Cột mốc lịch sử của giao thông TP.HCM
Lễ công bố vận hành chính thức tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên) theo kế hoạch sẽ khai mạc lúc 7 giờ 30, nhưng từ 6 giờ 30, khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành đã có sự hiện diện của rất nhiều quan khách. Đó là đại diện Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), đại diện các nhà thầu, tư vấn…, những đơn vị đã phối hợp, hỗ trợ TP.HCM trong suốt gần 2 thập niên từ khâu thiết kế tới thi công và đưa vào khai thác tuyến metro số 1. Những người đồng hành tin cậy đến từ Nhật Bản cùng lãnh đạo TP.HCM, lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP (MAUR), Công ty TNHH MTV Đường sắt số 1 TP.HCM (HURC1 - đơn vị vận hành tuyến metro số 1) đều cùng chung cảm xúc tự hào và xúc động. Sau bao nhiêu trắc trở, dự án có vốn vay ODA lớn nhất của Nhật Bản dành cho VN cuối cùng đã về đích.
Trực tiếp từ các nhà ga: Lần đầu tiên đi làm bằng metro sáng thứ 2, cảm giác thế nào?
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại VN Ito Naoki nhấn mạnh tuyến metro số 1 không chỉ là dự án có ý nghĩa quan trọng với TP.HCM mà còn là công trình thực sự mang tính biểu tượng cho sự hợp tác giữa 2 nước VN - Nhật Bản. Tuyến đường sắt sau khi đưa vào vận hành sẽ thay đổi đáng kể cuộc sống người dân TP, giúp kết nối các khu vực có nhu cầu vận tải cao và sẽ có sự dịch chuyển lớn trong phương thức di chuyển của người dân, từ ô tô, xe máy sang đường sắt đô thị. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng, những công nghệ ưu việt của các công ty Nhật Bản đã được vận dụng vào nhiều mặt của tuyến số 1, qua đó hỗ trợ chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cho các nhà thầu VN.
"Trong kỷ nguyên mới như Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm là cơ sở hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, VN sẽ có nhiều hơn nữa cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Nhật Bản mong muốn sẽ tiếp tục được hợp tác, hỗ trợ TP.HCM nói riêng cũng như VN nói chung trong các dự án sắp tới", ông Ito Naoki phát biểu tại sự kiện.
Công bố tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, tự hào khẳng định đây là cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển giao thông công cộng của TP.HCM, đánh dấu việc hiện thực hóa quá trình xây dựng hệ thống giao thông công cộng bền vững, đáp ứng nhu cầu di chuyển nhanh chóng, hiệu quả cho người dân, góp phần giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường. Tuyến metro số 1 không chỉ là công trình giao thông hiện đại mà còn là biểu tượng cho khát vọng vươn mình hội nhập, phát triển bền vững của TP. Công trình là kết quả của sự kiên trì, quyết tâm của tất cả mọi người, mang lại niềm tin, niềm tự hào to lớn, mở ra những cơ hội mới, những sự hợp tác mới vì sự phát triển của TP.
"Với thiết kế hiện đại và tiện nghi, chúng ta tin rằng metro TP.HCM sẽ trở thành biểu tượng của sự hiện đại, kết nối trong đời sống thường nhật, là địa điểm check-in yêu thích của du khách và người dân. Đồng thời, góp phần tạo nên sự gắn kết, không chỉ về mặt địa lý mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những trải nghiệm thú vị. Trong giai đoạn tiếp theo, TP.HCM sẽ tiếp tục ưu tiên, tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị trong quy hoạch giao thông đô thị, phát triển mạnh theo mô hình TOD, nhằm xây dựng TP thành đô thị thông minh, hiện đại, bền vững trong tương lai, là biểu tượng của sự đổi mới, kết nối và văn minh đô thị", Phó chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ .
Người dân nô nức đi metro
Từ 8 giờ 30, khi lễ công bố vận hành còn chưa kết thúc, rất đông người dân đã tới nhà ga Bến Thành để sẵn sàng trở thành những vị khách đầu tiên có mặt trên chuyến tàu lịch sử khởi hành lúc 10 giờ. Bạn Trần Tiến Thành (22 tuổi) chở mẹ bằng xe máy di chuyển gần 20 km từ nhà ở TP.Thủ Đức lên Q.1 để đi metro. Lý giải vì sao không đón chuyến tàu từ ga Suối Tiên cho gần nhà, Thành hào hứng chia sẻ: "Em đi để chỉ cho mẹ thấy nếu đi xe máy từ nhà đến trung tâm thì mất bao lâu, phải chịu kẹt xe, bụi bặm, nắng nôi như thế nào, còn đi metro thì nhanh hơn bao nhiêu, mát mẻ tiện lợi ra sao. Mẹ em rất thích một quán bánh canh gần chợ Bến Thành nhưng gần như cả năm chỉ lên ăn 1 - 2 lần nếu tiện có việc vì đi từ nhà lên mất ít nhất hơn 1 tiếng đồng hồ vì kẹt xe. Giờ có metro rồi thì có khi cuối tuần nào nhà em cũng vào trung tâm, đi metro chưa tới nửa giờ là tới luôn".
