Metro số 1 nhập cuộc giao thông TP.HCM

23/01/2025 04:07 GMT+7

21.1 là ngày đầu tiên tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức bán vé. Dù đã kết thúc 1 tháng miễn phí nhưng vẫn rất đông hành khách xếp hàng chờ đi tàu điện từ sáng sớm, cho thấy metro đã dần trở thành phương tiện di chuyển hằng ngày của người dân TP.HCM.

Không còn chỉ để check-in, trải nghiệm

6 giờ 45 phút sáng 21.1, tại ga Đại học Quốc gia (TP.Thủ Đức), rất đông hành khách xếp hàng chờ mua vé đi metro. Trái với lo lắng của nhiều người rằng metro số 1 kết thúc 30 ngày chạy miễn phí, lại đúng dịp sinh viên và nhiều người lao động đã nghỉ Tết Nguyên đán nên có thể rơi vào tình trạng vắng khách, trên thực tế, số người chọn đi metro vào giờ cao điểm sáng vẫn không quá sụt giảm. Anh Trần Minh Đức (ngụ Q.Thủ Đức) cho biết kể từ khi metro số 1 được đưa vào hoạt động, anh chuyển hẳn sang đi bằng phương tiện này để tới cơ quan ở Q.3. Kết hợp cùng xe buýt, hành trình đi làm hằng ngày của anh Đức nhẹ nhàng hơn rất nhiều khi không phải chạy xe máy len lỏi giữa ùn tắc và khói bụi trên quãng đường hơn 12 km. Ngay cả cuối tuần đưa gia đình vào trung tâm TP đi chơi, mua sắm, anh Đức cũng vẫn chọn metro để "đỡ lo tìm chỗ đậu xe hơi".

22.1.2025_người dân về quê ăn tết bằng metro - ảnh Phạm Hữu (12).jpg

Metro số 1 không còn chỉ để "đi cho biết" mà đã trở thành một lựa chọn đi lại hằng ngày cho người dân TP.HCM

ảnh: Phạm Hữu

"Vì đã chọn metro là phương tiện di chuyển thay thế xe máy, xe hơi nên dù chạy miễn phí hay thu phí thì tôi cũng vẫn đi thôi. Xác định như vậy nên ngay từ đầu tôi đã đăng ký thẻ và app đi metro đầy đủ rồi, sáng nay tới đăng ký mua vé tháng khá đơn giản. Cộng thêm có nhân viên được bố trí sẵn ở cả khu vực bán vé và cổng soát vé nên việc đăng ký cũng nhanh gọn", anh Trần Minh Đức chia sẻ.

Tương tự, có công việc phải chạy vào Q.1 lúc 10 giờ sáng, anh Hoàng Mạnh (TP.Thủ Đức) cũng chọn đi bộ từ nhà ra ga Bình Thái để đi metro tới ga Bến Thành. Gần 1 tháng qua khi tình trạng ùn ứ giao thông căng thẳng cận tết, hễ đi chỗ nào có thể sử dụng tàu điện là anh Mạnh không do dự cho ngay chiếc xe máy ở nhà "ra rìa". Nhờ có sẵn thẻ Mastercard nên anh Hoàng Mạnh dễ dàng quẹt thẻ qua cổng một cách nhanh chóng, không cần mất thời gian mua vé lượt.

Trong khi đó, cũng chọn metro nhưng nhiều hành khách lại có trải nghiệm ngày đầu mua vé không mấy suôn sẻ khi hệ thống bán vé tự động tại ga Đại học Quốc gia lúc khoảng 7 giờ sáng bị lỗi, phải xếp hàng dài rất lâu chờ mua vé thủ công (vé giấy, viết tay). Đáng chú ý, nhiều người gặp khó khăn khi nhân viên bán vé chỉ nhận tiền mặt, không nhận chuyển khoản. Sau khi kết thúc hành trình, loại vé này được nhân viên tại cổng kiểm soát thu hồi.

Metro số 1 nhập cuộc giao thông TP.HCM- Ảnh 2.

Người dân TP.HCM qua cổng kiểm soát tại ga Bến Thành, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên

Ảnh: Nhật Thịnh

Xác nhận tình trạng trên, ông Lê Minh Triết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 (HURC1), cho biết vé giấy thủ công được sử dụng cho những hành khách thanh toán bằng tiền mặt và không dùng ứng dụng HCMC Metro hoặc thẻ Mastercard. Do ngày đầu thu phí, nhiều hành khách vẫn còn bỡ ngỡ, lúng túng với các hình thức thanh toán. Nhân viên ở một số ga phải tạm thời dùng vé giấy viết tay để tránh ùn ứ, hạn chế ảnh hưởng lịch trình của khách.

"Loại vé giấy viết tay chỉ áp dụng ngày đầu thu phí, sau đó sẽ không còn hình thức này. Trường hợp khách dùng tiền mặt mua vé thủ công sẽ nhận vé giấy dưới dạng mã QR. Chúng tôi sẽ hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống bán vé tự động. Tuy nhiên, công ty không khuyến khích hành khách sử dụng vé giấy", ông Lê Minh Triết nói. Lãnh đạo công ty vận hành metro cũng khuyến khích người dân mua vé qua thẻ hoặc ứng dụng metro để tiết kiệm thời gian. Ngoài thẻ MasterCard và app HCMC Metro, dự kiến từ ngày mai (24.1) khách đi tàu điện có thể sử dụng mã QR của MoMo hoặc thẻ ngân hàng Napas để qua các cổng soát vé.

