Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa có văn bản khẩn gửi UBND TP.HCM báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2021. Theo đó, tiến độ thực hiện tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) vẫn còn khá nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục và các hợp đồng vay vốn.
Không có kinh phí đào tạo lái tàu
Theo báo cáo của MAUR, TP.HCM ký kết 3 hiệp định vay với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với tổng vốn hơn 155 tỉ yen. Hiệp định vay thứ 4, cũng là khoản vay cuối cùng, dự kiến khoảng 33 tỉ yen đang được các bên xúc tiến nhanh chóng ký trong thời gian tới. Tuy nhiên đến nay, tuyến metro số 1 hiện vẫn chưa xác định được giá trị ODA cấp phát còn lại do chưa thống nhất về áp dụng đồng tiền giữa các Bộ nên TP vẫn chưa nhận được vốn giải ngân từ Trung ương. Hơn 4.000 tỉ đồng ngân sách thành phố tạm ứng để thực hiện dự án trong quá trình hoàn thành thủ tục nâng tổng mức đầu tư, đến nay vẫn chưa được hoàn lại.
Bên cạnh đó, thời gian thực hiện các hợp đồng kéo dài, một số nội dung của hợp đồng gốc đã không còn phù hợp với tình hình triển khai thực tế, dẫn đến yêu cầu phải ký kết các Phụ lục điều chỉnh hợp đồng.
Trong khi đó, quá trình đàm phán và ký kết phụ lục hợp đồng số 19 của hợp đồng tư vấn chung mất nhiều thời gian, đồng thời đến nay các Sở vẫn chưa tham mưu để UBND TP xem xét nên ảnh hưởng đến công tác giám sát, giải ngân dự án. Đây hiện là thủ tục rất quan trọng bởi liên quan trực tiếp đến công tác đào tạo lái tàu. Hồi tháng 7.2020, MAUR khai giảng lớp đào tạo 58 kỹ thuật viên lái tàu cho tuyến metro số 1, do Công ty TNHH MTV đường sắt đô thị số 1 (HURC1) tuyển dụng. Kế hoạch đào tạo chia làm hai giai đoạn, thời gian kéo dài khoảng 15 tháng. Học viên sẽ học lý thuyết, thực hành tổng quát tại Trường Cao đẳng Đường sắt. Sau đó, trong 58 học viên sẽ chọn 10 người xuất sắc nhất đưa sang Nhật để đào tạo chuyên sâu về kỹ năng, thực hành lái metro.
Tuy nhiên, do phụ lục số 19 chưa được ký kết, tư vấn chung NJPT đã thông báo ngưng đào tạo lái tàu từ ngày cuối tháng 11.2020. Đến nay, 58 kỹ thuật viên lái tàu metro số 1 đã hoàn thành 8/19 môn học tại Trường Cao đẳng Đường sắt nhưng buộc phải tạm ngưng học do... chưa được đóng học phí.
Một chuyên gia trong ngành đường sắt cho biết, quá trình đào tạo cơ bản để các học viên có thể vận hành thử tàu theo đúng tiêu chuẩn của đối tác Nhật Bản mất khoảng thời gian 6 tháng. Theo kế hoạch, tuyến metro số 1 sẽ vận hành thử đoạn trên cao Long Bình - Bình Thái vào quý 4/2021 (tháng 9) để kịp đưa vào vận hành thương mại cuối năm 2021. Nếu công tác ký phụ lục 19 không được nhanh chóng đẩy nhanh để công tác đào tạo tàu tiếp tục xuyên suốt ngay sau Tết Nguyên đán (khoảng tháng 3), kế hoạch chạy thử tàu có thể sẽ phải trì hoãn.
|
Chủ thầu chậm trễ giải quyết sự cố
Không chỉ chậm vốn giải ngân, chậm thanh toán công nợ với các nhà thầu, sự cố lệch dầm cầu cạn tại hơn 1 vị trí, đường ray bị hư hỏng khiến người dân càng thêm lo lắng cho tiến độ dự án.
Nguồn tin của Thanh Niên cho biết, các chuyên gia của tổ kiểm tra độc lập đã yêu cầu tổng thầu là liên danh SCC trả lời 50 câu hỏi liên quan đến sự cố, trong đó quan trọng nhất phải lý giải được nguyên nhân, chỉ rõ sự cố chỉ là cục bộ tại vài vị trí hay mang tính tổng thể trên toàn tuyến, sau đó đề xuất phương án khắc phục. Toàn bộ quá trình giải quyết sự cố phải được hoàn thành ngay trước Tết Nguyên đán vì sự cố lệch dầm cầu nếu chỉ xuất hiện tại một vài vị trí có thể nhanh chóng khắc phục. Tuy nhiên, nếu xảy ra trên toàn hệ thống sẽ cực kỳ nguy hiểm vì dẫn đến nguy cơ phải sửa lại toàn bộ 1.138 gối cao su, kéo theo làm lại mố trụ, dầm cầu, thời gian nhanh cũng phải mất 6 tháng, không giải quyết nhanh chắc chắn ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ "về đích" của dự án.
Mới đây, MAUR cũng đã có văn bản yêu cầu SCC phải có câu trả lời chính thức, đề xuất giải pháp khắc phục sự cố trước ngày 25.1 nhưng đến nay đã trễ hẹn 3 ngày, phía nhà thầu vẫn chưa lên tiếng.
Được biết, do các câu hỏi của tổ chuyên gia mang tính tìm hiểu sâu về chuyên môn nên phía nhà thầu Nhật Bản Sumitomo phải cử đoàn kiểm tra độc lập từ Nhật qua kết hợp cùng các chuyên gia tại TP.HCM để nhanh chóng có kết luận cụ thể. Tuy nhiên, do vướng dịch Covid-19, hiện đoàn công tác của Nhật chưa thể có mặt tại VN.
Như vậy, dù đã đi được quá 3/4 chặng đường, đang ở những phút cuối cùng tăng tốc về đích nhưng tuyến metro số 1 vẫn chưa qua hết ải gian nan. Lãnh đạo MAUR nhiều lần nhấn mạnh sẽ đưa các quyết định cần thiết và quyết liệt trong thời gian tới nhằm đảm bảo chất lượng công trình, an toàn trong giai đoạn vận hành khai thác và đảm bảo tiến độ dự án nhưng để metro số 1 có thể "về đích" đúng hẹn còn phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ giải quyết thủ tục hành chính của các Sở, UBND TP và các Bộ liên quan.
Bình luận (0)