Từng trực tiếp tham gia vận động người dân bàn giao mặt bằng để thực hiện tuyến metro số 1, thượng tá Nguyễn Văn Dụ, người bộ đội Trường Sơn 79 tuổi (ngụ P.22, Q.Bình Thạnh), không giấu nổi xúc động khi là vị khách có mặt trên chuyến tàu metro đầu tiên chạy chính thức. "Chúng tôi hết sức phấn khởi, vui mừng khi công trình đã hoàn thành sau thời gian dài chờ đợi. Đây là niềm vui lớn của nhân dân TP.HCM vì metro là phương án hữu hiệu để giảm ách tắc giao thông. Vậy là thành phố từ nay đã có một công trình hết sức to lớn, tầm cỡ", thượng tá Dụ nói.
Càng gần tới giờ tàu chạy, càng đông người đổ về ga Bến Thành. Hàng ngàn người dân và du khách nô nức đi metro như trẩy hội. Dù không có tình trạng chen lấn nhưng đại diện MAUR cũng đã phải phát thông báo trên trang Facebook chính thức khuyến cáo bà con tại khu vực trung tâm TP có thể di chuyển qua ga Nhà hát TP hoặc ga Ba Son gần đó để các đơn vị hỗ trợ tiếp đón chu đáo và kịp thời. Không chỉ có ga Bến Thành, một số hành khách cho biết người thân, gia đình đã chờ sẵn ở các ga Rạch Chiếc, Suối Tiên để đi thử metro. Một số câu lạc bộ, hội cựu chiến binh khu vực TP.Thủ Đức còn mua sẵn hoa chúc mừng, chờ metro mở cửa đón khách là cùng tới chia vui.
30 ngày đầu đi metro miễn phí là chương trình khuyến khích hiệu quả để hàng triệu người dân TP trải nghiệm công trình mà họ đã mong chờ gần 2 thập niên. Song, để kéo người dân sử dụng metro như phương tiện di chuyển hằng ngày thì không đơn giản. Kinh nghiệm từ metro Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội vẫn còn đó khi 5 ngày vận hành miễn phí tuyến ghi nhận tới 132.325 lượt hành khách đi tàu nhưng sau đó đã nhanh chóng giảm xuống dưới 20.000 khách/ngày.
Ông Fukuda Chihiro, Phó trưởng đại diện JICA văn phòng VN, cho biết nhằm giúp tăng cường lưu lượng hành khách cho tuyến metro số 1 TP.HCM, đã có những hợp phần giúp tăng kết nối như xây dựng cầu bộ hành cho người dân tiếp cận nhà ga, bố trí các bãi đậu xe lớn phục vụ đầy đủ nhu cầu hành khách di chuyển bằng xe cá nhân tới ga metro, bố trí các tuyến xe buýt kết nối… Tất cả những phương tiện này sẽ hỗ trợ người dân tiếp cận metro cũng như chuyển đổi hình thức giao thông thuận tiện hơn khi sử dụng đường sắt đô thị. Ngoài ra, còn một biện pháp rất hiệu quả để tăng lưu lượng hành khách mà JICA đã khuyến khích TP.HCM cân nhắc, đó là quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình TOD. Những khu đô thị dọc hành lang tuyến sẽ cung cấp thêm nguồn khách lớn, ổn định.
"Với định hướng này, JICA cùng Cơ quan Phục hưng đô thị Nhật Bản đang hỗ trợ TP.HCM khảo sát thí điểm để phát triển TOD gần ga Phước Long. Kinh nghiệm từ Nhật Bản cũng chỉ ra rằng metro chỉ thật sự phát huy hết hiệu quả nếu được xây dựng hoàn thiện hệ thống, để người dân từ bất kể ngõ ngách nào cũng có thể tiếp cận và đi metro một cách nhanh nhất, tiện nhất. TP.HCM đang thể hiện rất rõ quyết tâm hoàn thiện quy hoạch mạng lưới metro trong 10 năm tới và JICA cũng như Nhật Bản sẵn lòng hỗ trợ, hợp tác với TP để đạt được mục tiêu phủ metro phục vụ người dân toàn TP", ông Fukuda Chihiro khẳng định.
