Không chỉ là 1 chuyến chạy thử nghiệm thành công, sự kiện còn đánh dấu thêm một cột mốc mới trong quá trình triển khai dự án, đưa "giấc mơ metro" đến gần hơn với mỗi người dân TP.
Hành trình 29 phút qua 14 nhà ga
Theo dự kiến, 9 giờ 15, đoàn tàu xuất phát từ ga Suối Tiên (TP.Thủ Đức) sẽ về tới ga Bến Thành (Q.1) để đón đoàn khách đầu tiên tham gia buổi chạy thử toàn tuyến. Thế nhưng, từ 8 giờ, lãnh đạo MAUR cùng đại diện nhà thầu đã có mặt ở nhà ga trung tâm Bến Thành để sẵn sàng đón tàu. Trong suốt 1 năm qua kể từ ngày chủ đầu tư tổ chức chạy thử đoàn tàu metro đầu tiên trong phạm vi depot Long Bình, các kỹ sư, nhân viên thuộc MAUR đã nhiều lần được đi thử metro số 1 nhưng sự háo hức, vui mừng trong lần chạy thử này vẫn không hề thuyên giảm.
Chị Thanh Huyền (nhân viên Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1) cho biết việc được đi liên thông toàn tuyến từ ga đầu tiên đến ga cuối cùng mang lại cảm xúc đặc biệt. Là người dân, chị Huyền rất vui và hạnh phúc vì tuyến metro sắp đi vào vận hành và khai thác. Với vai trò là đơn vị sẽ quản lý, vận hành tuyến đường sắt đô thị, chị bày tỏ nóng lòng được bàn giao để tham gia tiếp quản tuyến, phục vụ đông đảo mọi người. "Những lần trước đi từng đoạn sẽ không cảm hết được sự ấn tượng về mỗi nhà ga. Lần này sẽ được dừng trước mỗi ga để tham quan. Mỗi ga mang một kiến trúc khác nhau, cùng với cảnh quan xung quanh TP, rất đẹp. Đây là công trình điểm nhấn của TP.HCM, người dân ai cũng mong chờ từng ngày", chị Thanh Huyền chia sẻ.
Đại diện MAUR cũng thông tin giai đoạn thử nghiệm đoạn trong hầm là khó khăn nhất vì các nhà thầu vừa thi công, vừa thử nghiệm trong điều kiện đường hầm chật hẹp, không gian nhỏ, điều kiện về ánh sáng, thông gió, thông tin, liên lạc cũng không được thuận lợi như đoạn trên cao. Ở trong hầm, việc tích hợp các hệ thống cũng nhiều hơn, phức tạp hơn vì ngoài hệ thống của đoàn tàu thì còn có hệ thống chiếu sáng, hệ thống thông gió, hệ thống làm mát. Hệ thống PCCC, cứu nạn cứu hộ, các thiết bị an ninh, an toàn trong đường hầm cũng đa dạng hơn nhiều.
Đúng 9 giờ 15, đoàn tàu vào tới ga ngầm Bến Thành. Dù trong không gian chật hẹp dưới lòng đất nhưng phải tới khi gần nhìn thấy rõ dòng chữ "0008 Ben Thanh" (thông tin nhà ga tàu dừng) hiện lên trên toa đầu tiên, hành khách mới nghe thấy tiếng xèn xẹt nhẹ của tàu chạy. "Cửa chuẩn bị đóng, xin mời hành khách lên tàu…", tiếng loa phát thanh song ngữ vang lên, trước khi đoàn tàu kéo hồi còi dài, chính thức xuất phát.
Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường là một trong những vị khách đầu tiên trải nghiệm đi tàu metro trong ga ngầm giữa TP, cũng như liên thông toàn tuyến. Đã từng có thời gian khá dài giữ cương vị Giám đốc MAUR, ông Bùi Xuân Cường không giấu nổi niềm tự hào khi thấy tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP đã đi tới những giai đoạn cuối cùng. Tới mỗi trạm dừng tại ga Nhà hát TP, ga Ba Son, ga Thảo Điền, ga Tân Cảng…, Phó chủ tịch UBND TP lại tranh thủ vài phút ngắn ngủi tàu dừng để xuống thăm tiến độ xây dựng các nhà ga. "Đây là cột mốc mới trong quá trình triển khai dự án, thúc đẩy tuyến metro số 1 sớm đưa vào khai thác thương mại. Hà Nội đã chạy tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, TP.HCM cũng sẽ sớm đưa tuyến metro số 1 vào phục vụ người dân", ông Cường nói và đề nghị phía chủ đầu tư sớm triển khai song song các công tác tích hợp thẻ vé, kết nối hệ thống công nghệ…
Hành trình từ ga Bến Thành đến ga Suối Tiên qua 14 nhà ga kéo dài 29 phút. Tiếng còi "bíp bíp" lại hú lên, báo hiệu đoàn tàu chuẩn bị tới đích. Cả đoàn tàu vỗ tay mừng rỡ, át cả tiếng thông báo: "Quý khách đã tới ga Bến Thành. Từ đây, quý khách có thể đổi tàu để đi tiếp tuyến metro số 2, số 3A và số 4". Hình ảnh người dân TP hằng ngày di chuyển bằng nhiều đoạn, tuyến metro hiện lên rất gần!
