Mẹo tránh bị ngạt, ngộ độc khí khi ngủ trong ô tô

08/07/2015 21:47 GMT+7

Những bước dưới đây sẽ giúp bạn ngủ trong xe hơi an toàn hơn, tránh trường hợp đáng tiếc do thiếu khí hay ngộ độc khí thải từ chính động cơ trên ô tô.

Những bước dưới đây sẽ giúp bạn ngủ trong xe hơi an toàn hơn, tránh trường hợp đáng tiếc do thiếu khí hay ngộ độc khí thải từ chính động cơ trên ô tô.

>> Tại sao không nên ngủ trong ô tô?
>> Chuẩn an toàn cho xe hơi quá 'bèo' !

Như đã đề cập ở bài viết trước, việc ngủ trong xe hơi là tình huống bất khả kháng khi bạn quá mệt mỏi vì lái xe đường dài, khi không tìm được chỗ nghỉ êm ái. Có rất nhiều lý do khiến bạn không nên ngủ trong xe hơi như nguy cơ mắc ung thư, bị trộm cắp và nguy hiểm nhất là tử vong do thiếu khí hay ngộ độc khí. Đã có nhiều trường hợp đáng tiếc do thiếu hiểu biết khi ngủ trong ô tô được ghi nhận trên thế giới và cả ở Việt Nam trong nhiều năm qua.

Mệt mỏi khiến nhiều tài xế lựa chọn ngủ ngay trên xe hơi - Ảnh: Volpe

Trong tất cả các trường hợp, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tử vong chính là ngủ đóng kín cửa và bật điều hòa lấy gió trong. Mặt tích cực của việc đóng kín cửa và bật điều hòa lấy gió trong là tiết kiệm nhiên liệu, đề phòng trộm cắp nhưng cũng là nguyên nhân khiến nạn nhân tử vong chỉ sau vài giờ ngủ quên. Đối với một số mẫu xe đời mới hệ thống điều hòa đã khắc phục hạn chế trên bằng cách chuyển linh hoạt giữa hai chế độ lấy gió trong và gió ngoài sau 5 phút.

Tuy nhiên, không phải hầu hết các chủ xe đều đang sở hữu một mẫu xe đời mới có công nghệ này. Ở chế độ lấy gió trong, hệ thống điều hòa trên các xe đời cũ chỉ dùng chính không khí bên trong xe để làm lạnh khiến việc lưu thông không khí với bên ngoài gần như không có. Nếu ngủ trong ô tô lúc này với cửa đóng kín, một người có thể tử vong trong khoảng 2 - 3 giờ vì cạn kiệt oxy, càng nhiều người thì thời gian càng rút ngắn. Kinh nghiệm rút ra là khi ngủ trong xe hơi bật điều hòa phải chọn chế độ lấy gió ngoài giúp việc lưu thông không khí được tuần hoàn hơn.

Ngay cả trong trường hợp đã chọn chế độ lấy gió ngoài vẫn có thể bị tử vong do động cơ chết máy. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do xe bị hết nhiên liệu hoặc động cơ quá nóng vì dừng lâu một chỗ khiến hệ thống làm mát bằng gió cưỡng bức không hoạt động.

Trước khi ngủ cần phải thực hiện những bước cần thiết tránh việc ngạt khí, ngộ độc khí - Ảnh: Capoliticalreview

Như vậy, việc ngủ trong ô tô tồn tại nhiều nguy hiểm hơn bạn nghĩ. Trong trường hợp bắt buộc phải ngủ trong xe tài xế nên chọn nơi thoáng đãng không khí lưu thông tốt. Đặc biệt tránh đỗ xe trong không gian chật hẹp, bí khí bởi trong trường hợp này ngay cả mở hết cửa xe bạn vẫn có thể bị thiếu oxy hay nghiêm trọng hơn là ngộ động khí CO thải từ động cơ.

Bước tiếp theo là bật điều hòa trong trường hợp cần thiết, chọn chế độ lấy gió ngoài hoặc tự động trên xe hơi đời mới. Chỉnh hệ thống gió điều hòa tránh thổi thẳng vào mặt dễ cảm lạnh, ảnh hưởng tới sức khỏe. Bước quan trọng nhất chính là khóa cửa và hạ kính cửa bên xuống khoảng 1,25 - 1,5 cm để không khí vẫn đảm bảo lưu thông mà không quá ảnh hưởng tới việc làm mát của hệ thống điều hòa. Công đoạn này giúp bạn tránh được rủi ro khi động cơ tắt máy đột ngột, hệ thống điều hòa trong xe hỏng… và cả những đạo chích lăm le trộm đồ khi chủ nhân ngủ say. Tất nhiên, trong trường hợp này bạn nên cất kỹ điện thoại, ví và các món đồ giá trị để tránh khơi dậy lòng tham của kẻ gian.

Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể đặt báo thức sau mỗi giờ, việc này khiến giấc ngủ bị gián đoạn nhưng nó giúp bạn kiểm soát tình huống tốt hơn bởi ngủ trong xe hơi chưa bao giờ là an toàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.