Với kinh nghiệm nhiều năm làm khô kinh doanh, chị Huỳnh Thu chia sẻ các mẹo nhỏ để chọn khô ngon và cách bảo quản tốt loại thực phẩm này.
Với tôm khô
- Cách chọn: Chọn hàng phơi nắng. Tôm khô từ trong ra ngoài, màu cam hoặc đỏ nhẹ. Tôm phải còn nguyên vỏ khi phơi để không bị mất độ ngọt và tránh được ruồi, bụi làm ảnh hưởng phần thịt bên trong.
Cầm tôm lên tay không bị ẩm ướt và rít tay. Nếu còn rít là tôm còn độ ẩm nhiều, để lâu sẽ rất dễ bị hôi.
Lúc chọn tôm khô xé thử 1 con, tôm có độ bong tơi và khô ráo thì đạt. Tôm có mùi thơm đặc trưng, không hăng, tanh, ăn vào có vị ngọt thanh.
Nếu là tôm sấy thì chọn loại sấy cứng, sấy dẻo ăn dễ bị hôi.
- Cách bảo quản:
Cách 1: Hút chân không rồi bỏ vào ngăn đông hoặc để nhiệt độ phòng.
Cách 2: Gói khô trong giấy báo hoặc giấy xi măng rồi bỏ vào túi ni lông và để ngăn đông.
Cách 3: Bỏ vào hộp thủy tinh, hộp nhựa kín có gói hút ẩm để ngăn mát.
Cách 4: Chia phần nhỏ, bảo quản cả ngăn mát lẫn ngăn đông.
Nếu bảo quản ngăn mát thì nên sử dụng trong vòng 2 - 4 tuần. Nếu để lâu cộng thêm tủ lạnh bị quá tải, nhiệt độ thay đổi dẫn đến khô nhanh hỏng. Nếu mua nhiều thì chia 2 phần, 1 phần bảo quản ngăn đông, 1 phần ở ngăn mát.
Với mực khô
- Cách chọn: Chọn loại có độ trong, mình dầy, ít phấn, ăn vào ngọt và thơm.
- Cách bảo quản:
Cách 1: Sắp xen kẽ 1 lớp mực và 1 lớp giấy, đựng trong thùng giấy rồi bọc túi ni lông ngoài cùng đem bảo quản ngăn đông. Cách quấn giấy này giúp mực đỡ xuống màu và hạn chế lên phấn.
Cách 2: Hút chân không để tránh mùi và tiết kiệm diện tích rồi bỏ ngăn đông.
Với cá khô
- Cách chọn: Với cá lóc non hãy chọn thịt cá có màu trắng trong. Màu trắng là cá tươi và được phơi đủ nắng. Cá phơi không đủ nắng phần thịt sẽ bị vàng.
Cá sặc bổi hơi khó chọn. Hãy chọn hàng khô ráo, cứng tay và vị nhạt. Mọi người nên chọn mua ở chỗ cam kết không mặn. Loại ngon khi chế biến không hôi mùi bùn, thịt chắc.
- Cách bảo quản:
Tương tự như với mực khô.
Bình luận (0)