'Méo mặt' với đồ giả cổ

12/04/2020 08:11 GMT+7

Giới mê cổ vật thỉnh thoảng lại nóng lên trước sự kiện nhiều cổ vật mới được tìm thấy. Tuy nhiên, việc nhận biết được giá trị thật của đồ cổ là không dễ dàng, ngay cả người chơi lâu năm cũng “méo mặt” vì lầm đồ giả.

1.001 chuyện không ngờ

Mới đây, tại Phú Yên rộ lên câu chuyện gia đình ông Lê Văn Bay (KP.Mỹ Lệ Đông, TT.Phú Thứ, H.Tây Hòa) đang sở hữu một số cổ vật có niên đại 20.000 năm, trị giá lên đến 1,5 tỉ USD (khoảng 34.000 tỉ đồng). Các đồ vật gồm: 1 vật có hình dáng giống hồ lô có nắp đậy, màu đồng thau, cao khoảng 30 cm, đường kính rộng khoảng 15 cm, quanh phần dưới có 8 hình dáng giống người, dưới đáy bình có 4 ký tự giống chữ Hán. Hai đồ vật giống cóc ngậm tiền cổ 3 chân, chiều dài khoảng 17 cm, đường kính rộng nhất khoảng 9 cm và chiều cao khoảng 5 cm, phần dưới bụng có 4 ký tự giống chữ Hán.
“Một đồn mười, mười đồn trăm”, tin đồn về giá trị quá lớn của “cổ vật”khiến gia đình ông Bay mất ăn mất ngủ.
Thật ra, cách đây 13 năm, ông Bay đi làm ăn ở Campuchia nhặt được một số đồ vật bằng kim loại rồi mang trưng bày và xem là cổ vật quý. Cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên đã vào cuộc thẩm định, phát hiện loại đồ vật mà ông Bay cho là cổ vật thực ra được sản xuất số lượng nhiều, bày bán tại quầy lưu niệm đồ mỹ nghệ hoặc bán trên mạng xã hội. Vật có hình hồ lô giá bán chỉ khoảng từ 1 - 3 triệu đồng tùy theo kích thước, còn hiện vật hình cóc ngậm tiền giá bán từ 300.000 - 500.000 đồng.
 
Những hiện vật được chế tác giả cổ, đồ mới làm:

Ấm gốm men ngọc thời Trần

Ảnh: Quỳnh Trân

Ấm gốm Chu Đậu thời Lê

Ảnh: Quỳnh Trân

Đầu tượng đá văn hóa Champa

Ảnh: Quỳnh Trân

Tượng nữ thần gỗ chạm văn hóa Óc Eo

Ảnh: Quỳnh Trân

Tượng Phật Thích ca gỗ chạm kiểu Khmer

Ảnh: Quỳnh Trân

Tình trạng lầm tưởng đồ giả cổ là cổ vật không phải chỉ có ông Bay mà ngay cả người chơi lâu năm cũng bị “dính”, như câu chuyện của nhà sưu tầm Nguyễn Văn Phẩm (ở Q.3, TP.HCM). Ông Phẩm vẫn nhớ mãi ơn nghĩa với vợ chồng nhà sưu tập cổ vật Mười Thương. Ông kể, khi thấy đầu tượng thần Shiva đẹp quá, lại đúng sở thích nên năn nỉ ông bà Mười Thương để mua giá 30.000 USD, nhưng 3 ngày sau phát hiện đồ có giá trị thấp nên quay lại xin trả, chịu nộp phạt 10.000 USD.
Đồ ký kiểu, cả thời Lê - Trịnh hoặc thời Nguyễn họ đặt hàng làm mới y như thật ở nước ngoài rồi mang về đem ngâm vào sình lầy, bỏ dưới khu vực nuôi hàu cho bám vào lâu năm, trở thành cổ vật hàng trăm tuổi rồi rao bán
Nhà nghiên cứu Lương Chánh
“Thực sự lúc mua anh Phẩm khẳng định 100% là đồ thật, nghe anh nói “chị có để 10 cây số tui cũng nhận ra” nên tôi mới bán. Sau này, ông xã tôi biết mình cũng bị người ta lừa nên tụi tui vui vẻ trả lại hết tiền mua và tiền phạt cho anh Phẩm”, bà Mười Thương nhớ lại. Trường hợp ông Phẩm là may mắn, còn đa phần khi “tiền trao cháo múc” thì chỉ biết… kêu trời.
Là người nổi tiếng trong lĩnh vực sưu tầm cổ vật, sách xưa ở Việt Nam, linh mục Nguyễn Hữu Triết (nhà thờ Tân Sa Châu, TP.HCM) tiết lộ: “Vì cổ vật không ai định giá nên có người ở Vũng Tàu mang tới chào tôi vài món đồ, nói giá những... 150 triệu đồng, tôi bảo mang về đi. Tâm lý họ nghĩ rằng cứ cổ vật là có giá chứ đâu biết giá trị của cổ vật phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa”.

