nhưng cũng như đâu đó rất gần. Bởi quê nhà miền Tây luôn nằm trong tim ngoại, nó cận kề bên tôi trong những đêm hai bà cháu nằm kề sưởi ấm nhau trong mùa gió lạnh. Và đâu đó trong nỗi chờ mong non nớt của tuổi thơ ngày ấy, chỉ mong mình lớn nhanh, để rong ruổi khắp xứ miền Tây ngọt lành quê ngoại. Tôi sẽ dẫn ngoại đi qua mấy cây cầu khỉ bắt ngang kênh rạch; chèo xuồng trên sông lúc chiều bồng bềnh buông nắng nhẹ; hai bà cháu sẽ đi viếng cảnh chùa nơi vùng bảy núi linh thiêng huyền bí. Bà cười, chỉ sợ lúc đó đôi chân già nua chẳng chịu nghe lời.
Mỗi lần nhìn con sông Hương trước nhà đỏ quạch khi mùa lụt kéo về, ngoại hay chắc lưỡi bảo, cũng nước nôi ngập đồng ngập ruộng như nhau, tiếc là không có cá linh như xứ ngoại. “Trời ơi, con cá linh bé bé chứ nấu nhiều món ngon lắm tụi bây. Cá linh làm mắm rồi nấu lẩu mắm; cá linh kho tiêu, kho khế, kho mía…; cá linh nhúng giấm cuốn với bánh tráng ghém với rau dại ngoài đồng; cá linh nướng; cá linh chiên giòn, ăn là ghiền liền hà”. Ngoại chép chép miệng khiến tôi cũng nuốt nước miếng theo không ngớt. Ngoại kể về mùa nước nổi xứ mình, tôm cá nhảy lóc chóc đầy đồng, cây cỏ rau lá gì cũng mướt mát ngọt ngon. Từ bông điên điển, bông so đũa, rồi đọt choại, đọt nhãn lồng, lá sầu đâu, lá lốt, lá cải trời, dây bầu dây bí, lục bình, môn nước, hẹ nước… rau lá nào cũng thành món ngon.
Chợ nổi Long Xuyên |
công hân |
Lần nào ông lên rẫy, cũng tranh thủ hái ít rau rừng mọc ven đồi ven suối. Ông nói đọt nhãn lồng quê bà, ở xứ này cũng có, người ta gọi là cây đùm mắm; đọt choại thì gọi là đọt rau rớn; ngọn rau ngổ mọc dại thành cỏ đầy đồng, người ở quê nhổ bỏ không xuể vì ăn không quen; rau đắng chỉ cần vài bữa mưa xuống là lên xanh um nơi ang nước bên góc hè, tụi trẻ con chạy tới chạy lui đạp nát mà đâu có biết ăn; cải trời, lục bình, môn nước đều có cả, chỉ tiếc mấy thứ bông điên điển, bông so đũa xứ trong đó ở đất này không có. Tôi như nghe tình thương của ông dành cho bà tràn lên theo tiếng thở dài tiếc nuối “sao đất này không mọc mấy loại bông đó nhỉ”. Ờ, nếu Huế cũng có bông điên điển, bông so đũa, thì người ta đâu cần về miền Tây mùa nước nổi chỉ để thưởng thức dư vị những món ngon từ bông điên điển. Cái màu bông vàng như giọt nắng trưa hè.