Hôm nay, dự án metro số 1 đã hoàn tất các điều kiện theo quy định để chính thức vận hành và khai thác. Chúng ta bắt đầu một chương mới trên hành trình phát triển giao thông đô thị hiện đại. Mỗi người dân TP và các du khách sẽ tích cực ủng hộ, sử dụng, góp phần duy trì và phát huy hiệu quả tối đa của tuyến đường sắt đô thị này, để metro không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là biểu tượng văn hóa, là cầu nối giữa con người và những câu chuyện đầy nhân văn. Tuyến metro số 1 sẽ trở thành một không gian công cộng hiện đại, một phần của văn hóa đô thị sống động của TP.HCM, nơi bắt đầu cho những khởi nguồn mới, nguồn cảm hứng sáng tạo và những khoảnh khắc đáng nhớ.
Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường
Chuyển giao nhiều công nghệ cao từ Nhật Bản
Theo ông Fukuda Chihiro, quá trình xây dựng tuyến metro số 1 đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến và kỹ thuật cao từ Nhật Bản. Cụ thể, các đoàn tàu được chế tạo với khả năng vận hành êm ái, ít rung lắc, hiệu quả năng lượng cao và được trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn. Tại khu vực Nhà hát TP, đường hầm và nhà ga được xây dựng với công nghệ đào hầm bằng robot khiên đào (TBM), giúp giảm thiểu tác động đến các công trình lân cận. Đặc biệt, Công ty xây dựng Nhật Bản chọn phương án liên danh với các công ty VN nên trong quá trình thi công, các công nghệ tiên tiến cũng như kỹ thuật quản lý thi công chuyên nghiệp đã được chuyển giao cho các đối tác VN. Ngoài cơ sở hạ tầng hữu hình, kinh nghiệm vận hành và bảo trì của Nhật Bản cũng đã được chuyển giao cho HURC1 kể từ khi công ty này được thành lập vào năm 2015.
Phát động cuộc thi "Chạm đến tương lai cùng Metro"
Ngày 22.12, Sở TT-TT TP.HCM và các đối tác phát động cuộc thi tìm kiếm nhà sáng tạo nội dung với chủ đề "Chạm đến tương lai cùng Metro" tại nhà ga Bến Thành ngay sau khi tuyến metro 1 chính thức vận hành.
Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó giám đốc Sở TT-TT, đánh giá các nhà sáng tạo nội dung với tài năng kể chuyện, khả năng tạo cảm xúc và sự am hiểu về cộng đồng sẽ làm cầu nối giúp metro số 1 không chỉ là một công trình giao thông mà còn trở thành một câu chuyện truyền cảm hứng trong kỷ nguyên mới của đất nước.
Cuộc thi "Chạm đến tương lai cùng Metro" diễn ra từ 22.12.2024 - 20.1.2025, tác phẩm dự thi gửi về địa chỉ [email protected]. Đối tượng tham gia là công dân từ 16 tuổi trở lên, đang sinh sống tại VN theo hình thức cá nhân, nhóm không quá 5 người hoặc đại diện cho tổ chức, doanh nghiệp. Ban tổ chức mong muốn nhận được những sản phẩm truyền thông sáng tạo, lan tỏa thông điệp tích cực đến cộng đồng về ứng xử văn minh, văn hóa khi sử dụng metro. Sản phẩm dự thi dưới dạng video ngắn, bài viết sáng tạo, thiết kế đồ họa hoặc kể chuyện qua hình ảnh.
* TP.HCM miễn phí vé trong 30 ngày (từ 22.12 đến 20.1.2025) cho tất cả người dân sử dụng metro. Trong 6 tháng đầu, metro số 1 sẽ mở cửa lúc 5 giờ và đóng tuyến vào 22 giờ hằng ngày, thời gian giãn cách đều đặn 8 - 12 phút/chuyến. Sau 6 tháng đầu, metro số 1 sẽ chạy tới 23 giờ 30 với tần suất đều đặn 5 - 10 - 15 phút/chuyến (tương ứng với các khung giờ cao điểm/bình thường/thấp điểm). Hành khách có thể xem thông tin trên app Go!Bus, dùng hệ thống thanh toán tự động, có thể sử dụng thẻ EMV do Mastercard phát hành để đi tàu điện. Khách chưa có thẻ sẽ được phát hành thẻ không định danh hoặc định danh (nếu đăng ký) để quét tại các cổng soát vé ở các nhà ga để đi tàu. Người dân có thể đến các nhà ga metro để làm thẻ và nạp tiền vào tài khoản để đi tàu. Công ty HURC1 đang tiếp tục đa dạng kênh phát hành thẻ qua ứng dụng di động, tăng cường các điểm làm thẻ và nâng cao tính năng để người dân thuận tiện đi metro (thẻ căn cước, căn cước công dân). Người dân có thể dùng thẻ này để đi lại trên 17 tuyến xe buýt kết nối với metro.
Hà Mai - Sỹ Đông
Bình luận (0)