Mỗi ngày sẽ có hàng trăm ngàn người dân đi metro
Trải nghiệm đầy đủ mỗi lần chạy thử nghiệm quan trọng của tuyến metro số 1, Phó chủ tịch Hội Cầu đường, cảng TP.HCM Hà Ngọc Trường đánh giá dù hệ thống vận hành chưa hoàn thiện 100% nhưng có thể cảm nhận chất lượng đoàn tàu đã đạt tới 90%. Tàu chạy êm, những đoạn chuyển ga, chuyển đường ray rất êm, ít rung lắc.
"Khi ra khỏi ga ngầm chuyển sang đường ray trên cao, khung cảnh toàn TP từ từ hiện ra rất đẹp, đặc biệt là khi đi qua những đoạn như sông Sài Gòn hay khu Suối Tiên. Tôi rất vui và phấn khởi khi chính quyền TP cùng chủ đầu tư đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nỗ lực đưa tuyến metro số 1 về đích. Đặc biệt, tuyến metro số 1 sau khi đi vào hoạt động sẽ giúp giảm tải rất tốt cho hệ thống giao thông đang ùn tắc của TP.HCM", ông Trường nói.
Theo tính toán của MAUR, tuyến metro số 1 sau khi hoàn thành đồng bộ cùng mạng lưới xe buýt gom và các hạ tầng kết nối như cầu bộ hành thì mỗi ngày có thể chuyên chở 110.000 hành khách, phần nào giảm áp lực cho hạ tầng giao thông TP.HCM. Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó trưởng ban Phụ trách MAUR, nhấn mạnh đường sắt đô thị hoạt động theo nguyên lý mạng lưới. Nó chỉ phát huy tốt khi có sự nối kết thuận tiện, không chỉ các tuyến với nhau mà còn cả với hệ thống xe buýt.
Đơn cử, hành trình đi từ Thủ Đức tới Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) trên địa bàn Q.10, nếu đi tuyến metro số 1 đến ga Bến Thành, sau đó phải bắt xe tới Q.10 thì khá khó khăn, ít người sử dụng. Song, nếu có thêm tuyến metro số 2 thì chỉ cần chuyển tàu 1 lần là có thể đến nơi. Chưa kể tuyến đường sắt đô thị số 1 chạy song song với xa lộ Hà Nội, nếu hoàn thành 1 tuyến chỉ có thể giải quyết ùn tắc dọc tuyến xa lộ Hà Nội và đường Nguyễn Hữu Cảnh, các phạm vi khác của TP chưa có nhiều tác động.
"Đó là lý do vì sao TP đang phải quy hoạch lại mạng lưới metro, đổi hướng hoặc bổ sung thêm những tuyến mới với mật độ dày đặc hơn, đồng thời xin cơ chế để hoàn thiện càng sớm càng tốt hệ thống đường sắt đô thị theo quy hoạch. Mạng lưới 8 tuyến metro hoàn thiện kết hợp cùng hệ thống xe buýt, đường sắt trên cao... có thể đáp ứng 30 - 40% nhu cầu đi lại của người dân TP.HCM", ông Hiển thông tin.
Giữa năm 2024, tuyến metro số 1 mới có thể chính thức đưa vào khai thác
Ông Nguyễn Quốc Hiển cho biết: Sau lần chạy thử toàn tuyến này, Ban sẽ cùng nhà tư vấn NJPT và các nhà thầu Nhật Bản tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành cơ bản công tác thi công để sau đó chuyển sang giai đoạn chạy thử và khai thác thử làm cơ sở cho việc đánh giá an toàn hệ thống. Lịch chạy thử khai thác toàn tuyến vẫn được giữ là cuối năm nay. Tuy nhiên, kế hoạch khai thác thương mại khó kịp vào đầu năm 2024 do việc chạy thử sự cố, công tác đào tạo nhân sự vận hành tàu, chuyển giao toàn bộ công nghệ và kỹ thuật cho đội ngũ người Việt làm chủ tàu metro… sẽ phải mất khoảng 6 tháng. Nghĩa là đến khoảng giữa năm 2024, tuyến metro số 1 mới có thể chính thức đưa vào khai thác.
Bình luận (0)