Mẹo xử trí khi bị hóc xương cá

07/02/2019 16:08 GMT+7

Không ít người ăn nhanh hoặc nói chuyện trong khi ăn dễ bị hóc xương cá. Xử trí thế nào trong tình trạng này, đặc biệt, lỡ bị hóc xương trong tiệc tùng lễ tết. Những mẹo nào là đúng để "trị" hóc xương cá?

Trong dân gian truyền nhau mẹo khi bị hóc xương cá, nên ăn ngay một miếng cơm nguội để xương theo đó trôi xuống. Tuy nhiên, theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Nhôm, Phó Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quốc tế City (TP.HCM), cách xử trí như vậy rủi ro rất cao. Bởi có thể làm xương cá cắm sâu hơn vào họng hoặc rơi vào dạ dày, ảnh hưởng khó lường đế đường tiêu hóa.
Bác sĩ Nhôm hướng dẫn một vài mẹo có thể giúp xử trí trường hợp hóc vụn xương cá nhỏ mà bạn có thể áp dụng.
“Trong trường hợp xương cá to và sắc nhọn thì bạn phải đến bác sĩ để xử lí kịp thời”, bác sĩ Nhôm khuyến cáo thêm.

Ngậm và nuốt vỏ cam hay vỏ chanh

Khi bị hóc xương cá, bạn có thể ngậm trong miệng một miếng vỏ cam hoặc chanh. Như vậy sẽ làm xương cá mềm và tan vào nước bọt.

Dùng một viên vitamin C

Vitamin C có tác dụng y như vỏ cam, chanh. Do đó, nếu không có vỏ cam hay chanh bạn có thể thay thế bằng một viên vitamin C để ngậm. Sau vài phút, sẽ tiêu được xương cá.
Ngoài ra, vitamin C còn có tác dụng giảm đau, kháng viêm rất tốt cho vùng thực quản bị hóc xương cá tránh được sự tổn thương.

Dùng tỏi

Tỏi cũng có tác dụng để xử trí mảnh xương cá bị hóc. Xác định vị trí hóc xương rồi bóc một nhánh tỏi nhét vào lỗ mũi. Nếu chỗ hóc xương ở bên trái thì bạn nhét tỏi vào lỗ mũi bên phải và ngược lại. Sau đó, bịt lỗ mũi bên trái và thở bằng miệng. Một lúc sau bạn sẽ hắt hơi và tự nôn ra.

Xử trí hóc xương cá với trẻ nhỏ

Trẻ em là đối tượng rất dễ bị hóc xương cá vì các bé còn nhỏ chưa tự lừa xương và thường không tập trung nhai kỹ. Chính vì thế, phụ huynh cần chú ý khi cho trẻ ăn cá. Khi trẻ hóc xương, phụ huynh cần bình tĩnh cho trẻ ngừng ăn, rồi nhẹ nhàng trấn an tinh thần bé.
Trẻ nhỏ hóc xương thường quấy khóc, cần dỗ bé nín để tránh xương cá không bị kẹt sâu hơn.
Sau đó, nói bé há miệng và dùng đèn pin soi để kiểm tra cổ họng của bé.
Nếu phát hiện xương mắc ở cổ họng bạn cần bình tĩnh dùng kẹp y tế để gắp xương ra. Cần thực hiện nhẹ nhàng, trấn an tinh thần để bé không ngọ nguậy có thể gây tổn thương vùng họng.
Cho trẻ uống nước vài lần. Nếu khi bé uống không có dấu hiệu đau đớn nghĩa là đã hết hóc xương. Với những trẻ lớn hơn sau khi cho trẻ uống nước bạn có thể hỏi bé có còn đau không.
Theo bác sĩ Nhôm: Trong trường hợp nếu không phát hiện thấy xương cá nằm ở cổ họng mà bé vẫn có biểu hiện đau đớn, la khóc thì mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để các bác sĩ xử lý kịp thời. Vì có thể xương đã đi sâu xuống thực quản bạn không thể nhìn thấy được.
“Để tránh tình trạng hóc xương cá, mọi người cần thận trọng trong lúc ăn. Không nên vừa cười nói vừa nhai. Nếu không may bị hóc xương bạn nên xác định chính xác độ nguy hiểm, từ đó có biện pháp xử trí kịp thời. Tốt nhất là đừng nên chủ quan bỏ qua mà phải đến gặp bác sĩ để lấy xương cá ra. Nếu không sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khó lường về sau”, bác sĩ Nhôm cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.