Trăm sự nhờ... hội đồng

Hội Cổ vật TP.HCM đang có gần 100 nhà sưu tầm cổ vật sinh hoạt, tuy nhiên việc trao đổi những loại hiện vật quý giá này chỉ thông qua... tin nhau là chính chứ vẫn chưa có sàn đấu giá chính thức, còn mua bán trên các trang mạng xã hội thì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Trong khi đó, việc làm giả đồ cổ ngày càng tinh vi.
Theo nhà nghiên cứu Lương Chánh: “Đồ ký kiểu, cả thời Lê - Trịnh hoặc thời Nguyễn họ đặt hàng làm mới y như thật ở nước ngoài rồi mang về đem ngâm vào sình lầy, bỏ dưới khu vực nuôi hàu cho bám vào lâu năm, trở thành cổ vật hàng trăm tuổi rồi rao bán. Đối với đồ đồng, họ dùng keo hay a xít làm cho ô xy hóa để tạo màu thời gian, đồ đá thì mài chuốt, tạo da đá... rất khó bị phát hiện”. Nhà sưu tập Ngô Thị Thương (Mười Thương) cho biết: “Người làm đồ cổ giả chuyên nghiệp còn tìm cách dàn dựng thành những câu chuyện hư cấu y như thật. Xây dựng hiện trường đầy đủ “đạo cụ” với xe múc đất làm việc hay nhà đang đào giếng hoặc đào móng nhà…, sau đó “chạy” các kế sách để bán hàng tùy vào từng đối tượng mà đưa người mua vào ma trận”.
Hiện nay, ở TP.HCM chỉ duy nhất Bảo tàng Lịch sử TP.HCM là có Hội đồng giám định di vật cổ vật. Chính vì vậy, trăm sự phải nhờ… hội đồng. Nhà nước cũng khuyến khích người dân đi đăng ký di vật, cổ vật với Sở VH-TT để “lọc” được cổ vật giả và để cấp giấy chứng nhận công nhận quyền sở hữu cổ vật hợp pháp.

Tạo môi trường mua bán minh bạch qua đấu giá

Cần tạo ra các sân chơi hợp pháp cho những người yêu di sản, như trong lĩnh vực mỹ thuật đang làm - từ đó nhà nước có điều kiện quản lý tốt về cổ vật, tiến tới việc xã hội hội hóa trong điều kiện nguồn lực nhà nước vẫn còn hạn chế.
Đối với những nhà sưu tập lớn, theo tôi nên động viên họ, tạo môi trường mua bán minh bạch, hợp pháp để thông qua đấu giá, nhà nước sưu tầm thêm được nhiều cổ vật quý, bổ sung cho các bảo tàng, để lưu trữ bảo quản, phát huy những giá trị hiện vật tốt hơn, đi theo đó là những chứng cứ pháp lý đầy đủ, đúng quy định của pháp luật. Có như thế thì cổ vật giả tự khắc sẽ hết đất sống.
Ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng giám định di vật, cổ vật 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.