Nhờ bàn tay khéo léo của ngoại, nên mấy món ăn dân dã miệt bưng đồng, tôi được ăn ngay giữa xứ gió lào cát trắng. Không có cá linh khi mùa lụt về, ngoại kho cá cấn cá mại với khế chua. Cái vị chua chua ngọt ngọt cứ quyến luyến nơi đầu lưỡi, thơm ngon không thua gì nồi cá kho với nén đậm đà vị mặn và cay nồng vị ớt của người miền Trung. Tôi mê nhất là nồi thịt kho hột vịt béo ngọt vị nước dừa của ngoại. Hồi đó, mỗi lần ngoại nấu nồi thịt kho hột vịt, ông ngoại phải qua tuốt làng bên mua mấy quả dừa từ hôm trước. Ở quê, hàng quán không nhiều, vườn xứ này cũng ít ai trồng dừa, nên lúc đó kiếm được một hai quả để ngoại bày biện nấu nướng cũng khó lắm. Tôi nhớ ông nói, mỗi lần nấu nồi thịt kho hột vịt, là lúc bà nhớ quê dữ lắm. Nên những hôm như thế, ông thường ít khi ra khỏi nhà mà hay quanh quẩn bên bếp cùng ngoại. Tiếng củi lửa reo tí tách, tiếng ông bà ngồi kề bên bếp lửa thì thầm chuyện vãn, sự ấm áp ấy chẳng hiểu sao cứ in đậm trong trí nhớ tôi đến tận giờ.
Mùa hè, những hồ sen trong lăng Gia Long khoe sắc rực rỡ. Nhà ngoại ở cách lăng một quãng, ngoại hay dẫn tôi vào thăm lăng giữa mùa sen nở rộ. Hai bà cháu chậm rãi đi trên con đường đất nho nhỏ dẫn vào lăng, bóng thông xanh ngắt cao vút phủ che cả con đường mòn bé xíu. Trong tiếng gió núi vi vút là đà thổi qua rặng thông, mang theo hương sen ngọt lịm, ngoại ngồi bên bờ hồ, ngâm nga mấy điệu lý miền Nam, đôi khi lên câu vọng cổ ngọt lịm. Bên kia hồ là những dãy núi mờ xanh, bóng núi nơi này có giống bóng núi mờ xa quê ngoại? Tiếng ca của bà, vấn vít vờn quanh những búp sen đang hé nở trong nắng hè xứ Huế, mang theo nỗi niềm nhớ quê da diết, những ký ức mát ngọt nơi quê nhà xa lắc cứ thế mà chầm chậm ùa về, ủ ấp hai bà cháu trong buổi chiều miên mang đổ nắng. Ngoại nói, nhìn hoa nở, vậy mà đỡ nhớ quê. Tại miền Tây quê ngoại, hoa sen cũng nở ngát đồng khi mùa đến.
Có bận tôi hỏi ngoại, sao chịu lấy chồng xa dữ vậy. Từ tuốt miền Tây mà khăn gói về Huế làm dâu. Ngoại cười. Vì yêu. Chỉ vì chạm phải ánh mắt anh bộ đội hành quân qua làng hôm ấy, mà ngoại dám bỏ xứ theo chồng về nơi đất lạ. Mắt ngoại mơ màng khi nhớ về những tháng ngày tuổi trẻ. Ngọt ngào như nước sông Hương.
Ngoại nói hồi trẻ khó khăn, nhà đông con phải chạy ăn từng bữa, nên ngoại hiếm khi về thăm quê. Chờ mãi đến lúc con cái lớn khôn, dựng vợ gả chồng, ngoại thảnh thơi thì sức khỏe lại yếu khiến những chuyến xe đò dài dằng dặc chở ngoại về thăm quê cũng trở nên khó. Tôi nhớ cái hẹn cùng ngoại về đất An Giang, về thăm vùng bảy núi, nơi có có sông Tiền, sông Hậu ăm ắp chở nặng phù sa, ngờ đâu tôi chưa kịp lớn, ngoại đã đi xa về miền mây trắng. Để hôm nay, khi tìm về cố quận, lòng chợt thấy hoang hoải khi thiếu bóng bà. Kia ngọn núi, kia dòng sông, nơi đâu còn lưu dấu bóng bà thời son trẻ. Gió miệt bưng đồng vẫn thầm thì thổi, gió có nhớ người con gái lấy chồng xa, lòng vẫn không nguôi đau đáu chốn quê nhà.
Núi vẫn xanh và sông nơi này vẫn chảy, gửi vào mây trời lòng thương nhớ không nguôi.
Bình luận (0)