Meta dự định đặt cáp ngầm dài nhất thế giới nối Mỹ, Ấn Độ

18/02/2025 07:45 GMT+7

Meta vừa công bố kế hoạch xây dựng dự án cáp ngầm dưới nước dài nhất thế giới, nhằm kết nối Mỹ, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil và các khu vực khác.

Theo Meta - công ty sở hữu Facebook, Instagram và WhatsApp, cho biết dự án trên có tên là "Waterworth" liên quan tuyến cáp ngầm dài 50.000 km, dài hơn chu vi trái đất. The Guardian cho hay đây sẽ là tuyến cáp ngầm dài nhất từ trước đến nay sử dụng hệ thống 24 cặp sợi quang, mang lại dung lượng cao hơn và giúp hỗ trợ các dự án trí tuệ nhân tạo (AI) của công ty.

Meta dự định đặt cáp ngầm dài nhất thế giới nối Mỹ, Ấn Độ- Ảnh 1.

Các kỹ sư xử lý một tuyến cáp quang dưới biển tại bãi biển Arrietara, Tây Ban Nha

ẢNH: AFP

Meta cho biết: "Dự án Waterworth sẽ mang lại khả năng kết nối hàng đầu trong ngành cho Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và các khu vực quan trọng khác. Dự án này sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế lớn hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hòa nhập kỹ thuật số và mở ra cơ hội phát triển công nghệ ở các khu vực này".

Meta cho hay Waterworth sẽ giúp Ấn Độ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và hỗ trợ các kế hoạch đầy tham vọng của đất nước này cho nền kinh tế kỹ thuật số.

"Chúng tôi đã thúc đẩy đổi mới cơ sở hạ tầng cùng với nhiều đối tác khác nhau trong thập niên qua, phát triển hơn 20 tuyến cáp ngầm. Điều này bao gồm nhiều lần triển khai cáp ngầm hàng đầu trong ngành với 24 cặp sợi quang – so với thông thường là 8 - 16 cặp sợi quang của các hệ thống mới khác", theo Meta.

Meta nhấn mạnh họ sẽ lắp đặt hệ thống cáp ở độ sâu tới 7.000 m và sử dụng các kỹ thuật chôn cáp tiên tiến tại các khu vực có nguy cơ đứt gãy cao, chẳng hạn như vùng nước nông gần bờ biển, để tránh hư hại do neo tàu và các mối nguy hiểm khác.

Theo The Guardian, hơn 95% lưu lượng internet trên thế giới được truyền qua cáp ngầm, điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng bị tấn công hoặc tai nạn, cũng như trở thành mục tiêu trong các căng thẳng và xung đột địa chính trị.

Hồi tháng 1, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã triển khai một nhiệm vụ nhằm tăng cường giám sát các tàu thuyền ở biển Baltic sau khi các tuyến cáp ngầm quan trọng bị hư hại vào năm 2024.

Anh hiện khoảng 60 tuyến cáp ngầm truyền tải 99% dữ liệu kết nối nước này với thế giới bên ngoài. Anh gần đây đã đưa ra lời kêu gọi bảo vệ cơ sở hạ tầng cáp ngầm của nước này khỏi các mối đe dọa và nghiên cứu kịch bản "phục hồi trong trường hợp xảy ra gián đoạn lớn và kéo dài".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.