Mẹo ngủ đơn giản giúp bạn tỉnh táo hơn vào hôm sau

08/03/2023 04:06 GMT+7

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Anh tiết lộ một mẹo ngủ 'vừa hiệu quả, vừa rẻ tiền', giúp mọi người tỉnh táo hơn khi thức dậy vào hôm sau.

Tờ Daily Mail mới đây đưa tin nghiên cứu mới của nhóm chuyên gia thuộc Đại học Cardiff (Anh) được công bố trên The Journal Sleep (tạm dịch: tạp chí giấc ngủ) cho biết chỉ cần ngăn chặn việc tiếp cận ánh sáng trong lúc ngủ sẽ giúp bạn tránh được tình trạng uể oải khi thức dậy.

Cụ thể, nguồn ánh sáng được đề cập trong kết quả nghiên cứu bao gồm ánh sáng từ đèn trong phòng, đèn đường, từ thiết bị điện tử và cả ánh trăng. Đại diện nhóm tác giả, thạc sĩ Viviana Greco mô tả: "Đây là một giải pháp vừa hiệu quả, vừa rẻ tiền".

Mẹo ngủ đơn giản giúp bạn tỉnh táo hơn vào hôm sau - Ảnh 1.

Chỉ cần ngăn chặn việc tiếp cận ánh sáng trong lúc ngủ sẽ giúp bạn tránh được tình trạng uể oải khi thức dậy

SHUTTERSTOCK

Trong nghiên cứu của mình, bà Greco và các đồng sự đã tiến hành thực nghiệm kéo dài 2 tuần với sự tham gia của 89 tình nguyện viên (từ 18-35 tuổi). Vào tuần đầu tiên, nhóm này được đeo miếng bịt mắt khi đi ngủ, trong khi tuần thứ hai thì không.

Bên cạnh đó, vào buổi sáng của ngày thứ sáu và thứ bảy mỗi tuần, các tình nguyện viên cũng được thực hiện các bài kiểm tra khác nhau để đo sức mạnh não bộ. Kết quả cho thấy trong tuần được mang miếng bịt mắt để ngủ, não của họ có phản xạ tốt hơn, khả năng ghi nhớ cũng được cải thiện.

"Kết quả nghiên cứu này có tính tham khảo quan trọng cho những người làm các công việc yêu cầu sự tập trung cao vào ban ngày như lái xe, người làm công việc trí óc như giảng dạy, học tập…", chuyên gia Greco nói.

Giải thích rõ hơn, bà Greco cho biết ánh sáng là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần điều tiết giấc ngủ tự nhiên của chúng ta, hay nói cách khác, chu kỳ ngủ - thức được điều chỉnh bằng ánh sáng ban ngày và bóng tối ban đêm.

"Vào ban ngày, ánh sáng mặt trời sẽ thúc đẩy não gửi tín hiệu tỉnh táo để giữ cho cơ thể làm việc hiệu quả. Vào ban đêm, khi nắng tắt, não sẽ kích hoạt quá trình sản xuất melatonin - một loại hormone thúc đẩy giấc ngủ, sau đó tiếp tục truyền tín hiệu cho cơ thể biết rằng đã đến lúc nghỉ ngơi và đi ngủ", bà Greco nói rõ.

Theo đó, nếu tín hiệu ánh sáng bị lệch - hay nói cách khác là xuất hiện ánh sáng vào thời điểm cơ thể cần đi ngủ, nhịp sinh học có thể bị gián đoạn, khiến mọi người khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.