Đảm bảo tàu chạy trơn tru sau 6 tháng

Giám đốc Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) Phan Công Bằng thông tin kể từ khi đưa vào vận hành (ngày 22.12.2024), tuyến metro số 1 nhận được sự hưởng ứng và quan tâm rất lớn của người dân và du khách. Mỗi ngày, có hàng trăm ngàn lượt hành khách sử dụng đường sắt đô thị, không chỉ mang tính trải nghiệm mà nhiều người đã chuyển qua dùng metro kết hợp xe buýt thành phương tiện di chuyển đi học, đi làm hằng ngày. Chỉ sau 10 ngày vận hành chính thức, tuyến metro đầu tiên của TP đã phục vụ gần 1,2 triệu lượt hành khách, vượt kế hoạch gần 300%. Những ngày cuối tuần, hoặc lễ tết, lượng hành khách tăng vọt, gây nên tình trạng quá tải ở ga trung tâm Bến Thành (Q.1). "Người dân xếp hàng dài từ dưới tầng B1 lên tới khu vực công viên phía trên nhà ga. Những tín hiệu này cho thấy hệ thống giao thông công cộng mới đáp ứng được nhu cầu và mong đợi của cộng đồng", ông Phan Công Bằng nhận định.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu hoạt động, tuyến metro số 1 đã 3 lần gặp sự cố gián đoạn, phải dừng tàu khẩn cấp, chủ yếu do các lỗi tín hiệu, thời tiết bất lợi như mưa lớn và sấm sét. Theo giám đốc MAUR, những sự cố trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do lỗi phát sinh từ hệ thống trang thiết bị. Cụ thể, gói thầu CP3 về trang thiết bị metro do Công ty Hitachi của Nhật Bản trúng thầu. Hợp đồng từ năm 2012 nhưng những hạng mục chính như hệ thống tín hiệu, cơ điện, đầu máy, toa xe… phải tới cuối 2020 mới bắt đầu triển khai lắp đặt, tức thời gian tiếp cận thực tế mới chỉ 4 năm. Bên cạnh đó, các hệ thống trên được thiết kế theo tiêu chuẩn Nhật Bản còn với điều kiện khí hậu nóng ẩm, nhiều bụi mịn trong không khí như ở TP.HCM thì quá trình bắt đầu đưa vào vận hành sẽ phát sinh một số lỗi nhất định. Đơn cử như hệ thống cửa chắn, ke ga khi mưa lớn, hệ thống cảm biến cửa chắn nhạy hơn, có thể tự động đóng lại, khác với quy trình ban đầu. Những lỗi này trong quá trình nghiệm thu, vận hành thử cũng đã được chủ đầu tư nhận diện, có đánh giá và đưa giải pháp cùng thời gian dự kiến tới 30.3 sẽ khắc phục hoàn thiện.

Metro số 1 nhập cuộc giao thông TP.HCM- Ảnh 3.

Đông đúc hành khách chọn metro để đi làm trong giờ cao điểm sáng

Ảnh: Phạm Hữu

Nguyên nhân thứ hai, toàn bộ nhân viên vận hành tuyến metro số 1 hiện nay là người Việt. Mặc dù đã trải qua quá trình đào tạo, huấn luyện kỹ lưỡng nhưng thực tế vẫn chưa có kinh nghiệm vận hành metro. Do đó, trong quá trình vận hành, phía chủ đầu tư đang yêu cầu thực hiện rất kỹ lưỡng và thận trọng, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống.

"Như hôm 27.12.2024, mưa lớn trên diện rộng ở TP.HCM, lại có sét đánh xuống ga Tân Cảng, Bình Thạnh, metro Bến Thành - Suối Tiên phải tạm ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn. Lúc đó, tuyến tàu điện có 2 cơ chế hoạt động, có thể vận hành chế độ tự động khắc phục hoặc dừng lại kiểm tra toàn bộ và vận hành thủ công, thực hiện điều khiển bằng tay. Với khuyến cáo của tư vấn và nhà thầu Nhật Bản, trong giai đoạn đầu, cần ưu tiên vận hành thủ công nên chúng tôi đã cho dừng, kiểm tra toàn bộ hệ thống để đảm bảo an toàn 100%. Một đoàn tàu cần kiểm tra hệ thống cũng kéo theo những đoàn tàu khác đang trên đường ray phải dừng chờ, ảnh hưởng tới hành trình của người dân. Chúng tôi rất lấy làm tiếc và mong người dân thông cảm cho những tình huống này", ông Phan Công Bằng dẫn chứng.

Cũng theo lãnh đạo MAUR, ở nhiều quốc gia khác, các tuyến metro trong giai đoạn đầu mới khai thác cũng gặp phải một số sự cố. Những lỗi nhỏ cần được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế. Phía chủ đầu tư đã và đang tiếp tục làm việc với các nhà thầu, đơn vị tư vấn, đảm bảo trong 6 tháng sẽ khắc phục triệt để các lỗi thiết bị và hoàn thiện quy trình vận hành, làm sao đảm bảo an toàn nhưng vẫn phải chạy tàu ổn định, trơn tru, thuận lợi nhất cho hành khách.

Metro số 1 nhập cuộc giao thông TP.HCM- Ảnh 4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.